“Con mắt vũ trụ” hiện ra từ cuộc đụng độ giữa hai thiên hà

Cú va chạm mạnh giữa hai thiên hà xoắn ốc IC 2163 và NGC 2207 làm xuất hiện cấu trúc giống hình con mắt trong vũ trụ.

Kính viễn vọng ALMA vừa ghi lại hình ảnh một cấu trúc giống hình con mắt trong vũ trụ xuất hiện do cú va chạm mạnh giữa hai thiên hà xoắn ốc IC 2163 và NGC 2207, Independent hôm 5/11 đưa tin. Nghiên cứu về hiện tượng này được tiến sỹ Michele Kaufman, nhà thiên văn học từng làm việc tại trường Đại học Tiểu bang Ohio, Columbus, Mỹ công bố trên tạp chí Astrophysical.


Cấu trúc giống hình con mắt xuất hiện do cú va chạm mạnh giữa hai thiên hà. (Ảnh: NASA/ ESA).

“Kiểu va chạm thiên hà này không hiếm gặp nhưng có rất ít thiên hà có cấu trúc giống hình con mắt như vậy. Mí mắt của thiên hà chỉ xuất hiện vài chục triệu năm, khoảng thời gian khá ngắn đối với vòng đời của nó. Vì thế, việc tìm thấy một mí mắt của thiên hà trong giai đoạn mới hình thành tạo điều kiện để chúng ta nghiên cứu diễn biến quá trình va chạm giữa các thiên hà”, tiến sỹ Kaufman cho biết.

Các nhà thiên văn học đã tính toán chi tiết về sự chuyển động của khí carbon monoxide (CO), nguyên liệu để hình thành sao, trong thiên hà. Kết quả cho thấy phần khí bên ngoài mí mắt di chuyển vào bên trong với tốc độ hơn 100 km/s. Nó sau đó nhanh chóng giảm tốc, chuyển động hỗn loạn rồi cuối cùng sắp xếp theo vòng xoay của thiên hà, thay vì tiếp tục dịch chuyển về trung tâm.

“Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện khi tốc độ của lớp khí giảm càng nhanh, phân tử khí càng dày đặc. Kết quả này cho thấy sự va chạm giữa hai hành tinh khiến các lớp khí chồng lên nhau, hình thành cụm sao mới và cấu trúc hình mí mắt như thế nào”, tiến sỹ Kaufman nhận xét.

Những bức ảnh này đồng thời chứng minh mô phỏng trên máy tính về quá trình va chạm giữa hai thiên hà là chính xác.

“Kính viễn vọng ALMA cho thấy vận tốc của các phân tử khí trong mí mắt trùng khớp với dự đoán mà chúng tôi nhận được từ mô phỏng trên máy tính”, tiến sỹ Kaufman nói.

 

Theo VnExpress