“Fight for 15”, hàng vạn người Mỹ tuần hành đòi phải được trả 15 dollar cho 1 giờ lao động là mức lương tối thiểu có thể sống được, bởi thực tế ở hầu hết các bang thu nhập chỉ bằng nửa số đó. Thế nhưng theo Reihan Salam viết trên tạp chí Slate thì: “Tăng lương tối thiểu lên 15USD có thể làm hại hàng triệu người yếu đuối”.
Đấy là câu chuyện nước Mỹ. Câu chuyện mà đòi tăng lương thì vẫn cứ đòi, và tăng lương hay không tăng lại còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp, dù chính quyền các bang thúc ép. Người ta tính rằng các vùng thu nhập chỉ 7,25 dollar/1 giờ, chi phí thấp; thì giá cả sẽ bị đẩy lên cao, tiền lương thực tế giảm sút, tác động xấu đến hàng chục triệu người lao động nước Mỹ. Tăng lương và niềm vui nỗi buồn của người lao động Việt Nam cũng giống như câu chuyện nước Mỹ, nhưng còn thêm bi hài ở chỗ: Có một bộ phận người lao động dù thu nhập rất thấp, nhưng… không muốn tăng lương?
Hiện nay, kinh tế nước ta dù được đánh giá là đã nhúc nhích khởi sắc, nhưng vẫn đang ở chu kì khủng khoảng trầm trọng. Bất động sản đóng băng, kích cầu quyết liệt mà vẫn như trà hâm; biệt thự bỏ hoang, nhà liền kề cỏ mọc, căn hộ đìu hiu. “Nhiều doanh nghiệp, thậm chí còn không đủ tiền trả lương cho nhân viên, thiếu nợ ngân hàng, thiếu nợ thuế, thiếu cả bảo hiểm xã hội”. Sản phẩm doanh nghiệp làm ra không tiêu thụ được, ế thừa chất đầy ứ trong kho; nếu cứ kéo dài thì sẽ quay trở lại thời bao cấp khan hiếm tiền mặt, phải trả lương cho công nhân bằng phân đạm, mì tôm, xích líp, săm lốp xe đạp…
Chúng ta hãy hình dung bức tranh lương – thưởng của người lao động Việt Nam? Lương thì chạm đáy mà thưởng thì gần bằng không. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã làm cuộc “khảo sát 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương. Kết quả cho thấy, 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy”.
Hiện nay, dù có tăng lương như phương án đề xuất thì mức sống tối thiểu của người lao động cũng chỉ đảm bảo 50-60%.Mức lương thấp chỉ đảm bảo cho cuộc sống đạm bạc, thậm chí sống dặt dẹo không phải ai cũng “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” để mà cảm thông, chia sẻ. Có các mệnh phụ phu nhân xúng xính kiêu kì đều đặn đi shoping, hay vào siêu thị Big C sai nhân viên nhặt khuân “vô thiên lủng” đồ đông lạnh: Cá hồi Ấn độ, thịt bò Úc, vây cá mập Nhật bản, rau Đà Lạt, nấm linh chi Hàn quốc…vv lên ô tô chở về nhà ăn dần, hay chỉ ăn rau sạch lợn gà sạch từ cơ sở nuôi trồng riêng ở nông thôn; thì cũng còn nhiều các chị các cô công nhân mỗi chiều tan ca về ghé qua chợ cóc mua thực phẩm, đi suốt từ đầu đến cuối chợ cứ đắn đo, tần ngần chọn lựa từng bó rau muống giá rẻ, so kè từng đồng mua cá mè ươn và thịt ba chỉ ế cuối ngày. Ở nông thôn lương hưu trí tưởng rằng chi tiêu tằn tiện cũng sẽ trang trải đủ cho cuộc sống nghèo thanh bạch, nhưng cứ thử trong nhà có một người ốm đi viện, hay có một đứa con vào đại học là phải… bán bò bán lợn ngay, đôi khi bán sạch cả lúa thóc để chi tiêu.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.