Sếp từ chối báo cáo của tôi. Lần thứ “n” trong tháng “vì những lỗi ngớ ngẩn”. Đây quả là một cách hay để ông ta làm ra vẻ nguy hiểm và đám kế toán có lý do hợp lý để đem tôi ra làm trò cười sau lưng và trừ lương tôi. Cái bản báo cáo ấy hoàn toàn vô nghĩa, chẳng có giá trị gì trong toàn bộ công việc của cái công ty này, càng không phải là thứ mà một người có chuyên môn không liên quan gì đến thống kê, số liệu như tôi nên bị giao phó. Nhưng nó vô cùng hiệu quả để chứng minh rằng, sếp là người duy nhất có quyền ra yêu cầu và mắng mỏ. Tất cả những đứa dưới quyền của sếp đều có thể bị sếp hạ nhục vào bất cứ khi nào!
Mức lương mà công việc này mang lại vẫn là nguồn thu cao nhất trong những công việc tôi có cơ hội làm, để nuôi con gái và mua nhà trả góp. Nhưng nỗi chán nản thì luôn thường trực. Quá nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tôi có nhiều ý tưởng, tôi có hiểu biết và được đào tạo căn bản cho nghề nghiệp. Tôi đã làm thêm giờ ngay cả khi sức khỏe đang kiệt quệ, đã cống hiến cả trái tim cho công việc, đã đối diện với nhiệm vụ được giao, danh dự của mình. Sếp biết rõ chứ! Nhưng dù biết rõ thì những yêu cầu trái khoáy, chẳng liên quan vẫn được đề ra. Bới lông tìm vết vẫn là một trò chơi ưa thích.
Phải thế! Để có sự phân biệt rõ ràng chủ – tớ, phân biệt người làm thuê và người đi thuê. Miễn sao số tiền phải trả là ít nhất mà mức yêu cầu đạt được tối đa. Cộng thêm cả thói ưa nịnh và cách đánh giá mọi thứ trên đồng tiền của sếp, nên đám nhân viên dưới quyền ông ta, học rất nhanh thói quen bới móc và dìm chết lẫn nhau để tranh cướp chút lợi lộc còm.
Cô bạn thân từ hồi đại học rủ tôi buôn bán. Tôi không giỏi về tính toán nên không mạnh dạn, nhưng cô hứa sẽ đảm nhận việc này giúp tôi, tôi sẽ phụ trách quảng cáo và bán hàng. Tôi biết, mình không hề ghét công việc hiện tại của mình, nhưng ghét cái cách tổ chức quản lý của sếp tôi. Sếp biết rõ tôi làm được việc và những việc liên quan đến chuyên môn đều nhồi cho tôi, nhưng luôn có những cách tiểu nhân và vô vàn thủ đoạn đi kèm để khiến tôi bị trừ lương, bị sỉ nhục và chịu những vấn đề vớ vẩn. Nhưng tôi không dám chắc, mình sẽ sống ra sao khi rời khỏi nơi này. Tôi không dám xin tư vấn từ đám bạn bè, bởi vì với những cái đầu đang bốc lửa, luôn giương cao tinh thần làm chủ, dám làm dám chịu, luôn cuồng tự do, bọn chúng sẽ ngay lập tức viết đơn xin nghỉ việc hộ tôi chứ không cần nghe tôi trình bày.
“Vậy thì cứ ở đó, nghe xúc phạm mà bấn loạn”. Đứa bạn thân mỉa mai. Tôi bần thần, tự hỏi xem có đúng là mình đang “bấn loạn” hay không. Mẹ đã nhắc tôi về khoản tiền trả góp ngôi nhà, hôm trước vì tôi chưa có lương, mẹ đã đi nộp tiền hộ tôi. Nếu bây giờ tôi bắt đầu những ngày phiêu lưu mới, thì không biết có thể tất toán nổi số tiền trả góp ấy cho đến kỳ cuối cùng không. Mẹ cũng nói rằng nếu tất cả đã quá sức rồi thì tôi nên rao bán lại ngôi nhà trả góp ấy đi và sống cùng với mẹ. Hoặc là, lại đi thuê nhà.
Tôi thở dài, tôi và mẹ không hợp nhau, mẹ không thể ngồi yên nghe tôi tâm sự điều gì. Ngày mà tôi quyết định trở thành mẹ đơn thân cũng là ngày mà mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt của một người tuyệt vọng. Mẹ xác định tôi hỏng hẳn rồi, đời tôi vứt đi thật rồi! Mối quan tâm chung duy nhất giữa mẹ và tôi cũng chính là con bé. Và đến giờ cũng vậy, mẹ giúp đỡ tôi phần nào, cũng chỉ như cách đổi xử với một người mà mẹ đã chán phè nhưng quá nhiều duyên nợ. Cũng là cách mà mẹ muốn để cho mẹ của cháu ngoại mình – mẹ của đứa trẻ mà bà yêu hơn mọi thứ trên đời được yên ổn hơn, để lo cho đứa trẻ ấy được nhiều hơn. Chứ hoàn toàn không phải vì tôi.
Sếp trả lại bản báo cáo trong lúc mọi cố gắng chịu đựng của tôi đã đạt tận đáy cùng. Tôi biết chính xác là mình yêu công việc. Tôi không cầu thăng tiến, tôi không muốn cạnh tranh, tôi chỉ cần mọi thứ như hiện nay, để tôi cố gắng từng ngày với chuyên môn của mình là đủ. Đêm ấy, nhờ mẹ trông con gái, tôi say mèm, gục xuống sàn nhà…
Sớm hôm sau, tỉnh lại, một mình tôi. Điện thoại tắt ngấm từ đêm qua, tôi nhớ ra là tôi đã tắt nó đi, nhưng rồi cũng quyết định không mở lại. Có thể giờ này sếp đang phát điên, đang nghĩ ra cách thức nào để chửi mắng tôi, rủa sả tôi nặng nề. Nhưng bỗng nhiên, như được tỉnh táo ra, tôi cảm thấy không còn sợ nữa.
Hình như suốt thời gian qua, tôi đã để ý đến những phản ứng của những người xung quanh quá nhiều. Sếp, đám nhân viên lắm chuyện ở văn phòng… Tôi không đủ bình tâm, tôi đã mất quá nhiều thời gian phán xét, tôi đã phải dừng lại quá lâu ở, như một con sên, việc của nó là tập trung di chuyển thay vì đứng lại quá lâu để phân tích từng vết gồ ghề trên con đường nó đi. Có lẽ, không thể tô hồng cuộc sống hay công việc quá đà, nhưng không thể nhìn nó với cách nhìn tiểu tiết và tiêu cực. Nhất là khi, sự tiểu tiết và tiêu cực ấy đánh trúng vào sự tổn thương của chính bản thân mình.
Tôi tạm thời chưa quyết định sẽ mở cửa hàng, buôn bán cùng bạn tôi. Tôi muốn ở lại công ty này. Không phải vì mọi thứ ở đây đều tốt. Mà vì tôi cần phải học cách đối diện và đi qua chính mình, cần học cách thản nhiên với những điều mình không hài lòng. Cần biết cách gạt những chướng ngại vật ra khỏi tâm trí mình theo cách bình an nhất.
Thật ra, cuộc sống, con người ta làm gì cũng đúng cả thôi! Miễn là họ muốn… Nghĩa là đi theo một phương hướng nào cũng đúng, miễn là đừng để mình mệt mỏi quá lâu, đừng giậm chân tại chỗ để suy nghĩ quá nhiều về những toa tàu. Ta có thể vượt qua được tất cả những lần mắc kẹt. Miễn là không mắc kẹt trong chính mình…
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.