PV: Vậy, cuối cùng đàn bà muốn gì, thưa chị?
Nhà văn Y Ban: Cuối cùng thì đàn bà muốn gì? Câu này, đàn ông hỏi đàn bà, đàn ông hỏi đàn ông và đàn bà tự hỏi mình. Hỏi rồi họ nhìn nhau ngơ ngác. Ý muốn của mỗi người đàn bà là vô tận và không giống nhau.
* Đàn bà thường ít khi dám sống thực với chính mình, ngại dư luận xã hội, e dè với điều tiếng thị phi. Nhưng, đàn bà của chị vẫn rất thật, dám bày tỏ cả cảm xúc bản năng của mình. Phải chăng, đàn bà vẫn luôn muốn là chính mình?
– “Đàn bà ít dám sống với chính mình” không còn đúng trong xã hội hiện nay nữa. Tôi thấy hiện nay, rất nhiều chị em đang có lối sống bất chấp dư luận. Các chị em ấy bảo rằng mình sống bản lĩnh, tự tin, thậm chí mang dáng dấp đàn ông. Ở một góc khuất nào đấy, đàn bà không dám đối diện với chính mình, trở nên thái quá. Bi kịch từ đó mà ra.
* Nói về đàn bà, người ta thường nghĩ họ toàn quan tâm chuyện vặt, chai mắm, hũ gạo, ghen tuông nước mắt, mẹ chồng – nàng dâu… Là phụ nữ, lại chuyên viết về đàn bà, chị có thấy như vậy?
– Trong truyện ngắn Bồ công anh vẫn nở bên hồ nước trong tôi đã viết thế này: “Những người đàn bà chơi bạc, khi “khát nước” thì khát hơn đàn ông. Khi thèm thuốc còn rít hơn đàn ông. Ta hé mắt nhìn những người đàn bà và tự hỏi, có người đàn bà nào giống ta không? Mỗi lần đau đớn vì đời vì tình thì lại chui vào chiếu bạc và ngồi cho nát những khát vọng. Sau một tuần chui ra khỏi chiếu bạc với con mắt khô xác, bộ mặt vô hồn và trái tim mỏng dính như một tờ giấy bạc. Hỏi còn tình nào đọng lại?”. Còn ở ngoài đời ư? Có phụ nữ lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng. Hỏi đàn bà dễ có mấy tay? Đàn ông nào cho lại? Ai dám nói đàn bà chỉ vặt vãnh chuyện đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành?
* Với đàn bà, một chuyện cỏn con cũng có thể biến thành cơn bão lớn. Đàn bà rất hay phóng đại cảm xúc của mình…
– À, đấy là kiểu đàn bà “sang chảnh”, còn phần đông chị em phụ nữ đều chọn cách nín nhịn. Tôi không thích đàn bà nín nhịn, cũng không ưa đàn bà phóng đại cảm xúc như lời chị vừa nói. Tôi thích kiểu đàn bà biết điều phối cảm xúc của mình, khi cần thì bùng nổ, nhưng phải đúng lúc, kịp thời.
* Xã hội phát triển, nhưng đàn bà vẫn còn bị rất nhiều cái nhìn định kiến, khắt khe. Những khi “có chuyện”, thực sự đàn bà không biết phải bám víu vào đâu. Sẽ bám víu vào đâu đây, những thân phận đàn bà, thưa chị?
– Quả là một câu hỏi phải để ngỏ câu trả lời. Bám víu vào đâu đây những thân phận đàn bà? Chúng ta có cơ quan, đoàn thể, tổ chức phụ nữ. Chúng ta có Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Và hơn nữa, đàn bà cần biết mình cần gì để bám víu vào chỗ nào cho đúng. Tốt nhất, theo tôi, đàn bà phải luôn mạnh mẽ, bản lĩnh, việc nào ra việc đấy rõ ràng thì chẳng cần phải bấu víu vào đâu cả. Như các nhân vật của tôi đấy, họ là đại diện cho đàn bà, họ luôn biết hành động theo cảm xúc của mình, biết mình nên làm gì để cứu vãn chính mình. Đời mình, mình lo.
* Nhân vật nữ của chị, hình như không có người nào hoàn hảo cả. Thực tế, chẳng bao giờ tìm thấy sự hoàn hảo trên đời này. Khiếm khuyết thường mang đến cho con người sự tủi hờn. Nhưng nhân vật của chị thì không như thế, họ bản lĩnh, cứng rắn. Phải chăng, chị đang gieo vào nhân vật sự “tội nghiệp” rất đàn bà, bằng cách hình tượng hóa tính cách các nhân vật ấy?
– Tôi chỉ khai quật những tính cách của đàn bà, những tính cách luôn tiềm ẩn trong họ. Tôi chẳng “tội nghiệp” đàn bà. Bản thân đàn bà vốn dĩ đã vậy, dù có mỏng manh yếu đuối vẫn tiềm ẩn một sức mạnh vô biên. Tôi chỉ tô điểm thêm cho sự không hoàn hảo nào đó, thành hoàn hảo hơn tí xíu mà thôi. Đây có thể là một chỗ để đàn bà bám víu đấy.
* Dưới ngòi bút của chị, các thân phận đàn bà cứ lần lượt hiện lên “xù xì, thô ráp, dữ tợn, ngoa ngoắt, có phần bừa bộn…”. Tất cả đàn bà dưới mắt chị đều mang một thân phận nhuốm màu bi kịch?
– Tôi luôn đứng về phía những người đàn bà không hoàn hảo, và tôi đã xây dựng họ đúng như họ vậy thôi. Bi kịch hay không còn nằm ở cách chúng ta nhìn cuộc đời, nhìn quanh mình. Còn người đọc cảm nhận thân phận đàn bà của tôi nhuốm màu bi kịch, đấy là của riêng họ, là họ nhìn thấy mình lẩn khuất đâu đó trong nhân vật của tôi. Bản thân đàn bà vẫn nghĩ và tin rằng đời mình nhuốm bi kịch. Bi kịch từ đó mà có (cười).
* Chuyện tình dục trong văn chương của chị hầu như trần trụi và mang nhiều hơi hướm “bình dân”. Ở đó, sự khao khát xác thịt của đàn bà cứ lồ lộ. Chị đang muốn gửi đến đàn bà thông điệp gì?
– Tôi đã từng được nghe khá nhiều lời than thở của những cô vợ, rằng cả đời ngủ với chồng mà chẳng bao giờ được “thỏa mãn”. Có chị em nào dám công khai bỏ chồng vì điều đó không? Nhưng chỉ cần cô vợ không đáp ứng được chồng trong chuyện chăn gối, sẽ bị chồng ruồng rẫy ngay lập tức. Tôi muốn những tác phẩm của tôi được nhiều đấng mày râu đọc để thấy rằng phụ nữ của họ cũng có những ham muốn và khát khao giống họ. Vậy họ nên biết cách để cho đối tác của họ luôn được thỏa mãn và hạnh phúc khi ở bên cạnh.
* Tôi đọc đâu đó rằng “với một số đàn bà, nếu không ngoại tình, họ sẽ chết dần trong chính cuộc hôn nhân của mình”. Tác phẩm của chị cũng có những nhân vật như vậy. Chị cổ súy điều này cho đàn bà?
– Nếu tác phẩm của tôi mà có thể cố súy được cho ai đó thì ít nhất tôi cũng cứu vãn được một số cuộc hôn nhân, như điều chị đọc đâu đó. Thực ra, bản thân chuyện ngoại tình đã là một bi kịch rồi đấy, dù là đàn ông hay đàn bà. Tôi hoàn toàn không cố ý nói về điều này, nhưng khi bi kịch tiếp nối bi kịch thành một chuỗi, tôi phải cho nhân vật của tôi, các thân phận đàn bà đó, một lối thoát. Ít ra, tôi đã không cho họ tìm đến cái chết để hóa giải bi kịch đời mình.
* Không phải đàn bà nào cũng thích đọc tác phẩm của chị, thậm chí có người còn bài bác, chê bai. Người ta cảm thấy “sợ” sự tả thực đến mức trần trụi của chị. Có khi nào chị cảm thấy sợ hãi khi đọc lại các thân phận đàn bà của mình?
– Tác phẩm của tôi không phải dành cho đám đông. Tôi luôn quan sát đám đông mỗi ngày. Đâu đó quanh tôi các mảnh đời đó cứ hiển hiện. Mà tại sao tôi phải sợ hãi sự thực nhỉ? Tôi chỉ cảm thấy sự thực khi chạm đến đàn bà ở góc độ đàn bà nhất. Qua đó, tôi nói hộ đàn bà, một phần nhỏ thôi, những tiếng nói câm nín, để biết dù ít ỏi, đàn bà muốn gì.
Tất cả các thân phận đàn bà ấy, xung quanh mình chứ ở đâu, vậy tại sao tôi phải sợ hãi.
* Hai truyện ngắn: Chín khúc hát ru của thiên thần và Ơi những chú ngựa bất kham dường như làm nên một tác giả Y Ban khác? Tại sao lại có sự khác biệt đó, thưa chị?
– Tôi đã xuất bản bốn tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn mi ni và 13 tập truyện ngắn. Nếu đọc toàn bộ các tác phẩm của tôi thì thấy rằng một nửa tôi viết về các vấn đề xã hội chứ không phải như nhận xét phiến diện của một số nhà phê bình hiện nay là Y Ban chỉ viết về phụ nữ. Tôi biết hai truyện ngắn Chín khúc hát ru của thiên thần và Ơi những chú ngựa bất kham đã lấy khá nhiều nước mắt của bạn đọc, nhất là khi người đọc đã làm mẹ. Thú thực khi viết những truyện ngắn đó thì nước mắt của tôi cũng rơi. Với hai truyện ngắn này, tôi cũng không biết được tôi muốn nói gì với độc giả. Tôi chỉ muốn tất cả những bà mẹ hãy đọc nó và rồi họ sẽ biết cách bảo vệ mình và những đứa con của mình.
* Thưa chị, vậy rốt cuộc đàn bà muốn gì?
– Ôi, Thượng đế cũng còn không biết đàn bà muốn gì nữa là tôi (cười). Và cuộc đời sẽ còn gì thú vị nếu tất cả đàn bà trên thế gian này không còn những bí mật.
Nguồn: Theo Ph? n? TPHCM
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.