Môi trường công sở là môi trường của trí thức, vì thế cách cư xử của những người có học cũng thâm sâu và tinh tế hơn những người lao động ở môi trường khác. Có những khi ở nhà bố mẹ nói chưa hết một câu thì các cô các cậu đã cãi xong, thế nhưng vào môi trường làm việc công sở, mọi người lại tập cách uốn lưỡi để nói, nghĩ trước khi nói, nghĩ gì và nói gì, im lặng hay phản kháng khi gặp một vấn đề ảnh hưởng đến bản thân?
Nhìn chung, văn hóa giao tiếp công sở luôn luôn cần được trau dồi, bồi đắp liên tục thì bạn mới có thể có kinh nghiệm để sống chan hòa trong môi trường này. Kinh nghiệm lấy từ đâu ra? Chính là từ những “cú phốt” của bạn với đồng nghiệp và cấp trên chứ đâu!
Hậu đi làm mới được hai tháng, vừa ra trường, năng nổ, hoạt bát, hoạt động trong trường đại học sôi nổi, làm leader nhiều chương trình cộng đồng lớn. Nhìn chung, cô có tố chất làm lãnh đạo, việc thi tuyển đầu vào một công ty lập trình không quá khó khăn với Hậu. Sau hai tháng làm việc, thay vì nhìn nhận Hậu như một nhân viên có năng lực và triển vọng, sếp gọi cô vào văn phòng và nhắc nhở về phong cách làm việc của cô. Điều này khiến Hậu vô cùng bất ngờ, vì trong quá trình làm việc, tự cô xét thấy bản thân không hề mắc lỗi gì nghiêm trọng, trái lại còn rất năng nổ, xông xáo, chăm chỉ, tận tụy với công việc. Một nhân sự như thế mà sếp lại nhắc nhở, Hậu thấy không phục.
Nguyên nhân sếp đưa ra là Hậu chưa biết cách lắng nghe người khác. Hơn một đồng nghiệp cùng team đã trao đổi với sếp về chuyện Hậu chỉ làm việc một mình độc lập và không cần, không lắng nghe sự đóng góp của các thành viên trong đội. Có những khi họ thấy bản phân việc của Hậu chỉ toàn là cô làm những việc chủ chốt, còn mọi người coi như làm chân dọn dẹp lặt vặt, đồng nghiệp có ý kiến thì cô nói “Việc này rất đơn giản, em nghĩ anh chị không cần phải làm. Anh chị phải làm những việc khó hơn, còn việc này cứ để em”.
Thực ra thì ai cũng biết Hậu muốn ghi điểm để được nhận vào làm việc chính thức. Nhưng mọi người trong tổ nhóm cũng có hai người đang thử việc, họ cũng giống Hậu, rất muốn khẳng định bản thân mình với công ty, nhưng cách Hậu vơ hết việc về mình và kể công thao thao bất tuyệt trong buổi họp giao ban, rồi tự mình gật gù trao đổi với cấp trên mà chẳng đoái hoài gì đến team nhóm khiến mọi người có cảm giác như người thừa và họ rất không đồng ý với thái độ của Hậu.
Đã có một đồng nghiệp nhắc khéo Hậu về chuyện tranh việc và “nhạc nào cũng nhảy” như thế là không ổn, nhưng đồng nghiệp chưa nói hết câu thì cô đã lanh chanh cãi xong “em thấy việc đó chẳng có vấn đề gì. Ai làm được việc thì cứ chứng minh, em cũng chẳng cướp công của ai cả. Mà em có thấy ai nói gì đâu? Mỗi mình anh nói thôi!”.
Đồng nghiệp vốn là “ma cũ” mà cũng phải á khẩu trước mồm miệng ghê gớm của cô nhân viên mới thử việc. Tinh thần làm việc của Hậu thì không ai chê, nhưng thái độ làm việc và thái độ với đồng nghiệp như thế…không ai là không lắc đầu khó chịu.
Sếp từ cái nhìn thiện cảm dành cho cô nhân viên mới năng nổ, xông xáo, bỗng lại phải gác lại suy nghĩ ấy của mình chỉ vì có hơn một người kiến nghị về thái độ trong công việc của Hậu với đồng nghiệp.
Buổi nói chuyện hôm ấy sếp cũng chỉ muốn nhắc nhở với Hậu là hãy biết tiết chế cái “Tôi” của mình trong một môi trường cần sự kết nối, cần sức mạnh của team. Hậu nghe xong thì vừa tức giận vì biết đồng nghiệp mách lẻo, lại cho rằng sếp không nhận ra năng lực của mình nên phừng phừng đáp trả “Em không hiểu công ty mình muốn gì ạ? Muốn một người làm được việc hay một người lúc nào cũng dựa dẫm vào người khác mới xong việc? Nếu chỉ một mình em cũng làm được việc đó thì em cần gì đến team? Tại sao không ghi nhận sự cố gắng của em mà lại phê bình em?”.
Lời nói của Hậu không phải không có lý. Sếp trầm ngâm vài phút rồi trả lời “Thật ra, việc của công ty luôn nhiều và tôi biết, một người chỉ có thể làm sung sức vào 1 thời điểm thôi. Sẽ không có một ai có thể vừa đá bóng vừa thổi còi, vì thế công ty mới cần tuyển nhân viên, mới cần tinh thần làm việc nhóm. Hơn ai hết tôi hiểu, một cái đầu không thể bằng 10 cái đầu cùng nghĩ, nhất là mỗi người lại có chuyên môn riêng của mình. Việc em làm được tất cả các khâu chứng tỏ em là người có năng lực. Tôi không phủ nhận. Nhưng tôi không cần 1 người làm hết tất cả mọi việc, tôi cần một team mạnh để có thể có những bước đi dài.
Có năng lực là tốt, nhưng môi trường công sở cần nhiều kĩ năng hơn như thế. Em cần biết cách lắng nghe người khác nói, người ta im lặng với em không có nghĩa là người ta cho rằng lời nói của em là đúng, người ta im lặng chỉ để soi xét xem em là người thế nào và người ta im lặng vì họ biết, em không muốn lắng nghe người ta nói. Vậy thì không có nghĩa là em đúng mà chỉ là người ta không muốn làm việc với một người như em thôi, em đã hiểu mình cần làm gì chưa?”.
Hậu vẫn chưa hết cơn tức giận. Cô đứng dậy “có lẽ em cần thời gian để suy nghĩ lại điều này, còn bây giờ em chưa thể chấp nhận được những điều ấy”. Nói xong cô chào sếp rồi bước ra ngoài.
Sếp gật gù. “Em cần thời gian thật! Cần thời gian để học cách im lặng và biết lắng nghe người khác nói!”.
Tú Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.