Có một quan điểm hết sức điên rồ về sự sợ hãi mặc dù ở một khía cạnh nào đó, sợ hãi cũng có những lợi ích nhất định khi nó giúp chúng ta cảnh giác với nguy hiểm hay những điều xấu có thể xảy ra. Đó là lý do tại sao lửa rất đáng sợ; gấu, độ cao hay những sinh vật quái dị cũng bị cho như vậy. Tuy nhiên, từ một phương diện khác, sợ hãi lại là thứ cảm giác hết sức vô lý. Bởi lẽ, gần như tất cả những thứ chúng ta sợ đều ít có khả năng xảy ra nhất. Trong khi đó, những thứ vô cùng nguy hiểm lại có rất nhiều người chẳng bao giờ đề phòng cả.
“Nỗi sợ lớn nhất của chúng ta là đi một mình trong đêm tối”.
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Chapman, 1.500 người trưởng thành từ đủ mọi tầng lớn cùng thực hiện một bài tập yêu cầu tiết lộ những nỗi sợ lớn nhất của họ. Sau khi tiến hành tổng hợp và phân loại, các kết quả được sắp xếp thành 4 loại: Nỗi sợ cá nhân, tội phạm, bệnh tật tự nhiên và fear factor (nỗi sợ khi phải tham gia các trò chơi / hoạt động rùng rợn như ăn sống nội tạng động vật, để cho hàng tá gián hoặc nhện bò lổm ngổm lên người…). Ngoài ra, nghiên cứu này cũng rút ra một kết luận rằng nỗi sợ lớn nhất của chúng ta là đi bộ một mình trong đêm tối. Thứ hai là sợ trở thành nạn nhân của những vụ ăn cắp dữ liệu cá nhân. Rủi ro khi sử dụng Internet để phục vụ cho công việc và cuộc sống đứng thứ ba, thứ tư là nỗi sợ trở thành nạn nhân của những vụ xả súng hàng loạt. Thuyết trình trước đám đông cũng là một nỗi sợ và đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng kết quả của nghiên cứu này.
Trong khi một vài nỗi sợ trong danh sách này đủ nguy hiểm để khiến chúng ta có cảm thấy kinh hoàng thì một số lại chưa đến mức đe dọa tới tính mạng. Nguy hiểm nhất là các chất có khả năng gây chết người lại không có bất cứ ai liệt kê cả.
Chúng ta có những nỗi sợ hết sức…. hoang tưởng
Trong tất cả các lý do dẫn tới nỗi sợ, không có nhân tố nào đủ để gây ra cái chết. Theo thống kê, ốm đau và bệnh tật là sự đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống của chúng ta, trong đó, bệnh tim và ung thư là hai nguyên nhân hàng đầu. Tai nạn có khả năng gây tử vong lớn hơn các vụ bạo lực súng. Trung bình, có khoảng 16,4 vụ xả súng hàng loạt mỗi năm ở Mỹ, khiến khoảng 52 người thiệt mạng. Trong khi đó, những vụ tai nạn xe cộ khiến mỗi năm có hơn 30.000 người chết.
Bệnh cúm còn nguy hiểm hơn. Bệnh cúm và sưng phổi khiến mỗi năm có hơn 56.000 người chết.
Nhưng liệu có ai sợ nhắn tin trong khi đang lái xe – thói quen khiến các vụ tai nạn có khả năng xảy ra một cách chắn chắn? Ai sợ ăn quá nhiều và tập luyện quá ít (tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và đái đường)? Ai sợ dịch cúm lan tràn? Nếu nỗi sợ thực sự xuất hiện theo đúng bản chất của nó thì việc ăn những chiếc bánh hamburger béo ngậy có mức độ gây ra nỗi sợ ngang bằng với một tên giết người hàng loạt trên phim ảnh!
Nhìn nhận lại đúng bản chất của nỗi sợ sẽ giúp chúng ta bình tĩnh hơn
Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi tâm lý sợ những thứ ít có khả năng xảy ra. Bởi theo một báo cáo được đăng trên Tạp chí The National Safety Council (Hội đồng An toàn Quốc gia) thì đằng sau những nỗi sợ phổ biến nhất luôn có một sự thật là “chúng ta sợ hãi một cách vô lý”.
Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng “chúng ta thường lo lắng về những thứ ít có khả năng xảy ra như bị chết trong một vụ tai nạn máy bay hay bị sét đánh (trong khi vẫn đang ở nhà) nhưng cả cuộc đời, chúng ta lại gần như chắc chắn có thể bị chết bởi những gì mà chúng ta làm hàng ngày hoặc những thứ mà chúng ta thậm chí còn không nghĩ đến”.
Cũng theo Hội đồng An toàn Quốc gia, khả năng chúng ta thiệt mạng do một vụ xả súng là 1/358, khả năng bị chết bởi những chất độc không đoán trước như do uống rượu quá nhiều là 1/109.
Máy bay cũng khiến nhiều người lo lắng và sau vụ khủng bố 11/09, nỗi sợ máy bay càng trở nên tột độ. Tuy nhiên, thực sự thì khả năng bị chết do một vụ rơi máy bay vào khoảng 1/96,566. Trong khi đó, nếu chúng ta trả lời điện thoại trong khi đang đạp phanh xuống dốc và gửi tin nhắn nhân lúc xe dừng trước đèn đỏ thì khả năng bị chết do một vụ tai nạn xe hơi lại là 1/112.
Mặc dù có nhiều người sợ hãi thảm họa thiên nhiên – hơn 1/3 số người trưởng thành trong nghiên cứu trên sợ động đất, lốc xoáy, lũ lụt và dịch bệnh – nhưng lại có khá ít người có các bộ công cụ khẩn cấp (Emergency kit) tại nhà. Christopher Bader – chuyên viên nghiên cứu tại Đại học Chapman cũng nhấn mạnh rằng “mặc dù rất sợ hãi, nhưng lại có rất ít sự chuẩn bị”.
Đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh nỗi sợ của mình về với đúng rủi ro thực sự của nó. Chính xác hơn là đã đến lúc cần chuẩn bị sẵn sàng với những nguy hiểm có khả năng xảy ra theo một cách thông minh và đúng đắn hơn. Nỗi sợ một mình có thể khiến chúng ta không đủ tỉnh táo để ra quyết định và rơi vào trạng thái hoang tưởng. Tuy nhiên, nếu có một nhận thức chính xác về thứ có khả năng gây ra nỗi sợ này và thực hiện những hành động khôn ngoan có thể khiến chúng ta thoát khỏi nguy hiểm trong các trường hợp đó.