Sau một năm “gồng mình, căng cơ” để “cày cuốc”, thời điểm cuối năm này là lúc ai nấy bắt đầu “chùng” tinh thần dần đều. Lý do thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là:
1. Mải lo Tết
Câu chuyện Tết nhất năm nào cũng nói một lần nhưng nó dường như chưa bao giờ cũ. Đó không chỉ là vấn đề riêng của các chị em đã có gia đình, con cái, với những nỗi lo muôn thuở: nào là lo tiền sắm đồ lễ tết, quà biếu, lì xì, rồi mua sắm quần áo cho chồng con, tiền xe pháo về quê,… Ngay cả những người còn “độc thân vui vẻ” cũng nháo nhào với cái Tết. Thì đó, sau một năm ròng rã cũng phải chuẩn bị tiền sắm sửa, biếu ông bà bố mẹ, tiền lì xì cho các cháu,… rồi anh chị nào có người yêu, sắp cưới, thì lại có thêm “hẳn một khoản” mà ai-cũng-biết-là-gì rồi đấy!
Từng đó vấn đề phải nghĩ tới, thì thời gian đâu mà lo nhiều đến công việc. Hơn nữa, sau một năm làm việc cật lực, đây là lúc bắt đầu nghĩ đến các kế hoạch nghỉ ngơi, đi du lịch, đi chơi, thăm người thân họ hàng,… Ai nấy đều “căn ke” cẩn thận xem chừng ấy ngày nghỉ sẽ đi đâu, làm gì,… để không uổng phí kì nghỉ lễ dài nhất hàng năm này.
2. Trốn việc… đi buôn!
Một lý do thậm chí là phổ biến ở những văn phòng vắng hoe nhân viên vào ngày cuối năm, đó là nhiều chị em (và cả các anh em nữa) bận đi “ship hàng”. Chị K.Hà (làm việc ở một công ty thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cuối năm phải lo Tết nhất, bao nhiêu việc cần đến tiền mà đồng lương nhân viên eo hẹp, cả năm chẳng tiết kiệm được bao nhiêu, thế nên mình tranh thủ bán bánh mứt tự làm qua mạng để ‘tăng gia’. Gần đến Tết, nhu cầu mua mấy đồ bánh mứt tăng lên nhiều nên mình tranh thủ làm để bán cho các chị em, cũng toàn người quen và bạn bè trên Facebook thôi. Công việc thì chỉ trong năm bận, chứ thời điểm này mọi thứ cũng khá thảnh thơi, thế nên thay vì ngồi văn phòng, mình tiện ship hàng luôn cho khách”.
Nhiều chị em tranh thủ tự làm bánh mứt để dùng và bán, kiếm thêm thu nhập cho ngày Tết. (Ảnh minh họa)
Cũng như chị Hà, anh T.Trung (quê ở Sơn La, đang làm việc tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng “máu me” buôn rau củ, hoa quả sấy và thịt lợn từ trên quê xuống Hà Nội. Anh cho biết: “Cuối năm rảnh rỗi, ngồi văn phòng mãi cũng chán nên mình rủ mấy người bạn ở quê buôn bán chung cho vui. Ở dưới này, mọi người ráo riết ‘lùng’ thực phẩm sạch ăn Tết với giá cắt cổ, trong khi ở quê mình hoa quả, rau thì ‘ngập ngụa’ mà giá rẻ vẫn ‘ế’. Thế nên, mấy người bạn mình trên đó hàng ngày thu mua của bà con, rồi gửi xe ô tô xuống Hà Nội, sáng sớm mình ra nhận hàng và tranh thủ đi giao cho khách quen. Mình làm mấy năm rồi nên ai nấy cũng quen mặt, cứ gần Tết là gọi điện hỏi có chuối sấy, thịt trâu gác bếp, thịt lợn bản,… chưa? Một công đôi việc, mình thì có thêm thu nhập mà lại tiêu thụ được khá nhiều thực phẩm cho bà con ở quê”.
Không chỉ anh Trung, chị Hà, mà rất nhiều “dân công sở” khác cũng kiếm “nghề tay trái” kiểu thời vụ này. Ngoài buôn bán thực phẩm, hoa trái, nhiều chị em khéo tay còn tự làm những món đồ handmade trang trí xinh xắn, hoặc nhận làm giò chả, bánh chưng, mứt hoa quả các loại,… Mặc dù chỉ tranh thủ kiếm thêm, nhưng có những người thu nhập từ việc buôn bán thời vụ như vậy còn cao hơn cả mấy tháng “mài mông” trên ghế cơ quan. Bảo sao cứ đến cuối năm là tinh thần làm việc rệu rã, mà tinh thần “đi buôn” thì tăng vùn vụt!
Những chị em khác mà không lo buôn bán hay tranh thủ kiếm thêm, thì lại… càng không thể làm việc nổi bởi sự “cám dỗ” từ những đợt sale hàng của các hãng thời trang, rồi mải tìm kiếm trên mạng những thứ đồ tốt, giá rẻ, đảm bảo… để sắm sửa dần dần.
3. “Xuống” tinh thần vì tiền thưởng Tết
Mỗi năm, món tiền thưởng Tết Âm lịch luôn là đề tài hấp dẫn để dân văn phòng bàn tán suốt những tháng cuối năm. Và cho đến khi có thông tin chính thức thì… ai nấy đều chả còn tinh thần đâu mà làm việc. Chẳng phải chỉ ở những cơ quan mà món tiền thưởng quá thấp, không được như mong đợi và chẳng xứng với công sức bỏ ra suốt một năm, nên hẳn nhiên, chả ai muốn nhiệt tình làm việc nữa. Ngay cả những chỗ số tiền thưởng rất cao, anh chị em sung sướng hả hê thì… cũng đồng nghĩa với việc họ đang hân hoan nghĩ đến chuyện sẽ “ăn chơi nhảy múa” cuối năm thế nào, liên hoan ở đâu,… rồi tự thưởng cho mình những buổi mua sắm, nghỉ ngơi, đi chơi,…
Cuối năm, nhiều chị em tranh thủ “trốn việc” đi sắm Tết.
Vô hình chung, cuối năm một cái là văn phòng nào văn phòng nấy bỗng dưng lèo tèo, vắng hoe.
4. Tư tưởng “cố nốt vài hôm nữa”
Nhiều người, sau một thời gian làm việc đã cảm thấy quá chán ngán với công ty, vì rất nhiều lý do như lương thấp, áp lực, bị đối xử khắt khe,… nên đã tìm kiếm cho mình một “chân trời mới”. Lý do duy nhất họ cố bám trụ lại đó là “đi luôn thì mất Tết” – tức là phải ở lại lĩnh tiền thưởng Tết xong rồi đi. Và một khi đã có tư tưởng như vậy, thì chẳng ai lại nhiệt tình, miệt mài với công việc như lúc mới vào làm nữa.
Có một sự thật là không có nhiều người cảm thấy hài lòng với nơi mình đang làm việc, nên thời điểm cuối năm không ít người mang tư tưởng “Tết xong đi chỗ khác” như thế. Và một văn phòng, chỉ cần vài ba người như vậy cũng đủ khiến không khí rệu rã đi rất nhiều rồi.
5. Tinh thần “văn nghệ cuối năm” lên cao
Ở nhiều cơ quan, phong trào “văn hóa văn nghệ” luôn “hừng hực” vào những ngày cuối năm. Để chuẩn bị cho buổi tất niên hoành tráng, từ trước đó rất lâu anh chị em đã hò nhau tập nhảy, tập múa, rồi luyện hát hò, đóng kịch,… Tất nhiên, đi cùng với đó là sự chuẩn bị kĩ càng về trang phục, phụ kiện,… để trông thật “long lanh”, nổi bật trong tiệc tất niên.
Khi tất cả đang hân hoan với tiệc tùng, vui chơi, văn nghệ như thế, hỏi tinh thần đâu ra mà làm việc nữa. Vả lại, cuối năm rồi, công việc nhìn chung đã “hòm hòm, đâu vào đấy” cả, thì các sếp đôi khi cũng gọi là “tạo điều kiện” để anh chị em được “xả stress” sau một năm làm việc hiệu quả.
Kết
Tuy rằng có rất nhiều lý do để văn phòng cuối năm “đìu hiu” như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta tự cho mình quyền được bỏ bê, bê trễ công việc vì… Tết. Cái gì cũng có giới hạn của nó, vì thế cần phải nghĩ đến lâu dài. Dẫu cho cuối năm công việc có thảnh thơi hơn, anh chị em văn phòng có thể tranh thủ bán hàng kiếm thêm, hoặc lên kế hoạch vui chơi “tới bến”, nhưng đừng “quá đà”. Bởi lẽ, vấn đề chính và quan trọng nhất là dù sếp có dễ tính đến đâu, không có nghĩa là họ không nhìn vào bạn để đánh giá cho một quá trình. Công việc chính của bạn vẫn là ở cơ quan, vì thế cần đảm bảo làm hết vai trò của mình trước khi làm việc khác, nếu không, năm sau, bạn hoàn toàn có thể “hứng” một cái Tết không vui từ đánh giá của sếp đấy!
Lê Nguyên
(Theo congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.