Bốn thập niên trôi qua kể từ khi Mỹ chấm dứt chương trình Apollo, không còn phi hành gia nào được gửi lên mặt trăng, nhưng “duyên nợ” giữa con người và thiên thể này vẫn còn mặn nồng.
Hành trình ngàn năm
Huyền thoại Neil Armstrong vừa qua đời ở tuổi 82. Cả thế giới có dịp nhắc về ngày 21/7/1969 và khoảnh khắc lịch sử khi ông trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Sự kiện này và toàn bộ chương trình Apollo của Mỹ (từ năm 1961-1975) là điểm son trong hành trình nhân loại chinh phục vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất. Đây là hành trình dài đằng đẵng, khởi nguồn từ nhiều ngàn năm trước và sẽ không dừng lại.
Mặt trăng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống trên trái đất vì là “đầu mối” của hàng loạt hiện tượng tự nhiên như thủy triều, mùa màng, ngày dài 24 giờ… Nhưng rất lâu trước khi khoa học phát triển đủ để đưa ra giải thích thuyết phục cho những hiện tượng này, tiểu nguyệt cầu đã rất thân quen với con người. Theo báo L’Express, trong số những hình vẽ từ thời đồ đá cũ với niên đại trên 17.000 năm ở hang động Lascaux (tây nam nước Pháp) có một dãy chấm nhỏ kỳ lạ. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng đây chính là một kiểu “lịch” đơn giản, ghi nhận thời gian bằng cách theo dõi mặt trăng.
Trong tương lai, phi hành gia sẽ lại được gửi lên mặt
trăng để tiếp tục khám phá bí mật của thiên thể này
Từ thuở bình minh của các nền văn minh này cho đến suốt chiều dọc của lịch sử con người, mặt trăng luôn có mặt “trên từng cây số”, từ văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đến khoa học… Người Hy Lạp cổ đại thì luôn ấn tượng rằng thiên thể này ở rất gần, chỉ “cách khoảng một tầm ném lao”. Và đến khi khoa học phát triển, tạo điều kiện cho các phi hành gia chu du bên ngoài phạm vi của trái đất thì mục tiêu khám phá đầu tiên cũng là mặt trăng.
Sứ mệnh Apollo
Chương trình thám hiểm mặt trăng Apollo của Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) đã đưa tổng cộng 12 phi hành gia lên thiên thể này. Kể từ sau sứ mệnh lịch sử Apollo 11 của Neil Amrstrong, mỗi năm NASA đều có ít nhất 1 chuyến gửi người lên mặt trăng, với nhiệm vụ gần như không thay đổi: lắp đặt các thiết bị kỹ thuật và… thu lượm sỏi đá. Qua chương trình Apollo, tổng cộng NASA đã thu được 384kg sỏi đá. Cho đến nay, các nhà khoa học chỉ mới phân tích được 10% số này nhưng đã là cơ sở cho 90% kiến thức liên quan đến mặt trăng.
Chẳng hạn, giả thuyết cho rằng mặt trăng hình thành từ nhiều mảnh vỡ của các thiên thạch đã bị loại bỏ khi trong số sỏi đá mà các phi hành gia mang về có nhiều mẩu anorthosite, vốn được hình thành từ những khoáng vật nhẹ chứa nhiều nhôm trên bề mặt của các “biển” nham thạch khổng lồ. Các nhà khoa học cho rằng nguồn năng lượng lớn để tạo nên biển nham thạch này nhiều khả năng xuất phát từ vụ va chạm lớn khoảng 50 triệu năm sau khi hình thành hệ mặt trời và đây cũng có thể là nguồn gốc ra đời của mặt trăng.
Hơn thế nữa, nhiều nhà thiên văn học cho rằng tiểu nguyệt cầu thật sự là cánh cửa mở ra vũ trụ bao la đối với con người. Báo New Scientist dẫn lời chuyên gia địa chất học Paul Spudis của Viện Nghiên cứu không gian Houston (Mỹ) cho biết những khám phá từ khoảng 2.000 mẩu sỏi đá thu được trong chương trình Apollo, các nhà khoa học đã phải xem xét lại toàn bộ lý thuyết về sự hình thành và phát triển của các hành tinh.
Sau chương trình Apollo của Mỹ, không còn phi hành gia nào được gửi lên mặt trăng nữa mà thay vào đó là các robot thăm dò tự hành. Các thiết bị kỹ thuật hiện đại đã cùng với những mẫu vật thu thập được từ 40 năm trước tiếp tục hé lộ bí mật của thiên thể này. Liên tục trong năm 2010 và 2011, nhiều nghiên cứu mới đã khẳng định giả thuyết mặt trăng có chứa nước. Năm 2010, robot thăm dò LCROSS của NASA đã cho thấy nhiều dấu hiệu của nước ở cực nam mặt trăng. Giữa năm ngoái, chuyên san PNAS công bố công trình của các nhà khoa học Mỹ, Nhật thuộc Viện Khoa học Carnegie ở Washington về việc trong lòng thiên thể này cũng chứa nước. Công trình này là kết quả của việc phân tích các hạt apatite trong những mẫu đá mang về từ mặt trăng trong sứ mệnh Apollo.
Theo Thanh Niên