Con hư tại mẹ – chẳng sai!

1. Vì mẹ đã làm con sợ hãi:
 
Ngày nhỏ, chúng ta cũng thường nói dối bố mẹ vì sợ mắng. Chuyện tè dầm, mất bút, điểm kém, chuyện không may xây xát, chuyện làm quần áo bị dây mực… Giờ đây, đã làm cha mẹ rồi, lẽ nào ta không nhận ra rằng: muốn con cái thành thật, hãy khiến con cảm thấy an toàn khi thành thật. Chẳng có ai muốn nói ra cái sai của mình khi biết chắc chắn mình sẽ phải “chịu trận”.
 
Đương nhiên, tôi vẫn không nghĩ là người ta nên bênh vực con mình khi mắc lỗi, nhưng chúng ta có muôn vàn cách để khiến con khắc phục sai lầm. Và vấn đề mấu chốt là giúp con khắc phục sai lầm chứ không phải làm con sợ hãi. Nếu con cái nói dối có hệ thống, tôi cho rằng cha mẹ cần phải xem xét lại ngay cách giáo dục của mình. Và nếu đã từng làm con sợ hãi khi nói thật, hãy có cách động viên, để con tin rằng cha mẹ sẽ không làm căng thẳng nữa.
 
Tôi đã từng vô cùng bực bội khi cô con gái 3 tuổi của mình cứ mải chơi là lại tè dầm. Khi tè dầm, biết tôi sẽ cáu nên con rất tinh ranh, bé tự cởi quần ra, bỏ vào chậu và lấy quần khác mặc vào ngay. Việc làm này chứng tỏ con tôi cũng khá độc lập, nhưng không phủ nhận là con đang “ghét” tôi, nó không muốn tôi can thiệp vào việc riêng của nó, chỉ vì tôi đã hơn một lần làm “nhặng xị” lên với con.
 
Vậy nên tôi đã phải mất thêm một khoảng thời gian để xin lỗi con bé bằng hành động. Mỗi lần thấy con tự thay quần, tôi liền bảo: “Con giỏi quá, thế là con rất người lớn rồi đấy! Nhưng tè ở đâu để mẹ còn lau cho khỏi bẩn nhà?” Con bé có vẻ không muốn nói, nên tôi phải rủ con chơi trò… dự đoán. Tôi bắt đầu đoán vị trí con tè dầm, nếu đúng thì vỗ tay khen “đúng rồi”. Phải mất vài lần như thế con mới dám nói thật với tôi.
 
Và tôi cũng đã rút bài học lớn cho mình: khi ta đã làm con lo sợ, con sẽ không bao giờ nói thật. Nhiều lần như vậy, khi cảm thấy cha mẹ không phải nơi chia sẻ những rắc rối của mình, con sẽ đẩy ta ra khỏi những kế hoạch, những mơ ước của con. Con sẽ tự trưởng thành, theo cách “cóp nhặt” kinh nghiệm của bạn bè và xã hội. Vậy là ta mất “quyền” được định hướng cho con.
 
2. Vì mẹ đã khiến con cô đơn:
 
Tôi biết một cậu bé gần nhà, nó học khoảng lớp 5. Mỗi lần bọn trẻ chơi trò chơi ngoài ngõ là thằng bé thường kể những câu chuyện “ly kỳ” – những chuyện mà chỉ nghe qua cũng biết là nó bịa ra. Không phủ nhận, thằng bé bịa chuyện rất giỏi và có một trí tưởng tượng thần kỳ. Như là việc nó được chọn để làm đệ tử trân truyền của một môn phái thuần dưỡng khủng long, nó được học thiền và chỉ nhìn mặt bất kỳ ai nó cũng biết thời gian người đó sinh ra… Nếu chuyện dừng ở đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng thằng bé nhiễm phim kiếm hiệp; nhưng càng về sau, tôi bắt đầu cảm thấy thằng bé thích bịa chuyện là để gây chú ý. Giống như nó hay kể chuyện nó bị ngã, nó bị bắt nạt ở trường, nó bị chặn đánh khi đi học về… Về sau nó còn kể chuyện rằng nó chỉ là con nuôi của bà mẹ hiện tại, rằng mẹ nó là một cô gái làm tiền và đã vứt nó đi, bố mẹ nuôi nó nhặt về… Tôi biết chắc chắn những điều nó nói ra hoàn toàn bịa đặt, vì chuyện hôm trước và hôm sau đã mâu thuẫn hẳn nhau về tình tiết.
 

 
Khi cô đơn, bé thường nói dối để gây sự chú ý.
 
Mãi về sau tôi mới được các chị em ở cùng khu phố kể cho nghe rằng, bố mẹ thằng bé có lối cư xử rất “chợ búa” mỗi khi ở nhà. Về sau, bố thằng bé đi tù và mẹ nó sống một cuộc đời vất vưởng với những mối quan hệ không đàng hoàng, thằng bé thường xuyên bị đánh đập bởi người mẹ nghiện cờ bạc và nốc rượu như nước lã. Đến lớp, nó cũng bị bạn bè cô lập bởi những bộ quần áo xộc xệch và tính tình ngang bướng.
 
Rõ ràng, khi đứa trẻ cô đơn thì nó không những nói dối mà còn bịa chuyện. Bởi nó chỉ mong được mọi người chú ý, quan tâm.
3. Vì mẹ đã không làm con hiểu đúng về giá trị của lòng chân thực:
 
Nhiều người mẹ có thói quen nói dối mà họ luôn nghĩ là vô hại. Như việc ta đang ở nhà nhưng khi có điện thoại, ta lại thản nhiên nói với người ở đầu dây bên kia rằng mình đang đi công tác… Những điều như vậy, chỉ cần đứa trẻ một tuổi, bắt đầu biết quan sát cũng có thể nhận ra sự không thành thật. Lâu dần, ta làm con cảm thấy không thành thật cũng không có gì nghiêm trọng.
 
Hơn nữa, có những bà mẹ thường thiếu chu đáo, không chăm sóc đến những điều nhỏ nhặt trong gia đình nhưng khi bước ra xã hội lại cố gắng tỏ vẻ “hơn người”. Chẳng hạn cách ta ăn diện, ta trang sức, ta kể về đời sống “long lanh” của mình, cũng làm con dễ mắc bệnh nói dối, cao hơn là trở nên phù phiếm, ưa thích các giá trị ảo hơn là thật.
 
Lại nhớ đến câu chuyện của chàng “hot boy” tự nhận mình đẹp trai nhất Việt Nam với câu chuyện dối trá không ngượng mồm về gia tộc của mình. Tệ hơn, anh ta còn lôi cả mẹ mình vào. Câu chuyện đã có quá nhiều bằng chứng vạch trần nhưng hình ảnh người mẹ “quý tộc” vẫn được anh ta trơ mặt rêu rao. Nếu tôi là người mẹ ấy, tôi sẽ đứng ra xin lỗi dư luận về sự dối trá của con mình. Rõ ràng, anh ta nói dối vì anh ta mong nổi tiếng bằng con đường ngắn nhất. Xét ở khía cạnh kiếm tiền, anh ta làm đúng. Nhưng xét ở cái nhìn từ lương tâm của một người mẹ, tôi thực lòng cảm thấy lương tâm cắn rứt nếu con tôi bị rơi vào sự dối trá thê lương ấy.
 
Đôi khi, ta thản nhiên đổ lỗi cho con nói dối mà ta quên mất rằng chính ta, và sự giáo dục của ta, vô tình đẩy con đến điều này!
Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.