Con lười không hề lười

Con lười không hề lười

Hình ảnh đặc trưng về loài sinh vật lười biếng hầu như ngủ suốt ngày đã bị đảo lộn. Thay vì ngủ nướng hơn 16 tiếng mỗi ngày như quan sát thấy trong điều kiện nuôi nhốt, thì các con lười trong tự nhiên lại ngủ chưa tới 10 tiếng.

Con lười không hề lười

(Ảnh: BBC)

Các nhà khoa học đã bắt những con lười sống ở rừng nhiệt đới Panama và gắn vào chúng một thiết bị theo dõi giấc ngủ. Kết quả có thể giúp tìm hiểu về sự rối loạn giấc ngủ ở con người.

Nhà nghiên cứu đứng đầu Niels Rattenborg tại Viện Max Planck ở Starnberg, Đức, cho biết nghiên cứu lần đầu chứng tỏ có thể ghi lại giấc ngủ của động vật hoang dã.

“Phát hiện thú vị nhất là các con lười chỉ ngủ 9,6 tiếng mỗi ngày, ít hơn rất nhiều so với những gì mọi người vẫn tin và ít hơn so với nghiên cứu về con lười được nuôi nhốt trước đây”.

“Vì vậy, chúng có thể vẫn chậm chạp về tốc độ di chuyển nhưng về giấc ngủ thì chúng không hoàn toàn bất thường”.

Theo các nhà khoa học, động vật có thời lượng ngủ khác nhau. Chẳng hạn, trăn ngủ 18 tiếng mỗi ngày, trong khi hươu cao cổ chỉ cần chợp mắt 2 tiếng.

Để tìm hiểu thói quen ngủ ở loài lười trong hoang dã, các nhà khoa học đến từ Đức, Thụy Sĩ và Mỹ đã tạo ra một chiếc máy nhỏ có thể theo dõi hoạt động não trong giấc ngủ. Họ bắt 3 con lười cái sống ở khu rừng nhiệt đới trên đảo Barro Colorado, Panama. Những con vật này được gắn thiết bị theo dõi rồi lại được thả ra.

Sau khi được bắt lại vài ngày sau, các số liệu cho thấy chúng ngủ trung bình 9,6 tiếng mỗi ngày, trong khi những con lười được nuôi nhốt thì ngủ tới 16 tiếng.

Theo tiến sĩ, Neil Stanley tại Đại học Norfolk và Norwich, Anh, những con vật được nuôi nhốt thường ngủ nhiều hơn do chúng đã được thỏa mãn mọi nhu cầu.

 

Theo M.T. (theo BBC, VnExpress)