Chuột khổng lồ đánh hơi bệnh lao, phát hiện bom mìn

Chuột khổng lồ đánh hơi bệnh lao, phát hiện bom mìn

Những con chuột túi khổng lồ châu Phi, được huấn luyện để phát hiện bom mìn, đang góp phần vào cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Tanzania và Mozambique.

Chuột khổng lồ đánh hơi bệnh lao, phát hiện bom mìn
Chuột khổng lồ châu Phi nổi tiếng với khứu giác nhạy bén. (Ảnh: Animal Planet)

Theo Guardian, các nhà khoa học ở phía đông châu Phi lên kế hoạch sử dụng khứu giác nhạy bén của loài chuột để lọc tìm bệnh lao từ phạm nhân trong những nhà tù đông đúc ở Tanzania và Mozambique.

Loài chuột túi khổng lồ châu Phi do tổ chức phi chính phủ APOPO của Bỉ huấn luyện, rất nổi tiếng với khả năng đánh hơi bom mìn. Giờ đây, chúng cũng đang giành nhiều tiếng tăm ở Đông Phi nhờ kỹ năng và tốc độ phát hiện bệnh lao.

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu, sau HIV. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 9 triệu ca mắc bệnh và khoảng 2 triệu trường hợp tử vong vì bệnh lao, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tại Tanzania, người dân trong những cộng đồng nơi bệnh lao phổ biến nhất, bao gồm nhà tù, thường không đến khám bệnh vì thiếu tiền hoặc ý thức kém, tạo nên gánh nặng lớn cho các nhà chức trách y tế đang cố gắng xử lý dịch bệnh. Do hệ thống hiện nay thiếu chính xác, việc kiểm tra loại bệnh có độ lây nhiễm cao này đòi hỏi tốc độ nhanh và chi phí rẻ. Nhiều ca mắc bệnh không được đội ngũ bác sĩ chẩn đoán.

Chuột khổng lồ đánh hơi bệnh lao, phát hiện bom mìn
Một con chuột khổng lồ châu Phi còn non được nhân viên tổ chức APOPO ôm sau khi hoàn thành bài huấn luyện ở Morogoro, Tanzania. (Ảnh: AFP)

APOPO đang lên kế hoạch tuyển thêm và huấn luyện nhiều con chuột hơn để tiến hành kiểm tra nhà tù và tin rằng cách này nhanh hơn và đáng tin cậy hơn các phương pháp hiện nay.

Chúng tôi tin công nghệ Chuột phát hiện bệnh lao sẽ tự chứng minh đây là công cụ sàng lọc số đông hiệu quả. Sau đó, chúng tôi hướng đến mở rộng chương trình ở tất cả nhà tù, khu ổ chuột, nhà máy và nhiều vùng dân cư khác ở Tanzania, Mozambique và những nước có tỷ lệ bệnh lao cao khác, cùng với các nhóm có nguy cơ cao như cá nhân nhiễm HIV/AIDS. Dự án này sẽ giúp cải thiện cuộc sống và cứu sống nhiều sinh mạng trên khắp thế giới với chi phí thấp“, Charlie Richter, giám đốc APOPO chia sẻ.

Dù rất khó lấy dữ liệu từ các nhà tù châu Phi, nghiên cứu từ Tanzania, Malawi và Bờ Biển Ngà chỉ ra tỷ lệ bệnh lao trong nhà tù cao hơn 10 lần so với dân số chung, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Mỹ.

Những con chuột sẽ trải qua quá trình huấn luyện gắt gao khi chúng 4 tuần tuổi. Ngay khi mở mắt, chúng được làm quen với vô số kích thích, học cách kết thân và tương tác với con người. Những con chuột học cách nhận ra bệnh lao trong các mẫu nước bọt hoặc dịch nhầy bắn ra từ đường hô hấp dưới khi bệnh nhân hắt hơi và được thưởng khi thành công.

Quá trình kiểm tra bắt đầu khi con chuột đứng trước 10 mẫu nước bọt xếp thành hàng dọc và nó dừng lại không quá ba giây ở mỗi mẫu vật, theo Richter. Tỷ lệ phát hiện chính xác bệnh lao của những con chuột gần như là 100%, nhưng chúng không thể phân biệt giữa vi khuẩn thông thường và loại kháng thuốc, các nhà khoa học ở APOPO cho biết.

Hệ thống của APOPO rất nhanh, rẻ và có tiềm năng hạ thấp chi phí sàng lọc ở những nước nghèo, theo Richter. Trong khi kỹ thuật viên phòng thí nghiệm cần 4 ngày để phát hiện bệnh lao, một con chuột được huấn luyện có thể kiểm tra 100 mẫu vật trong 20 phút và chi phí cho mỗi lần sàng lọc chỉ tiêu tốn 0,2 USD.

Chương trình hiện nay của APOPO đã kiểm tra hơn 340.000 mẫu bệnh lao, ngăn chặn hơn 36.000 ca truyền nhiễm và tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lên hơn 40% ở một số phòng khám đối tác.

 

Theo VnExpress