“Tôi gặp anh trong tiết trời đông lạnh ở London 5 năm về trước, khi tuyết bắt đầu rơi phủ trên mặt đất một lớp mỏng. Sau buổi gặp mặt bạn bè, anh đi cùng đường với tôi về nhà. Lần đầu nói chuyện mà tôi cảm thấy rất tin tưởng để kể cho anh những suy nghĩ cảm xúc sâu thẳm nhất. Tôi chia sẻ với anh cảm giác choáng ngợp có phần hơi lạc lõng của một đứa 21 tuổi, mới chân ướt chân ráo lên thủ đô nhộn nhịp để bắt đầu công việc đầu tiên. Tôi kể cho anh cảm giác không thuộc về đâu của một du học sinh trên đất khách quê người”, chị Thu Ngân (sinh năm 1988) chậm rãi kể về chuyện tình của mình với anh Simon, một nhân viên ngân hàng hơn chị 6 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Birmingham, trong một gia đình Anh truyền thống.
Ngày ấy chị là cô sinh viên vừa mới tốt nghiệp loại giỏi Thạc sĩ Kinh tế Đại học Cambridge, mới lơ ngơ đến London để thi vào một công ty Kiểm toán nổi tiếng và may mắn được nhận. Chị gặp anh khi cùng đi chung với một nhóm bạn. Ngay sau buổi tối quen nhau hôm trước, hai người lại có dịp gần nhau hơn khi tham gia một số hoạt động ở nhà thờ vào hôm sau. Hai trái tim chưa bao giờ thổn thức vì ai bắt đầu đập loạn nhịp. Họ chính thức hẹn hò chỉ sau hai buổi gặp đầu tiên.
Lần hẹn kế tiếp, anh Simon bất ngờ bị ốm, chị Ngân lo lắng không yên nên quyết định đến nhà thăm anh. Chị hì hụi nấu cho anh bát cháo thịt nóng. Cầm trên tay món ăn lạ chưa từng thử bao giờ, anh xúc từng thìa cháo vừa ăn vừa xúc động nghẹn ngào. Sau hôm đó, cả hai gần như ngày nào cũng gặp, tình cảm mỗi ngày một lớn dần. Họ luyên thuyên kể với nhau đủ thứ chuyện, cùng nắm tay nhau đi dạo dọc sông Thames, sánh bước trên cầu Tower Bridge nhìn thành phố rực sáng ánh đèn.
Giáng sinh năm đó, anh Simon trở về nhà ở Birmingham, chị Ngân ở lại căn phòng thuê tại London cùng bạn và em gái. Chị thao thao kể về anh bất cứ khi nào có thể. Lần đầu tiên chị cảm thấy nhớ nhung một người là thế nào. Chị không biết rằng ở cách đó gần 250km, cũng có một chàng trai lần đầu kể với gia đình về người con gái anh yêu với tất cả sự yêu thương, tự hào.
Một tháng sau ngày hẹn hò, cả hai quyết định đính hôn. Đám cưới của họ được tổ chức 6 tháng sau đó tại chính nhà thờ nơi anh chị từng đến cùng nhau ngày mới quen. Anh xúc động rơi nước mắt, còn chị siết chặt tay anh mỉm cười hạnh phúc.
Ngày cưới của con gái, bố mẹ chị Ngân từ Việt Nam bay sang. Ông bà vui mừng khôn xiết khi con lấy được người chồng tốt, làm dâu trong một gia đình trí thức trung lưu người Anh. Nghe con gái kể về Simon từ trước nhưng chỉ khi gặp và tận mắt chứng kiến sự chăm chỉ, không ngại việc gì của anh, bố mẹ chị mới thở phào nhẹ nhõm. “Bố còn quát tôi rằng sao lại để chồng đi đổ rác, nấu cơm thế kia. Anh chỉ cười và nói mấy việc này anh làm được. Bố mẹ không ngớt lời khen anh chu đáo, và mừng lắm khi con gái tìm được tấm chồng tốt ở chốn xa lạ này”, chị Ngân chia sẻ.
Dịp Giáng sinh và Tết 2013, lần đầu tiên chị Ngân về đón năm mới với gia đình nhà chồng ở Birmingham. Lúc đầu, chị hơi lo lắng về sự khác biệt văn hoá và thủ tục lễ Tết, nhưng trái với sự hồi hộp của chị, mọi người trong nhà chào đón chị rất nồng nhiệt, luôn tạo cho chị cảm giác thực sự là con gái trong nhà chứ không phải phận làm dâu. Trong các cuộc nói chuyện, mọi người rất kiên nhẫn giải thích các tập tục khác nhau, các chuyện đùa hay những từ ngữ mà chị không hiểu.
“Lần đầu tiên đó, tất cả bạn bè thân của mẹ chồng đều đến chào tôi và hỏi thăm. Ai cũng bảo là mẹ kể rất nhiều về tôi, nào là tôi tự lập sang Anh từ khi 16 tuổi, tốt nghiệp Kinh tế loại giỏi ĐH Cambridge, hay đang làm trong một công ty kiểm toán nổi tiếng… Mẹ nhìn tôi một cách rất tự hào”, chị Ngân kể lại.
Chị cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ những thành viên trong gia đình dành cho mình, đặc biệt là từ mẹ chồng. Chị kể mẹ là người rất tâm lý, khi phát hiện thấy chị có khuyên tai, quần áo mới luôn để ý khen. Bất cứ món đồ gì vợ chồng chị tặng bà đều rất trân trọng. Chị nhớ có đôi khuyên tai chị tặng, lần nào gặp bà cũng đeo đôi đó để cho hai vợ chồng chị biết là mẹ rất thích. Sinh nhật chị, khi chị thi lấy bằng chứng chỉ, hay bất cứ dịp gì, mẹ đều gửi quà, còn đặt hoa tới tận nhà chị. Lần nào sang nhà chị chơi, mẹ cũng dành phần nấu nướng.
Chị Ngân vẫn thầm cảm ơn chồng vì đã cho chị một gia đình thứ hai ấm áp, gần gũi khiến chị quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ ở Việt Nam. 5 năm sống bên nhau, có một bé gái xinh xắn 8 tháng tuổi nhưng tình cảm của anh chị lúc nào cũng ngọt ngào như lần đầu tiên rung động.
Chị hạnh phúc nói về chồng mình: “Mọi người thường nói trai Tây sòng phẳng, công bằng chuyện tiền nong nhưng chồng tôi lại khác. Hồi đầu biết tôi mới đi làm tiền lương chỉ đủ tiêu, anh ấy lúc nào cũng đòi trả tiền mỗi khi hai đứa đi ăn hay mua gì. Anh nói anh hiểu cảm giác khó khăn lúc mới chập chững đi làm, anh làm hơn em 5-6 năm rồi, kinh tế đã khá ổn nên bảo mọi chuyện cứ để anh lo. Sau khi cưới chúng tôi lập tài khoản chung luôn, lương vào chung một tài khoản và tiêu cũng từ một tài khoản mà ra. Tết nhất gì anh cũng gửi tiền về nhà tôi biếu. Còn bố mẹ anh, anh cho liên tục, dịp gì anh không mua quà thì cho các cụ tiền”.
Cuối năm 2014, cả gia đình hạnh phúc khi chị thông báo đang mang bầu. Thời gian đó chị bị nghén kinh khủng, ngứa khắp người. Tối nào anh cũng thơm bụng rồi xoa kem chống ngứa cho chị. Ngày con gái cất tiếng khóc chào đời, bế con trên tay, anh rơm rớm nước mắt vì quá hạnh phúc. Anh nói lời yêu và cám ơn chị hàng ngày vì đã mang nặng đẻ đau cho anh.
Trước đây anh không ngại làm tất cả mọi thứ trong nhà như giặt giũ, nấu cơm, rửa bát, từ khi có con gái, anh lại kiêm thêm nhiều việc như thay bỉm, cho con uống sữa, tắm, cắt móng tay, móng chân, cho con ăn, hát, đọc sách cho con nghe…
Yêu con, thương con là thế nhưng với anh, vợ mới là số một. “Anh luôn nói tôi là bạn thân nhất của anh, hiểu anh ấy đến từng chuyện nhỏ. Anh không ngại phải nói với tôi bất cứ điều gì. Anh yêu con, chăm con lắm, nhưng lúc nào cũng bảo tôi là nhất, xinh nhất nhà, tôi là công chúa một, con là công chúa hai. Anh bảo tôi là giờ có bé gái rồi, chỉ cần một con thôi để anh còn dành thời gian cho em”.
Chị ở nhà trông con theo chế độ thai sản, anh đi làm nhưng ngày nào cũng gọi về cho vợ ít nhất hai ba lần. Nếu chị không trả lời tin nhắn hay cuộc gọi anh bồn chồn không yên. Đến công ty hay trước khi tan làm anh cũng nhắn tin sắp về để chị biết. Anh không thích tiệc tùng gì chỉ muốn chăm chăm về nhà với vợ con.
Sinh nhật chị tháng 11/2015 vừa qua, anh tặng chị một món quà, bó hoa cùng một tấm thiệp. Chị xúc động rưng rưng khi đọc từng dòng chữ của anh:
“Em là người vợ và người mẹ tuyệt vời. Em luôn ngập tràn sự yêu thương và luôn mỉm cười. Anh rất biết ơn và kinh ngạc là em có thể làm được nhiều thứ đến thế dù em chẳng được ngủ nhiều kể từ khi mình có con gái. Anh vui lắm khi thấy em trong vai trò làm mẹ. Em chăm con giỏi quá. Anh thấy em rất vui khi ở bên con”.
Không chỉ tự tay viết thiệp cho chị, anh còn làm thêm một tấm thiệp thay cho bé Anna để tặng chị. Anh lấy ảnh của con gái dính lên giấy, rồi viết chữ chúc mừng: “Cám ơn mẹ, mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất. Con yêu mẹ rất nhiều”.
Buổi chiều nắng vàng trải dài trên con đường nhỏ ở ngoại ô London, anh chị nắm tay nhau, đẩy xe cô con gái nhỏ dưới những tán cây cao xì xào trong gió.
“Thi thoảng chúng tôi dừng lại ngắm trời ngắm đất ngắm mây, ngắm mấy chú chim xanh nhảy từ cây này sang cây khác, và ngắm bé con của chúng tôi ngủ say thở nhè nhẹ phập phồng dưới lớp chăm ấm trong xe đẩy. Anh nhìn tôi cười. Tôi nhìn thấy phản chiếu của mình trong mắt anh, không còn cảm giác lạc lõng, mà chỉ có hạnh phúc tràn đầy”.a
Nguồn: Theo Vnexpress
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.