Hoa tốt nghiệp loại khá ở một trường đại học thuộc top đầu. Hành trình tìm việc làm của cô cũng không đến nỗi vất vả như các bạn đồng môn. Ngay từ khi chưa nhận bằng, cô đã yên vị ở một công ty truyền thông với điều kiện khá tốt. Mức thu nhập của Hoa có thể gọi là lý tưởng cho một tân cử nhân còn non về kinh nghiệm, xanh về tuổi nghề.
Là người thông minh, hoạt ngôn nhưng môi trường làm việc lại không tạo được hứng khởi cho Hoa. Các đồng nghiệp trong nhóm là những người ít nói, không nhiệt tình tham gia các hoạt động bên lề của công ty. Điều đó làm Hoa cảm thấy chán nản. Thêm vào đó, sếp của cô lại là người có tính soi mói, hay áp đặt người khác phải phục tùng những quan điểm của mình, dù đúng, dù sai. Điều đó có lẽ là vấn đề lớn khiến Hoa luôn nghĩ đến việc tìm kiếm cơ hội mới.
Thời gian đầu, vì muốn ổn định, tích lũy kinh nghiệm nên dù không hài lòng, Hoa vẫn gắng gượng làm việc. Nhưng càng ngày, những dồn nén của cô càng nhân lên. Cô cảm thấy mình trở nên bất hợp tác với đồng nghiệp, không thể răm rắp nghe theo lệnh của cấp trên khi nó không khả thi. Cô đã đi đến quyết định nghỉ việc.
Có lẽ vì chưa phải trải qua những khó khăn trong vấn đề tìm việc, hơn nữa một người non về kinh nghiệm, xanh về tuổi nghề nên quyết định của Hoa cũng vì thế là mang tính nhất thời. Cô phải trả giá cho sai lầm của mình bằng việc rơi vào cảnh thất nghiệp mấy tháng liền. Trong khi không hề có một khoản dự trữ nào đảm bảo cho cuộc sống và đầu tư cho hành trình săn việc mới.
Kết quả là sau cả năm trời loay hoay, cuối cùng cô đành chấp nhận làm việc ở một công ty “cò con” với mức lương eo hẹp, và điều đáng buồn nhất là chẳng có một chút “tương lai, hi vọng” gì ở phía trước. Tất cả cũng chỉ vì 2 chữ “thất nghiệp” đeo bám, và cô thì không thể sống mà không có khoản lương eo hẹp đó để chi trả cho những chi phí “tầm thường” – mua gạo, mua rau và ga, dầu, mắm muối,…
Lan Anh, tuy không đến nỗi rơi vào hoàn cảnh bi đát như cô bạn Hoa nhưng cũng tương đối tệ, tất cả cũng chỉ vì những hành động thiếu chín chắn, quyết định theo cảm tính. Và kết quả là chính cô chứ không ai khác phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra.
Nhìn CV của Lan Anh, có lẽ ấn tượng đầu tiên mang đến cho người xem là “choáng” với cái lý lịch làm việc của cô. Mới 2 năm tuổi nghề nhưng cô nhảy việc đến 5 lần. Nơi giữ chân Lan Anh lâu nhất cũng không quá 3 tháng. Thiết nghĩ, lý giải cho sự nhảy việc quá nhiều kia có thể là do cô bị “out” ngay sau thời gian thử việc. Cũng có thể cô là người thích bay nhảy, không muốn ngồi quá lâu ở một vị trí. Nhưng dù thế nào đi nữa, đây cũng đã là một ấn tượng không đẹp đối với nhà tuyển dụng.
Tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, kinh nghiệm cũng chưa có nhiều nhưng Lan Anh luôn chọn cách giải quyết là nhảy việc khi cô gặp phải bất cứ tình huống nào không vừa ý. Lần thì lý do công việc không hợp chuyên ngành, lần thì lương thưởng không hậu hĩnh. Có những vị trí khả quan một chút thì cô cũng làm được thời gian rồi xin rút với lý do muốn thử sức ở một môi trường mới để tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Trong xã hội hiện đại, chúng ta nên khuyến khích mọi người tìm kiếm những cơ hội mới, cải thiện bản thân. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên cổ súy cho những quyết định nhất thời, cảm tính. Chính sự nôn nóng sẽ khiến bạn dễ gặp thất bại nhất.
Trong cuộc sống và công việc hàng ngày, bạn luôn luôn phải học cách chấp nhận để bước qua những khó khăn. Đừng từ bỏ công việc hiện tại khi chưa tìm được nước rút cho mình. Đó mới chính là chìa khóa thành công.
Lynk
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.