Nhất là những chuyện kiểu một mất mười ngờ, xầm xì đồn đoán lẫn nhau, “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”.
Đồng tiền liền khúc ruột
Làm cùng phòng tôi có một chị “đại gia”. Chúng tôi gọi đùa như thế vì trong túi và ngăn bàn của chị luôn có nhiều tiền mặt. Chị vừa làm thủ quỹ của phòng lại vừa giữ tiền quỹ của đoàn thanh niên, công đoàn… quỹ du lịch, quỹ chơi hội… chị đều giữ cả. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 1 năm, không hiểu sao chị hay kêu mất tiền. Mà là mất cắp vặt, kiểu mỗi lần bị rút vài ba tờ 500 nghìn đồng. Sau vài lần như thế, chị thực sự hết kiên nhẫn, chị nói ầm lên, kêu ca bực bội, không tiếc lời chửi rủa “đứa nào” lấy tiền của chị. Chúng tôi ai cũng cảm thấy lo, lo vì mất tiền vặt là rất dễ nghi ngờ nhau. Chính bản thân tôi, sau những vụ mất tiền vặt vãnh đó, tôi đến công ty cũng không cảm thấy dễ chịu nữa, cứ băn khoăn, mình thường xuyên có mặt trong phòng, gần cái túi tiền và ngăn bàn đựng tiền của chị, liệu mọi người có nhìn mình bằng con mắt khác hay không. Mà nhiều nhặn gì cho cam, nói thực, một vài tờ 500 nghìn, không đáng để người ta “hí hoáy”. Tôi thấy trong chuyện này có cái gì đó đáng ngờ khủng khiếp.
Nghĩ chán, bực bội quá, tôi quyết định lên trình bày với giám đốc. Tôi nói rằng, phòng có 4 người nhưng tôi là người có mặt ở phòng thường xuyên nhất, do công việc được phân công. 5 năm đi làm, chưa bao giờ phòng tôi có chuyện mất mát, bây giờ tự nhiên xảy ra, tôi áy náy vô cùng. Rằng thanh minh thì trở thành thú tội, rằng không có tật sao phải giật mình, nhưng ai ở vào hoàn cảnh tôi mới hiểu tôi mệt mỏi và khó xử thế nào. Ban đầu, giám đốc bảo tôi cả nghĩ, cứ về đi, chuyện này quá nhỏ để tôi nghĩ nặng nề, chị em phụ nữ nhầm lẫn tiền nong là điều dễ hiểu, yên tâm là công ty không ai nghi ngờ tôi đâu. Nhưng vì tôi cứ khăng khăng nhờ giúp đỡ nên cuối cùng sếp đành đồng ý, bí mật cho lắp camera theo dõi mà chính tôi cũng không hề biết đến chuyện này.
Theo dõi cả tuần, tuyệt đối không hề thấy có ai vào phòng tôi lấy tiền, sếp mới giả vờ “nắn gân” chị đồng nghiệp kia xem chị còn bị mất tiền nữa không, chị được thể lại la lên hôm trước vừa mới mất. Sếp đoán ra vấn đề, đành giả vờ mời công an vào cuộc. Chị đành kín đáo lên phòng sếp, khóc lóc thú nhận mình không bị mất tiền, nhưng vì ghét tôi, muốn mọi người nghi ngờ tôi nên cứ nói vu vơ thế. Lý do ghét tôi thì đơn giản vô cùng: Nghe đâu, tôi sắp được bổ nhiệm gì gì đó, mà dạo này thấy tôi mua sắm liên tục (vì chồng tôi mới cho tôi một khoản nhỏ), nên chị muốn mọi người nghĩ số tiền chị bị mất là tôi “thó” trộm để đi mua sắm. Trời ơi! Nghe xong tôi mới sốc, không ngờ chị em làm việc với nhau suốt mấy năm còn khó lường đến vậy.
Sếp là đồ điêu ngoa
Hồi ấy cơ quan tôi có đợt thanh lý để sắm sửa đồ dùng mới. Mọi người ai cũng thi nhau bốc thăm để mua đồ giá rẻ. Nào là ti vi, máy vi tính để bàn… giá thì cực kỳ hữu nghị, chỉ chừng vài trăm nghìn, nếu bán giá thị trường, đồ cũ cũng được chừng 1-2 triệu/món. Mọi người nô nức lắm, nhưng tôi thì dửng dưng. Vì tôi lúc ấy chưa lập gia đình, thiết nghĩ, ôm về lắm cũng không dùng đến. Với lại, đồ cũ cũng chỉ là đồ cũ, thà mua hẳn cái mới, công nghệ mới mà dùng, hỏng thì mua cái khác, nên tôi là người duy nhất không hề bốc thăm trong công ty.
Ấy thế mà, đùng cái, ba ngày sau, tất cả những món đồ thanh lý trong công ty đều đứng tên tôi! Cái quái gì xảy ra ở đây vậy, tôi đi tìm chị trưởng phòng hành chính thì gặp ngay câu trả lời lạnh nhạt: “sao em không hỏi bản thân mình đi?” Thỉnh thoảng, vài ba tiếng xì xào, gớm thật, tưởng vô tư, tưởng tốt, đúng là con ông nọ cháu bà kia, cứ giậm chân là có người phục vụ. Tôi thật sự không hiểu được chuyện gì thì đứa bạn thân cùng công ty mới rỉ tai: Nghe mọi người bàn tán, là tối qua, bố tôi gọi điện cho giám đốc để xin hết chỗ đồ đó về, giám đốc nể quá đành chuyển hết cho tôi mua.
Cái gì thế này? Sao bố tôi lại bị lôi vào? Bố tôi vốn có chút chức vụ, là cấp trên của giám đốc ở đây thì ai cũng biết. Nhưng cái tính tham lam này tuyệt đối không phải phong cách của bố tôi. Để chắc ăn hơn, tôi gọi điện ngay cho bố tôi, thì ông bảo, ông không hề có ý định mua, nhưng tối qua, giám đốc gọi điện, có ý muốn nhờ bố tôi đứng tên hộ, lấy danh nghĩa là mua cho tôi! Tôi hiểu ngay ra, là giám đốc lợi dụng chiêu thanh lý nhưng lăm le mua hết, sẽ gom lại và bán ra ngoài chứ đời nào lại để anh em hưởng lợi. Tôi cay mũi phát điên nhưng bố tôi lại dặn là thôi, coi như không biết gì, cứ im lặng, bao giờ ra khỏi cơ quan đó rồi tính. Nếu tôi còn ngồi đó mà phanh phui chuyện này ra tôi sẽ bị hành cho tuốt xác.
Nghe lời bố, tôi im lặng cho đến cuối năm rời khỏi cơ quan. Giờ mỗi lần nghi lại vẫn còn thấy nhục nhã với cái nhìn ghẻ lạnh và những lời bàn tán sau lưng mình.
Dạ Thảo
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.