Trong mỗi cuộc tình đều tồn tại một thời điểm mà hai người trong cuộc giống như hai thỏi nam châm rõ ràng là không cùng dấu nhưng vẫn đẩy nhau ra xa. Không phải là họ không còn hiểu nhau, mà chính bởi hiểu nhau nên mới không còn hấp dẫn để thu hút nhau lại gần đấy thôi. Dẫu biết là chẳng ai có thể hiểu hết một con người mà cho mình quyền chán họ nhưng ở bên nhau lâu dần, người ta thường quên mất động lực để yêu và từ đó, họ ngừng cố gắng, ngừng thử thách, ngừng chinh phục.
Khoa học đã chỉ ra những cặp đôi trước khi yêu nhau là bởi vì họ khác nhau. Nói theo khoa học thì đó là khi hormone neutrophin hoạt động rất mạnh, còn nói theo cách dễ hiểu hơn thì đó là do chúng ta đang đi trên con đường mang tên cuồng si với đôi mắt mịt mùng, đôi tai lùng bùng. Nhưng theo thời gian ở bên nhau, họ dần dần trở thành những cặp cùng dấu đó là bởi vì neutrophin đã hết hay bởi vì sự cuồng si đã khiến người này trở thành bản sao của chính người kia? Nhưng dẫu thế nào thì chính khi đó, họ lại đẩy nhau ra. Và người ta gọi đó là thời điểm thoái trào của tình yêu. Hệt như sự khủng hoảng của nền kinh tế, tình yêu khi đã thăng hoa cũng sẽ có lúc trải qua giai đoạn lao dốc phi mã.
Tình yêu của mỗi người có lúc thăng hoa đến tột cùng nhưng cũng có giai đoạn lao dốc phi mã.
Vì sao lại thế? Chúng ta có thể đổ lỗi cho hormone neutrophin – hormone đam mê, hormone hấp dẫn đã hết hạn sử dụng, nếu như nói theo khoa học. Chúng ta cũng có thể đổ lỗi cho duyên số, duyên phận như cách người ta vẫn lý giải khi hai kẻ yêu nhau lắm mà chẳng thể đến được với nhau. Đằng nào thì cái giai đoạn khủng hoảng này vẫn cứ phải xảy ra, bất kể tình yêu của bạn xấu hay đẹp, lãng mạn hay không lãng mạn, đổ lỗi cho điều gì cũng chỉ là cách để con người tự xoa dịu chính mình thôi. Nhưng sao không tìm cách khắc phục? À, dĩ nhiên là có chứ, chỉ trừ những kẻ không đủ kiên nhẫn hoặc quá phụ thuộc vào cái hormone hấp dẫn kia – mà những kẻ này, thường không yêu, chỉ nên coi là tìm đối tượng để vui, nói theo dân tình thì là những kẻ họ Sở tên Khanh. Còn lại, nếu đã đến vì yêu thì sẽ đủ đam mê để tìm cách khắc phục cuộc khủng hoảng tình yêu.
Nếu bạn là người tin vào “thất niên chi dương” – tình yêu bảy năm, bạn sẽ thấy phàm mọi cuộc tình khi bước qua con số bảy sẽ ở bên nhau viên mãn. Bởi vì không phải chỉ là một con số mang quan niệm tín ngưỡng thôi đâu, đó còn là một sự thử thách không dễ dàng mà người ta phải vượt qua, trong đó có sự khủng hoảng của tình yêu. Khi đã đủ quyết tâm để chinh phục lại thử thách sau khi hai kẻ yêu nhau trở nên cùng dấu để đẩy nhau ra, để chán nhau, để lười biếng, người ta sẽ thấy gì? Người ta sẽ nhận ra sức hấp dẫn kỳ lạ, không phải là do hormone đam mê – neutrophin, đó là sự gắn bó của tình nghĩa, của sự cảm thông, của sự hi sinh, theo khoa học thì đó là do sự sản sinh của hormone oxytocin – hormone âu yếm, hormone thủy chung.
Thế thì chúng ta sẽ làm gì khi hai kẻ yêu nhau bỗng nhiên một ngày thấy chán nhau? Có hai cách: hoặc là vượt qua hoặc là chẳng làm gì cả. Thế giới vẫn tồn tại hai trạng thái – hợp và tan như một quy luật tự nhiên cho những mỗi tình đổ vỡ và những người cầm tay nhau bước vào thánh đường. Hơn nhau chỉ một chữ dám, hoặc có tất cả hoặc trở về không. Nên đừng ngưỡng mộ mối tình của người khác là họ đã may mắn tìm thấy một tình yêu hoàn hảo, họ đã đi cùng nhau được đến đích bởi vì họ đã chọn cách đối diện với cuộc khủng hoảng tình yêu thay vì trốn chạy, bỏ cuộc hay đổ lỗi cho duyên trời số phận đấy thôi.
Tình yêu cũng giống như sự thành công, không cần quá nhiều sự may mắn, chỉ là hơn nhau ở sự cố gắng đối với mỗi thử thách. Và việc nắm lấy tay của một người – sau mỗi lần đẩy nhau ra xa, thật ra không quá khó, chỉ cần nhìn vào khoảng trống trên kẽ tay mình thôi, chúng ta sẽ hiểu mình phải giữ chặt hơi ấm bằng cách nào. Thì hãy cứ để mình yêu lại từ đầu, dẫu neutrophin – đam mê, hấp dẫn đã hết nhưng ta vẫn còn có oxytocin – nghĩa tình và thủy chung, phải không?
Diệp Tử Mộc
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.