Con mắt kỳ lạ dưới biển khơi

Con mắt kỳ lạ dưới biển khơi

Nhím biển sử dụng những chiếc gai trên cơ thể chúng để quan sát môi trường xung quanh, các nhà sinh học Italy nhận định.

Giới khoa học biết rằng nhím biển (còn gọi là cầu gai, nhum), một trong những nhóm động vật không xương sống, không có mắt hay bất kỳ cơ quan nào giống như mắt. Tuy nhiên, chúng vẫn phản ứng với ánh sáng. Vì thế nhiều người muốn biết chúng nhìn bằng cách nào.

Một nghiên cứu trước đây cho thấy loài nhím biển tím ở bờ biển California của Mỹ sở hữu nhiều gene liên quan tới sự phát triển của võng mạc.

Con mắt kỳ lạ dưới biển khơi
Những con nhím biển ở vùng biển thuộc Canada. Ảnh: National Geographic.

National Geographic cho biết, nhà sinh học Maria Ina Arnone thuộc Trạm nghiên cứu động vật Anton Dohrn tại Italy cùng các đồng nghiệp phân tích cơ thể nhím biển để tìm hiểu sự thật. Họ phát hiện hai nhóm tế bào cảm thụ ánh sáng ở phần đỉnh và gốc của những gai hình ống mọc tua tủa xung quanh cơ thể chúng. Do nhím biển di chuyển bằng các gai, nhiều người gọi gai của chúng là chân.

Chúng tôi phán đoán gai của nhím biển có chức năng giống như võng mạc”, Arnone nói. Bà cho biết thêm rằng một số nghiên cứu trước đây cho thấy số lượng và vị trí của gai nhím biển ảnh hưởng tới khả năng “nhìn” của chúng.

Nhím biển là những loài động vật da gai thuộc lớp Echinoidea. Thân mềm của chúng được bảo vệ bởi lớp vỏ cứng và đối xứng. Bên ngoài lớp vỏ có rất nhiều gai hình ống. Giới khoa học đã xác định được khoảng 700 loài nhím biển. Chúng phân bố ở hầu hết biển trên hành tinh. Gai của nhiều loài nhím biển có thể đạt độ dài tới 30 cm. Một số loài sở hữu gai độc để tự vệ trước kẻ thù.

 

Theo Vnexpress