Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tập trung sự chú ý vào một ngôi sao có thể sắp trở thành siêu tân tinh cách Trái đất hơn 20.000 năm ánh sáng.
Trong khi Betelgeuse, ngôi sao sáng thứ 8 trên bầu trời đêm, sẽ sống thêm cả triệu năm nữa trước khi bị hủy diệt, một ngôi sao khác đang trong tình trạng hấp hối.
Theo đó, sao SBW1 là một khối cầu lửa có kích thước gấp 20 lần mặt trời, và những ngôi sao dạng này thường có tuổi thọ ngắn ngủi.
Vòng khí bao quanh ngôi sao được dự đoán đang bùng nổ thành siêu tân tinh – (Ảnh: NASA)
Dựa trên hình ảnh do kính viễn vọng Hubble truyền về Trái đất, SBW1 đang bị bao quanh bởi vòng khí tím, dấu hiệu cho thấy nó đã trút bỏ các lớp khí quyển bên ngoài.
Cách nay 26 năm, các nhà khoa học NASA cũng đã tình cờ phát hiện một ngôi sao khác có nhiều điểm tương đồng với tình trạng hiện tại của SBW1, trước khi nó nổ tung thành sự kiện siêu tân tinh.
Theo Space.com, những hình ảnh ban đầu của Hubble cho thấy ngôi sao trên, gọi là SN1987A, rất giống SBW1, chẳng hạn như cả hai đều có vòng khí cùng kích cỡ bao quanh, cùng tuổi, di chuyển cùng tốc độ trong không gian, và đều nằm trong khu vực giàu hydrogen bị ion hóa.
Có thể nói SBW1 chính là hình ảnh của SN1987A trước khi nổ tung.
May mắn là SBW1 ở cách Trái đất hơn 20.000 năm ánh sáng, cho phép giới thiên văn có thể yên tâm quan sát sự kiện hoành tráng này của vũ trụ, và hy vọng nó sẽ sớm xảy ra.
Theo Thanh Niên