Các nhà khoa học hàng đầu cho biết chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillan-Barre do virus Zika có thể gây tê liệt tạm thời chỉ là hai biến chứng rõ ràng nhất trong vô số các hệ quả do loại virus này gây ra.
Những phát hiện gần đây về tình trạng nhiễm trùng não và tủy sống như viêm não, viêm màng não và viêm tủy ở những người bị virus Zika tấn công đã tăng thêm những lo ngại về tác hại của loại virus này. Điều này càng gây áp lực lớn cho các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Zika.
Tiến sĩ Peter Hoetz, hiệu trưởng Trường y học nhiệt đới thuộc Đại học y Baylor cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là hậu quả của loại virus đã gây ra trận đại dịch”.
Virus Zika đã lan rộng qua các nước châu Mỹ sau khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở Brazil hồi năm ngoái. Hàng ngàn trường hợp bị nhiễm virus Zika có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh đầu nhỏ và bộ não kém phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố đây là một trường hợp y tế khẩn cấp trên toàn cầu từ hồi tháng 2 vừa qua.
Những nghiên cứu đã khiến các nhà khoa học nghi ngờ rằng Zika có thể tác động trực tiếp lên các tế bào thần kinh. Không những thế, họ còn phát hiện ra các bất thường khác liên quan đến Zika ngoài chứng đầu nhỏ, trong đó có trường hợp thai nhi bị tử vong, suy thai, chậm phát triển và tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Tiến sĩ Alberto de la Vega, một bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện Đại học San Juan của Puerto Rico cho biết: “Một loại virus đủ mạnh để gây ra chứng đầu nhỏ ở một người nào đó cũng có thể gây ra một loạt các căn bệnh khác mà chúng ta không thể lường trước được.”
Virus này được phát hiện đầu tiên trong rừng Zika Uganda vào năm 1947. Nó tồn tại một cách lặng lẽ ở châu Phi và châu Á với các triệu chứng nhẹ. Nhưng virus này đã bùng phát vào năm 2013 ở Polynesia, Pháp. Vào thời điểm đó, các tác hại liên quan tới thần kinh đã được ghi nhận, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu nhiều về chúng.
Có khoảng 32.000 người nhiễm Zika ở Polynesia. Trong nhóm đó, 42 bệnh nhân đã được xác nhận mắc hội chứng Guillain-Barre – tăng gấp 20 lần so với 4 năm trước đó. Đây là một bệnh hiếm gặp gây suy yếu cơ bắp hoặc tê liệt tạm thời, khiến bệnh nhân phải sử dụng mặt nạ để hỗ trợ thở. 32 bệnh nhân bị các rối loạn thần kinh khác – chẳng hạn như ecephalitis, viêm não màng não, viêm tủy và liệt mặt.
Phát hiện này đã khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ việc liệu Zika cũng có thể lây nhiễm sang các dây thần kinh trực tiếp ở người lớn. Tháng trước, các bác sĩ ở Paris cũng đã nói đến hai trường hợp bệnh nhân, một người đàn ông 81 tuổi bị nhiễm trùng cả bộ não và tủy sống sau khi tiếp xúc với virus Zika trên một con tàu và trường hợp một cô gái 15 tuổi bị nhiễm Zika trên đảo vùng Caribe đã bị viêm tủy cấp tính, gây tê liệt tủy sống.
WHO cho biết “cả hai trường hợp này đã cho thấy chúng ta cần phải hiểu rõ hơn phạm vi của các chứng bệnh rối loạn thần kinh liên quan đến virus Zika.”
Nhà nghiên cứu của WHO – Mary Kay Kindhauser đã viết trong một bài báo gần đây rằng Zika “dường như đã thay đổi đặc tính khi chuyển từ một thể nhiễm trùng nhẹ sang một đại dịch liên quan tới các rối loạn thần kinh.”
Các loại virus khác lây truyền qua muỗi cũng từng được biết đến có thể trực tiếp gây bệnh cho các tế bào thần kinh trong não và tủy sống bao gồm sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và virus Tây sông Nile.
Thụy Du – Dịch theo DM
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.