Ít ai biết rằng, loài nghêu, hay còn gọi là ngao, là động vật thân mềm hai vỏ, mà con người dùng làm món ăn thường xuyên, lại có đời sống sinh vật “dai dẳng” vô địch. Các nhà khoa học đã phát hiện một “cụ” nghêu sống vùng khơi Iceland có tuổi thọ 410 năm, trong khi các tế bào chưa có dấu hiệu lão hóa.
Trong môi trường tự nhiên, loài nghêu có thể sống tới 450 năm, gấp 6 lần tuổi thọ của con người. Các nhà khoa học đã căn cứ vào số vòng trên nắp vỏ của chúng để xác định tuổi thọ.
Nghêu có thân hình tròn, màu trắng hoặc vàng nhạt. Nghêu thuộc họ Veneridae. Loài này thường sống ở vùng ven biển, nước mặn, nơi có nhiều cát sỏi. Hiện nay, chúng có mặt rộng rãi khắp các vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới trên thế giới.
Loài nghêu có mặt phổ biến tại Việt Nam và được nuôi rộng khắp ở các tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam. Môi trường lý tưởng nhất của nghêu là vùng cát pha bùn. Chúng sống ngay bề mặt, nhưng cũng có khi rúc xuống đáy cát ở độ sâu tới 3-4m.
Nghêu là loài thụ động trong việc tìm kiếm thức ăn. Chúng không có khả năng săn mồi và lựa chọn thức ăn. Chúng duy trì sự sống và phát triển bằng cách lọc các chất từ bùn, sinh vật phù du và tảo xung quanh chúng.
Nghêu sinh sản quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa chúng sinh sản mạnh mẽ hơn, vì lúc này lượng thức ăn từ các sông đổ ra nhiều. Loài nhuyễn thể này phân tính đực, cái riêng biệt.
Trong noãn của cá thể nghêu cái trung bình có hơn 5, 4 triệu trứng, thậm chí tối đa có đến 8,5 triệu trứng. Sau khi đẻ trứng vào môi trường nước, ấu trùng nghêu sống trôi nổi khoảng một tháng, sau đó chìm xuống đáy nước khi thành con non có vỏ. Con non sẽ rúc xuống lớp bùn cát khoảng 1cm.
Dù quá trình trưởng thành của nghêu có rất nhiều rủi ro, nhưng với số lượng trứng nhiều, nên loài nghêu hiện đã trở thành vật nuôi khá dễ dàng, ít tốn kém. Ít ai có thể tin rằng, loài nghêu có tuổi thọ hơn 4 thế kỷ này trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con ngư dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Theo VTC