Cụ bà tự cắt sa tử cung phải cấp cứu để phẫu thuật

Cụ bà tự cắt sa tử cung phải cấp cứu để phẫu thuật
Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung của một cụ bà 87 tuổi vì bị sa ra ngoài âm đạo. Người trực tiếp thực hiện phẫu thuật là TS Vũ Bá Quyết (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương).
Theo các bác sĩ, cụ bà bị sa tử cung độ 3, phần sa ra ngoài âm đạo khá lớn bằng quả bưởi. Theo quan sát, ở phần sa có vết cắt và có dấu hiệu nhiễm trùng. Người nhà bệnh nhân cho biết, chiều 23/11 cụ Đ không có biểu hiện gì lạ và vẫn đi thăm con cháu.
Mặc dù, cụ Đ bị tình trạng như vậy nhưng gia đình thấy cụ Đ không muốn phẫu thuật. Nguyên nhân là do cụ Đ từng mổ sỏi thận nên sợ đau và sợ tốn tiền bạc. Cho nên gia đình không dám quyết về chuyện phẫu thuật.
Cụ bà tự cắt sa tử cung phải cấp cứu để phẫu thuật

Bác sĩ Vũ Bá Quyết – người trực tiếp phẫu thuật cho cụ bà Đ.

Đến 3h sáng 24/11, một người thân trong nhà phát hiện cụ Đ kêu có dấu hiệu chảy máu và đau ở vùng dưới. Ngay lập tức, gia đình đưa cụ Đ lên tuyến huyện, sau đó chuyển lên tuyến tỉnh. Nhưng xét thấy ca bệnh phức tạp nên bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bác sĩ Quyết đã thuyết phục gia đình để gia đình đồng ý phẫu thuật cho cụ Đ. Cũng theo bác sĩ Quyết, do cụ Đ dùng dao cứa vào tử cung khá dài, vết cứa có mùi và có dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể gây nhiễm trùng, thậm chí nặng có thể dẫn đến hoại tử. 
Qua phẫu thuật, các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ hoàn toàn tử cung của cụ Đ. Sau phẫu thuật, cụ Đ sẽ điều trị thêm khoảng 1 tuần sẽ được xuất viện.
Đề phòng sa tử cung
Theo các bác sĩ sản khoa, sa tử cung là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Nguyên nhân do, qua quá trình mãn kinh, lượng hooc-môn trong cơ thể giảm. Điều này dẫn đến mô phụ trợ ở ổ bụng không còn bền như trước đây. Ngoài ra, trải qua nhiều lần sinh nở, việc mang vác khi lao động nặng trong thời gian dài làm cho ổ bụng bị giãn ra, dẫn đến tử cung sa ra ngoài.
Bác sĩ Kim Dung (Chuyên khoa sản) cho biết, bệnh đặc biệt hay gặp ở những phụ nữ phải lao động nặng nhọc, mang vác nặng quá sớm sau sinh. Khi mới sinh đến khoảng 1-2 tháng, tử cung vẫn còn to và nặng, chưa co lại hoàn toàn. Trong khi các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén. Việc lao động nặng nhọc, gắng sức, đi lại quá nhiều khiến dạ con bị sa xuống.
Mặt khác, những chấn thương ở xương chậu cũng có thể gây nên sa tử cung. Hoặc cổ tử cung bị ảnh hưởng do quá trình sinh con quá lâu, sinh con có trọng lượng lớn…tử cung 2 buồng, cổ và eo tử cung hơi dài quá gấp nhiều về phía trước hoặc phía sau. Ngoài ra, người phụ nữ bị ho lâu ngày, ngồi xổm quá nhiều hoặc bị táo bón cũng cần lưu ý để tránh bị sa tử cung.
“Sa tử cung hay các vấn đề ở tử cung liên quan chặt chẽ với việc nghỉ ngơi sau sinh, chế độ ăn và làm việc sau sinh. Do đó, dù bận rộn đến đâu, người phụ nữ phải nghỉ ngơi cẩn thận.
Các dấu hiệu đầu tiên giúp bạn nhận biết có thể bị sa tử cung là đau ở bụng dưới hay phần thắt lưng, cảm giác mệt mỏi, đái dắt hoặc có phần lồi ở bộ phận sinh dục, đi tiểu nhiều lần“, bác sĩ nói.
Để phòng sa tử cung cần phải lưu ý giữ gìn sức khỏe sau sinh. Tuyệt đối không lao động, mang vác nặng, quá sớm sau sinh. 
Ăn uống phải đủ chất nhưng cần đảm bảo không bị táo bón. Khi táo bón phải điều trị bằng cân đối thức ăn, uống thuốc nhuận tràng, không rặn mạnh có thể gây trĩ hoặc sa tử cung. Khi phát hiện sa tử cung không tự chữa mà cần nằm yên, nghỉ ngơi, ăn uống các đồ bổ khí huyết và đi khám bác sĩ cẩn thận.
Từ trường hợp của cụ bà ở trên có thể thấy, sa tử cung là bệnh cần chữa trị kịp thời và chu đáo. Không tự tiện dùng các vật nhọn để cắt, hay dùng tay để xử lý nhằm tránh nhiễm trùng, đau đớn hoặc hoại tử về sau.
Thanh Thủy

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.