Côn trùng giúp tráng dương vua Gia Long chọn làm linh vật

Trong rất nhiều phiên chợ lạ ở miền Tây như chợ rắn Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), chợ ma Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), chợ âm phủ ở TP Cần Thơ…  có lẽ chợ Bù Rầy ở tỉnh An Giang là phiên chợ độc đáo nhất. Đơn giản bởi tiểu thương nơi đây chỉ bán một đặc sản duy nhất, con bù rầy. Không chỉ ngon, lạ, bù rầy – vốn là loài sâu bọ mà nhà nông rất muốn triệt diệt – được nhiều người tin có tính năng “tăng lực” và được vua Gia Long chọn làm linh vật khắc trên Cửu đỉnh ở Kinh thành Huế.

Anh Ngô Văn Hoàng, hiện công tác tại Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân (thuộc Lực lượng TNXP TP.HCM), là người chia sẻ với chúng tối thông tin về cái phiên chợ độc đáo – chợ bù rầy như nói trên.

Anh Hoàng cho biết thêm “phiên chợ lạ bán hàng độc” này thuộc phạm vi thị trấn Nhà Bàng, thuộc huyện biên giới Tịnh Biên, của tình An Giang:

“Trong chuyến tham quan núi Cấm (còn gọi Thiên Cấm Sơn – P.V) vừa rồi, chúng tôi có ghé chợ biên giới Tịnh Biên. Tại nơi này nhiều tiểu thương bày bán đủ loại côn trùng độc đời như ve sầu, bọ cạp, mối chúa, con bửa củi, rết (còn gọi ngô công) tươi sống hay đã qua xào nấu, chiên nướng.

Người bán nào cũng nói đây là những món “quỉ khóc thần sầu”, ăn vào bổ đủ thứ, nhất là cái khoản tăng lực, tráng dương… Qua thăm hỏi cư dân bản địa, mới biết trong rất nhiều loài côn trùng được bày bán tại chợ Tịnh Biên nói riêng, các chợ vùng biên nói chung, “ác chiến” nhất là con bù rầy.

Du khách khi đến An Giang rất thích thú với đặc sản côn trùng nói chung, bù-rầy nói riêng được bán tại các chợ biên giới

Giống này chỉ được bán tại chợ Nhà Bàng thuộc thị trấn Nhà Bàng mà thôi, được nhiều du khách tìm đến để thấy tận mắt, để mua món hàng độc này…” – anh Hoàng trò chuyện.

Chợ Nhà Bàng hay “chợ bù rầy” mà anh Hoàng đề cập nằm dưới chân núi Két (còn gọi Anh Vũ Sơn), cách thị xã Châu Đốc khoảng 20km. Đây là phiên chợ toạ lạc ngay ngã 3 đường, ngả dẫn đến chợ biên giới Xuân Tô (chợ Tịnh Biên), ngả đổ về Khu du lịch núi Cấm.

Bây giờ đang là tháng Giêng, là mùa mà hàng triệu người từ khắp nơi đổ đến thị xã Châu Đốc để viếng miếu Bà Chúa Xứ hay chùa Bà.

Thông thường sau khi viếng Bà, dòng người hành hương lũ lượt đổ xô lên núi Cấm viếng chùa Phật Lớn, hoặc ghé chợ Tịnh Biên mua sắm vải vóc, linh kiện điện tử với giá rất rẻ.

Dù lên núi hay ghé chợ thì người ta đều phải đi qua đây, qua thị trấn Nhà Bàng này – nơi có phiên chợ bù rầy có thể nói là… độc nhất vô nhị.

Nằm trong khuôn viên chợ Nhà Bàng, gọi là chợ cho sang chứ thực chất khu vực ngã 3 đường tập trung rất nhiều quầy bày bán cây thuốc được đồn thổi có nguồn gốc từ dãy Thất Sơn hùng vĩ, hay được đưa sang từ ngọn núi Tà Lơn bên kia nước bạn.

Núi Tà Lơn được người đời biết đến là “ngọn núi đạo sĩ” bởi tiếng đồn nhiều đạo sĩ cao tay trước khi về Thiên Cấm Sơn “tọa sơn” đã có quãng thời gian dài tu luyện tại đây.

Họ chủ yếu luyện bùa Thiên Linh Cái, một loại tà thuật mà để thành “chánh quả”, nghĩa là có năng lực điều khiển các thế lực âm binh theo chủ ý của mình, người luyện bùa phải sát hại 7 cô gái đồng trinh lấy đầu lâu… luyện bùa.

Lúc này 8 giờ sáng, chúng tôi rảo dọc chợ đông dược Nhà Bàng và không mấy khó khăn để bắt gặp hình ảnh các bà, các chị chuyên kinh doanh “đặc sản” bù rầy. “Nói chợ thì hơi quá nhưng ngẫm ra cũng đúng.

Bởi chỉ tại nơi này của An Giang mới tập trung đông dân kinh doanh mua bán bù rầy. Ở đây dân buôn bù rầy không nhóm họp tập trung như ở chợ Tịnh Biên mà phân bố rải rác, bởi ai nấy đều có mối bạn hàng riêng.

Như tôi đây thì tập trung ở khoảng giữa chợ, bình quân mỗi ngày bán cũng được khoảng vài thiên, một thiên tương đương 1.000 con bù rầy” – Ngồi dùng kéo cắt cánh những con bọ thân dẹp, màu xanh đen, vàng đỏ… chân lít nhít, chị Thị Lín, xấp xỉ tuổi 40, một trong những tiểu thương gốc nông dân chuyên kinh doanh bù rầy, thản nhiên trò chuyện.

Cận cảnh một tiểu thương bán đặc sản bù-rầy

Chị Lín cho biết làm cáo nghề kinh doanh bù rầy hơn 4 năm qua. “Tính chung cả quãng thời gian kiếm sống bằng nghề buôn bán côn trùng thì tôi có thâm niên hơn chục năm rồi.

Lúc đầu thì tôi buôn đủ thứ, từ bọ cạp, rắn rết, bửa củi, nhện hùm, mối chúa… bán tập trung cho khách du lịch khi đến chợ Tịnh Biên. Sau do nhiều người lao vào, phần côn trùng khan hiếm, buôn bán ế ẩm nên tôi chuyển sang kinh doanh bù rầy.

Giống này lạ, ngon, lại nghe nói bổ đủ thứ nên bán hút hàng lắm. Bình thường thì khoảng 20.000 đồng một thiên, lúc cao điểm lên đến bốn năm chục (40.000-50.000 đồng/thiên)”.

Chị Phan Thị Tài – một tiểu thương buôn bán bù rầu thì nói nhiều chuyện khác liên quan đến con bù rầy. Chị nói, bù rầy sau khi mua về đem xào sơ với nước mắm, hay ngắt bỏ đầu, nhét động phộng vào bụng rồi chiên vàng… đều ngon nhứt xứ, đàn ông, đàn bà, phụ nữ, trẻ em, cả người già đều rất thích ăn.

Chị Tài khẳng định “Vùng rừng núi Tịnh Biên này bù rầy thiếu gì nhưng hồi đó hổng ai thèm đụng đến.

Khoảng năm 2005, bù rầy nhiều quá, gây hại nhiều quá, chủ yếu xuất hiện vào ban đêm ở các vườn cây trái, đặc biệt là vườn xoài ăn đọt non, bà con mới xúc tiến chiến dịch tiêu diệt bằng cách dùng gậy đập vào nhánh cây cho nó rớt xuống vào thau rồi đem đốt”.

Theo lời chị Tài, thời điểm này có bà Sáu Út (nay đã bỏ nghề) mang bù rầy ra chợ bán với quảng cáo nó rất ngon và bổ.

Hỏi ra mới biết, sở dĩ bà Sáu Út khởi đầu cho cái nghề buôn bán bù rầy là vì khi đó bà nghĩ rằng, nhện hùm, bọ cạp, mối chúa, bọ nước, cánh cam… người ta còn ăn được thì tại sao con bù rầy lại không?

Ban đầu bà Sáu Út thử bắt vài trăm con bù rầy bẻ cánh, vặt chân, bỏ đầu, lớp rang vàng, lớp nhét đậu phộng xào mỡ… cho chồng con, bà con chòm xóm lai rai.

Khi động thủ rồi, ai nấy đều có chung nhận xét bù rầy có mùi vị rất hấp dẫn, béo, thơm, ngọt… nên bà Sáu mạnh dạn mang ra chợ bán. Riết rồi thành nghề thu hút đông kẻ săn người bán. Chị Tài nhận xét “Không ngờ cái giống gây hại lại có ích như vậy”.

Tính sơ sơ cho thấy bình quân mỗi ngày có khoảng 30 thiên bù rầy được giao dịch. Con số này sẽ gia tăng gấp đôi và có thể hơn thế nữa khi An Giang bước vào đầu hoặc cuối mùa mưa, khi ấy bù rầy nhiều, có gia đình thợ săn gồm vợ chồng, con cái một đêm dùng thanh tre dài đập vào các thân cây mà hốt đến chục thiên bù rầy, thu nhập 4-5 trăm ngàn đồng – một khoản thu nhập không nhỏ ở vùng quê.

Trong lúc đang chờ vợ giao hàng cho mối quen, anh Thoảng (42 tuổi) kể, “Vợ chồng tôi chuyên săn bù rầy. Giống này săn sướng lắm. Trước khi vào cuộc săn, mình chỉ cần đến gặp chủ vườn nói “săn bù rầy” thì họ tạo điều kiện ngay, có khi còn mời ăn nhậu vì đã giúp họ diệt trừ loài côn trùng gây hại cho vườn nhà mình”.

Rồi ông kể tiếp “Hồi trước tui là dân săn mối chúa, bọ cạp, rết… Những giống này săn vừa cực vừa hiểm nguy. Mình phải lặn lội sâu vô rừng tìm ổ rồi bới banh.

Như vậy là tàn phá môi trường lại lắm khi bị côn trùng có nọc độc, có khi rắn độc cắn… Còn săn bù rầy “phẻ” re, chẳng vi phạm gì mà còn được tiếng là giúp  ích cho môi trường, cho chủ vườn”.

Hôm ấy, tại chợ bù rầy, chúng tôi mục kích các tiểu thương bán bù rầy tươi sống và cả bù rầy đã qua chế biến. Và những mẹt bù rầy đuợc xào nấu với hàng ngàn con bọ bóng lưỡng dầu mỡ kia chừng như rất có hấp dẫn với kẻ lại người qua là dân bản địa và cả khách du lịch từ nơi khác đến.

Còn nhớ lúc mua lon bù rầy được nhét đậu phộng chiên vàng giòn rụm mời người thân… thử cho biết, thì bà Thu Hồng (một cán bộ hưu trí ngành giáo dục nhiều lần sang Campuchia tham quan) kể rằng:

Cho biết bên Nam Vang (tức thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia), người dân bán bù rầy đã qua xào nấu với giá 3.000 rieal một lon sữa bò (tương đương 12.000 đồng), khách du lịch nước ngoài rất thích ăn… vì lạ và béo bổ.

Bà Hồng nói “Thực ra trào lưu ăn côn trùng ở xứ mình bắt nguồn từ nước bạn Campuchia. Thời Campuchia chiến tranh, nạn pôn pốt thì nhiều người cùng đường đã bắt sâu bọ ăn và nhờ đó mà cầm cự… .

Sau này nhớ lại một thời gian khó, phần vì nhận thấy những món ăn côn trùng bổ dưỡng nên người dân Campuchia hình thành trào lưu ăn côn trùng, riết rồi các loài sâu bọ trở thành đặc sản thường ngày và hấp dẫn du khách gần xa”.

Ấn tượng trước những món đặc sản côn trùng bày bán tại nước bạn, trong đó có những con côn trùng có hình dáng rất giống con bù rầy, bà Hồng cùng một bạn hưu trí đi sâu tìm hiểu và vỡ lẽ một chuyện rất độc đáo.

Đó là trên cửu đỉnh của kinh thành Huế do vua Minh Mạng ban chỉ dụ đúc vào năm 1985 gồm 9 đỉnh đồng, mỗi đỉnh tương ứng với thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn, trên mỗi đỉnh đồng có những hoạ tiết về các sản vật, sông núi hợp thành bức tranh toàn cảnh nước Việt có hình con bù rầy.

Bà Hồng nói: Con bù rầy được người xưa gọi là con rận rồng, một thời nó là vật tiến công cho vương triều phương Bắc. Sở dĩ con rận rồng hay con bù rầy có vị thơm đặc biệt là nhờ cái tinh dầu có vị quế của nó.

Trong cuốn Thương nhớ mười hai, nhà văn Vũ Bằng gọi rận rồng là quế đồ, hay là con sâu quế, được dân gian biết đến phổ biến với tên gọi con cà cuống.

Dù tên con vật đó là bù rầy hay còn có nhiều tên khác, là sản vật tiến vua một thời hay không? đối với nhiều người chẳng mấy bận tâm. Chỉ biết là loài côn trùng gây hại kia đang rất có ích vì là cần câu cơm của người nghèo, là món khoái khẩu đặc sắc của nhiều người sành ăn.

Và quan trọng hơn, đặc sản bù rầy đã tạo được điểm nhấn về một vùng đất với phiên chợ kỳ lạ; mà tin rằng khi đã biết rồi, ai đó cũng mong muốn được một lần đến An Giang để thưởng thức đặc sản bù rầy!

Lương y Nguyễn Thiện Chung – Chủ tịch Hội đông y huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang: “Bù rầy là một loài côn trùng có hại cho ngành nông nghiệp vì nó ăn đọt non của các loài cây ăn trái như cây bình minh, xoài, dừa…

Trước đây bà con mình thấy người Campuchia “ẩm thực” loài này nhưng không mặn mà lắm! Vài năm gần đây, do thấy khách du lịch hứng thú với đặc sản côn trùng nên người kinh doanh côn trùng đưa bù rầy vào danh sách… “thực đơn”.

Cần nhấn mạnh rằng bù rầy không phải là con cà cuống hay rận rồng. Chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định ăn bù rầy tốt hay hại cho sức khoẻ.

Điều mà ai cũng thấy là bù rầy có hại cho hoạt động của nhà nông nên việc nhiều người tích cực săn bắn, mua bán phục vụ cho việc ăn uống là dấu hiệu đáng mừng của ngành nông nghiệp”.