Phải lòng từ chén chè trôi nước
Trung tướng Nguyễn Việt Thành (còn gọi Tư Bốn), người gắn liền tên tuổi với chuyên án mang bí số Z5-01 “Năm Cam và đồng bọn”. Năm 2002, tổ chức tội phạm này đã bị triệt phá cũng là lúc tướng Tư Bốn đã ngoài 50. Đến tuổi nghỉ hưu, vị tướng lừng danh phá án đã lui về quê vui thú điền viên.
Về ấp Bình Long (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) hỏi nhà Tư Bốn chẳng mấy khó, vì ai cũng biết “anh Tư bắt Năm Cam”. Tóc bạc da mồi, nhưng khí chất của vị tướng từng tôi thép những năm nếm mật nằm gai thời chiến, và qua những chuyên án hóc búa thời bình vẫn toát lên sự tinh anh.
Giọng nói sang sảng, ông cười bảo: “Trước đánh trận, phá án thì không nói làm gì. Giờ mình về ăn cỗ, cũng phải có chiến lược đàng hoàng. Đó là, đám xa đi trước, gần nhà đi sau cùng”.
Nhìn ra cánh đồng lúa đang hồi chín tới, tướng Tư Bốn hồ hởi tiết lộ nhà có 6 công ruộng và hơn 40 con heo. Tất bật là thế nhưng nhờ người vợ giỏi quán xuyến việc nhà, ông mới rảnh rang đi lo việc làng, việc nước. Con cái đã lớn, đi làm ăn xa, chỉ còn hai ông bà già nương tựa nhau sống tuổi xế chiều. Nhưng hàng ngày vợ ông-bà Phan Thị Chín vẫn cần mẫn trăm thứ việc hầm bà lằng.
Đối với trung tướng Nguyễn Việt Thành, bà Chín không chỉ là người vợ đảm mà còn là hậu phương vững chắc để ông yên tâm trên nhiều chiến tuyến. Trải qua trăm cuộc bể dâu, mối lương duyên của ông và vợ từ thời hoa lửa tựa như một huyền thoại. Ngược về quá khứ, vị tướng từng vào sinh ra tử dưới thời mưa bom đạn lạc vẫn đôi chút tư lự, trầm mặc.
Tư Bốn kể, tháng 10/1969 ông trở thành đại đội trưởng Đại đội vệ binh Tỉnh đội Mỹ Tho và chuyển về đóng quân tại xã Long Tiên (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Khi ấy, gia đình cụ Hai (cha ruột bà Chín) chính là đầu mối thông tin liên lạc của cơ sở.
Tá túc tại nhà cụ Hai tám đêm, thì đêm nào Tư Bốn cũng được thưởng thức tài nghệ nấu chè do con gái út (bà Chín) của cụ nấu. Con đường dễ đi đến trái tim nhanh nhất chính là qua…bao tử. Tư Bốn có sở thích ăn đồ ngọt. Còn chè cô Chín ngọt vị thanh đầu lưỡi, càng ăn càng thấm tới tận ruột gan. Tư Bốn ấn tượng sâu đậm về cô Chín ngay từ lúc này.
Đầu năm 1970, Tư Bốn chuyển hẳn công tác về Long Tiên. Mỗi lần trong nhà có món gì ngon, cụ Hai lại bảo gái út qua mời Tư Bốn. Và tất nhiên, những ngày này Tư Bốn vẫn đều đặn thưởng thức chè của cô Chín. Ăn nhiều thành ra Tư Bốn bị … “nghiện”. Mỗi lần ăn chè của ai, Tư thấy miệng nhạt nhẽo lắm, cứ như nấu chè quên bỏ đường, không đâu ngon bằng chè nhà cụ Hai. “Có lẽ, chúng tôi thương nhau cũng từ món chè đường có hương vị rất ngọt của bà ấy”, ông tếu táo cười bảo.
Về phần bà Chín, vốn là y tá của căn cứ Long Tiên, công việc của bà cũng hết sức nguy hiểm. Để có thuốc men và dụng cụ y tế băng bó vết thương cho các chiến sĩ cách mạng, hằng ngày bà Chín phải đi ra chợ huyện mua thuốc tây. Thời điểm này quân địch nghi ngờ người dân Long Tiên mua thuốc tây về cứu chữa thương binh. Họ tổ chức đón lõng, kiểm tra, lùng bắt. Nhờ khéo léo, mưu trí, bà Chín đã không ít lần thoát hiểm.
Chuyện tình đậm chất xi-nê
“Công việc rất nguy hiểm nhưng bà Chín luôn hoàn thành nhiệm vụ. Chính sự dũng cảm, kiên cường của bà ấy đã khiến tôi vô cùng cảm phục”, Tư Bốn nhớ lại. Những ngày hoạt động tại căn cứ Long Tiên, tướng Tư Bốn đã 7 lần bị thương nặng. Nhưng giữa lành răn sự sống và cái chết, Tư Bốn đã tìm được hạnh phúc của đời mình.
Tướng Tư Bốn còn nhớ, lần đó vào giữa năm 1971, trong trận đánh chống càn khốc liệt của địch kéo dài, ông bị đạn bắn xuyên bắp chân và được đưa về trạm cứu thương dã chiến. Thế nhưng, ngay sau khi ông được phẫu thuật xong thì trạm bị pháo bắn phá. Trong cơn mê man, nửa tỉnh nửa mê ông cố bò ra khỏi tuyến lửa.
Lúc tỉnh lại, Tư Bốn thấy mình nằm trong nhà cụ Hai. Thì ra, ngay lúc ấy bà Chín có mặt ở gần đấy, khi thấy ngớt tiếng pháo, bà chạy vội vào căn cứ để cứu thương binh. Và chính bà đã phát hiện ra Tư Bốn nằm thoi thóp bên con lạch nhỏ, rồi cõng đưa về nhà.
“Hơn một tháng nằm dưỡng thương tại nhà cụ Hai, tôi được Chín trực tiếp chăm sóc ân cần. Tôi cảm động lắm. Đó là chưa kể những lần vì tôi mà Chín gặp nguy hiểm, khi cất giấu thương binh trong nhà. Để che mắt địch, bà ấy đào một hầm nhỏ ở chuồng bò cho tôi ẩn nấp”, ông Tư nhớ lại. Và đặc biệt, lần bị thương đó không hiểu sao ông lại thèm đường thỏi như…bà bầu mắc nghén. Khổ nỗi, loại đường này chỉ có ở phố huyện, cách Long Tiên đến mấy chục cây số.
Thương người lính trẻ đang bị trọng thương, cô Chín lấy hết can đảm vượt qua phòng tuyến của địch để mua đường thỏi cho bằng được. Tấm lòng chân thành của cô thôn nữ miệt vườn vô tình đã đốn gục trái tim chàng lính trẻ. Đến nỗi mấy tháng sau khi vết thương lành hẳn, Tư Bốn không chỉ khoái chè cô Chín nấu mà còn ghiền luôn cả món đường thỏi. Thậm chí, đi đánh trận Tư Bốn vẫn không quên dắt hai túi đường bên hông.
Tay quần quật vỗ tắm mát cho đàn heo, nhưng nghe chồng nhắc tới chuyện xưa. Bà Chín cười tươi góp vui vào câu chuyện tình thời hoa lửa của mình: “Hồi đó, gặp mặt anh Tư riết rồi tôi cũng thấy lòng xốn xang lạ thường. Sau này khi cả hai tình trong như đã, mặt ngoài còn e, tui đợi ông ngỏ lời trước mà càng đợi ông lại càng làm thinh. Thì ra, ông ấy sợ nếu một ngày ông hy sinh lại sợ làm tôi đau khổ”.
Mặc cho “anh Tư Bốn” với nỗi niềm riêng “mình là lính trận, sống đến ngày nào hay ngày đó. Nhỡ có chuyện không hay lại làm khổ người ta”. Bà Chín vẫn âm thầm mỗi ngày gói ghém đường thỏi và nấu bát chè ngọt đượm gửi tới “anh Tư”. Thế rồi đến một ngày không kìm lòng được, Tư Bốn chủ động tìm đến gặp Chín tâm sự hết nỗi lòng. Cho mãi đến bây giờ, bà Chín vẫn nhớ như in trọn vẹn từng câu Tư Bốn ngỏ lời: “Em biết hoàn cảnh của anh rồi đấy. Nếu em thương thì về nhà giúp anh”.
Tuy nhiên, ý nguyện se duyên cùng cô Chín lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ cụ Hai. Trớ trêu thay, cụ Hai vẫn thương, vẫn quý Tư Bốn. Có món ngon, cụ đều bảo gái út vời Tư Bốn qua ăn. Nhưng chỉ cần nhắc tới chuyện “bọn trẻ” cụ phản đối gay gắt ra mặt. Thì ra, Chín là gái út, nhưng các chị gái bên trên của Chín đều chưa lấy chồng. Theo quan niệm của người miền Tây, thì đó là điều đại kỵ!
Cuối cùng, để cho người đội trưởng có thể cưới được cô Chín, cả đơn vị đã tìm cách mai mối lần lượt cho các con gái nhà cụ Hai. Dịp đầu năm 1972, đúng vào ngày cưới của anh Tư Bốn và cô Chín, một chuyện hy hữu xảy đến. Giữa lúc hai vợ chồng Tư Bốn chưa kịp động phòng thì lính Ngụy bất ngờ ập vào căn cứ Long Tiên. Bị địch phá đêm tân hôn, Tư Bốn phải vác súng ra chiến đấu đẩy lùi sự càn quét…
Sau này, anh Tư Bốn và cô Chín còn phải trải qua vô vàn cay cực dưới thời chiến tranh. Nhưng họ vẫn thành vợ chồng. Và bà Chín còn trở thành hậu phương vững chắc để tướng Tư Bốn hoàn thành nhiệm vụ của một vị trung tướng luôn hết mình vì sự nghiệp.
Nguồn: Theo Phununews/ Người đưa tin
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.