Mặc dù năng lượng tái sinh đã trở nên phổ biến khắp thế giới, việc sử dụng các nguồn năng lượng này vẫn chưa thực sự hiệu quả do liên quan đến chi phí lắp đặt và vận hành thiết bị. Tuy nhiên, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta có thể lạc quan về những giải pháp cho vấn đề này.
Năng lượng tái sinh đang bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ, với tổng mức đầu tư dành cho công nghệ khai thác quang điện, phong điện, nhiên liệu sinh học… hiện lên tới 250 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng Mặt trời, lợi ích mang lại từ nguồn vốn của họ đang giảm dần, bằng chứng là giá của các tấm pin quang điện đã rớt từ hơn 4 USD cho mỗi watt xuống dưới 1 USD trong vòng 4 năm. Để có thể tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực giàu tiềm năng này, nhiều nhà đầu tư buộc phải tìm đến những giải pháp mới hiệu quả hơn.
Cơ hội đầu tư tiếp theo của họ chính là Cleanweb (tạm dịch: mạng lưới sử dụng năng lượng sạch) – một mô hình công nghệ tận dụng lợi thế của Internet, mạng xã hội và hệ thống truyền thông di động để thay đổi cách thức chúng ta sử dụng nguồn năng lượng, liên kết với thế giới, tương tác lẫn nhau và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, lĩnh vực năng lượng mới đã có nhiều đột phá lớn, trong một vài trường hợp, nguồn điện từ gió và Mặt trời thậm chí còn rẻ hơn nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, ngành công nghiệp này không phát triển nhanh như mong đợi vì vấp phải các trở ngại như hệ thống kinh doanh yếu kém, chính sách khuyến khích và tài trợ (sử dụng năng lượng sạch) phức tạp, bên cạnh sự thất bại trong việc truyền thông với khách hàng.
Hãy tưởng tượng là sau khi cho xe tải chở hệ thống pin quang điện đến nhà khách hàng, nhân viên lắp đặt mới phát hiện có một cây to che phủ mái nhà và hệ thống sẽ trở nên vô dụng hoặc khách hàng không đủ nguồn lực tài chính để chi trả. Điều đó sẽ lãng phí đáng kể thời gian và tiền bạc. Nhưng với Cleanweb, hạn chế này sẽ được loại bỏ. Ví dụ, công ty năng lượng OneRoof Energy sử dụng hình ảnh vệ tinh để hoạch định dự án cho khách hàng từ xa, xác định chi phí và tính khả thi của nó trước khi cho xe tải đến nhà khách hàng để lắp đặt. Một công ty khác, Solar Mosaic, thì huy động vốn để trang bị hệ thống pin quang điện thông qua các khoản vay trực tuyến.
Theo ước tính của các chuyên gia ở Mỹ, những giải pháp dựa vào công nghệ thông tin có thể giảm đến 75% chi phí lắp đặt và sử dụng quang năng. Nếu vậy, điện Mặt trời có thể rẻ hơn cả điện sản xuất từ than đá và nó có thể đáp ứng được 15-20% nhu cầu điện năng tại nước này.
Mạng lưới sử dụng năng lượng sạch không nhất thiết chỉ tập trung vào việc sản xuất năng lượng, mà nó còn liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như chương trình chia sẻ ôtô – một lĩnh vực đang phát triển mạnh, với số lượng xe dùng chung tăng từ 1400 chiếc năm 2004 lên 12000 chiếc hồi năm ngoái, và cũng sử dụng công nghệ thông tin để quản lý. Chủ dịch vụ chia sẻ ôtô Zipcar ở Baltimore (Mỹ) khẳng định mỗi một chiếc xe được chia sẻ có thể thay thế nhu cầu sử dụng cho 15 chiếc xe khác, như vậy, chúng ta không cần sản xuất thêm 190.000 xe. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong hội họp trực tuyến và làm việc từ xa cũng là những giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Theo Báo Cần Thơ