Cười ra nước mắt với đệ tử Lưu Linh

Cuoi ra nuoc mat voi de tu Luu Linh

Dù hình ảnh trong gia đình xuống cấp thê thảm nhưng những người đàn ông ấy vẫn vô tư mạnh miệng chém gió biên bản nhậu.

“Diệu cơ” thì mặc “diệc cơ”

Để được yên ổn cùng chiến hữu bên bàn nhậu, rào cản lớn nhất của đa số các đệ tử Lưu Linh chính là… bà vợ. Thường thì “sự nghiệp” ăn nhậu của họ “phát triển” qua ba giai đoạn: được vợ cấp “quota” mới dám nhậu; cứ nhậu đại, về năn nỉ làm lành với vợ sau và “cao cấp” nhất là thoải mái nhậu vì vợ đã quá nản, chẳng thèm can thiệp nữa.

Sau khi “lấy ngót” hai chai, Trung, một người bạn tôi, làm việc ở ngành ngân hàng, hào hứng phân tích con đường “phát triển” này, nói năng trôi chảy chẳng kém chuyên viên tâm lý: “Rồi ông nào cũng phải lần lượt trải qua ba giai đoạn đó. Mới lấy nhau thì còn kiêng nể, xin phép rồi được vợ cho phép mới dám nhậu. Càng nhậu càng có thêm bạn, thêm độ, lại càng ghiền không khí bàn nhậu nên dần chuyển sang giai đoạn “tiền nhậu hậu tấu”, cứ nhậu bừa, về quỳ gối xin lỗi vợ sau. Còn như tui thì đã bước vào giai đoạn cuối rồi, nhậu đến mấy giờ cũng được, có khi say quá sáng hôm sau mới mò về nhà nhưng vợ chẳng thèm nói một tiếng. Kệ, lỡ rồi”.

Cuoi ra nuoc mat voi de tu Luu Linh

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Điện thoại một chiến hữu đột ngột reo lên, Trung phán ngay: “Diệu cơ, diệu cơ phải không? Kệ đi”. Tay chiến hữu thoáng ngượng ngùng, ôm điện thoại chạy thẳng ra đường để bên kia nghe thấy tiếng ồn của xe cộ : “Em à, anh về ngay, đang trên đường về đây”. Trở lại bàn, anh ta phân bua: “Dã quỳ gọi. Tui có hẹn về chở bà ấy đi đám giỗ bên ngoại”. “Thôi uống vài ly nữa rồi về ” – ai đó lên tiếng. Cả hội lại tiếp tục côm cốp cụ ng, dzô dzô rộn rã. Dây dưa đến khoảng ba mươi phút hơn, anh ta chợt tuyên bố: “Tui nhắn bà ấy đi một mình rồi, mấy khi được vui với anh em đâu thể bỏ ngang. Diệu cơ thì diệu cơ, cho qua luôn”. Cả hội rộ lên tán thưởng. Lúc ấy vẫn còn tỉnh táo nên tôi chợt áy náy, đàn ông đúng là tệ thật, đã hứa về đi công việc với vợ nhưng “diệu cơ” (dzợ kêu) lại mặc kệ, còn gọi vợ là “dã quỳ ” (quỷ già ) thì đúng là… hết thuốc.

Lại điện thoại một chiến hữu khác reo. Cả bàn yêu cầu anh này mở loa ngoài để xem vợ anh dữ đến mức nào. Bất ngờ, bên kia là tiếng trẻ thơ trong veo: “Bố ơi, bố về đi, mẹ đang khóc nè”. “Thế à , sao mẹ khóc vậy? Chờ tí nhé, bố về ngay”. Trả lời con xong, anh ta ngắt điện thoại, nhìn đám bạn nhậu nói ngay: “Lại dùng khổ nhục kế! Cái chiêu bảo con gọi điện thoại đã xưa lắm rồi. Không sao, ngồi tí nữa rồi về”. Cuộc vui lại tiếp tục, như không hề bị những giọt nước mắt người vợ kia chen ngang.

Thanh, bạn tôi, một họa sĩ thiết kế, thì càng nhậu càng lún. Thanh mê nhậu đến nỗi vợ sinh con đầu lòng anh bỏ mặc vợ tự xoay xở. Vợ anh buồn nản bỏ đi một thời gian mới về lại. Vợ sinh thêm đứa thứ hai, anh vẫn nhậu bê bết, chị càng khổ hơn với một nách hai con nhỏ. Tối hôm trước Thanh về khuya, say khướt, vợ chồng gây gổ cả đêm, hôm sau anh lại kéo tôi ra quán: “Tao buồn lắm, vợ chồng không hiểu nhau, không thông cảm, nhậu tâm sự thôi”.

Ngồi một lúc, Thanh lẩm bẩm như tự nói với mình: “Tao lại lấy chuyện bê bối này để giải quyết một chuyện bê bối khác, phải không mày? Nhưng đời phải tự tạo bi kịch mới vui”. Dường như Thanh đã là đệ tử Lưu Linh ở “giai đoạn cuối”, vì đã ngồi đến hơn 12g khuya mà chẳng thấy vợ Thanh í éo gì.

Chuyện chỉ có các bợm

Một chiều muộn, anh Đoan (Q.Bình Tân) kéo tôi ra quán khề khà. Sau vài chai chém gió, anh chuyển sang màn tâm sự. Anh kể, khi vợ sinh đứa đầu tiên, cũng là lúc anh sinh tật nhậu, hôm tiếp khách, hôm lại tiếp bạn… mà nói thẳng ra là ngày nào anh cũng kiếm cớ để nhậu. Sáng anh đi làm khi con còn ngủ, tối anh về con cũng đã yên giấc, chẳng mấy khi nhìn thấy con. Một lần ngồi nhậu, nghe bạn hỏi chuyện con cái, anh chỉ nhớ mang máng là thằng nhóc đang biết bò, nên hào hứng hình dung ra chuyện tập bò của con để khoe với bạn. Tối hôm đó anh hơi mệt, không ngồi nổi nên mò về nhà sớm. Mở cổng, thấy thằng con chạy lạch bạch ra đón, miệng gọi “bố, bố”, anh sững người. Hóa ra, con đã biết đi, biết chạy tự lúc nào nhưng anh chẳng biết!

Những mối quan hệ tình cờ trên bàn nhậu tưởng là hời hợt nhưng lắm khi lại khiến các ông nể nang nhau đến kỳ lạ. Không biết thì thôi, nhưng nếu các ông đã biết các chiến hữu đang ngồi nâng chén ở đâu đó mà mình không ra được là bụng cứ rối lên, như thể không ra được là chết ngay. Một chiều Chủ nhật, anh Toàn (chủ một phòng thu âm ở quận 3) đưa con trai sáu tuổi đến khám bệnh ở BV Nhi Đồng 2.

Thấy bệnh nhân xếp hàng dài trên hành lang, anh đang ngán ngẩm thì chiến hữu gọi: “Ông ở đâu? Tụi tui đang tụ tập ở làng nướng trên đường Lý Tự Trọng đây”. Trong tích tắc, anh khẳng định với bạn “sẽ tới ngay”, rồi quay lại dặn con: “Con cứ tiếp tục xếp hàng, chắc còn lâu mới đến lượt, ba đi công chuyện chút xíu rồi quay lại”. Anh phóng ào ra quán, định bụng chỉ uống với bạn vài chai rồi về bệnh viện là vừa.

Nhưng ngồi vào bàn, bạn cũ bạn mới rôm rả, anh quên bẵng là mình đang đưa con đi khám bệnh. Đến khi chợt nhớ ra, anh chạy vội về bệnh viện thì thấy con ngồi mếu máo trong góc hành lang: “Bác sĩ hỏi người lớn đâu, rồi mắng quá trời, đuổi con ra…”. Anh kể, sau chuyện này vợ anh nổi cơn tam bành: “Bà ấy mắng tôi là loài máu lạnh tôi cũng đành chịu, không biết nói lại thế nào. Chẳng hiểu sao lúc đó mình lại ham uống mà quên hết mọi chuyện như vậy”.

Hải (nhân viên kinh doanh điện máy), nhà ở quận 9. Hôm vợ Hải trở dạ, gọi anh về đưa đi sinh, thì Hải đang ngồi lai rai với bạn gần cầu Thị Nghè nên bảo vợ: “Anh khỏi về mất công, em cứ gói ghém đồ đạc, kêu taxi đi ngang đón anh theo luôn”. Vợ Hải đến cầu Thị Nghè, gọi mãi không được vì điện thoại của Hải hết pin. Khi Hải mò được vào bệnh viện thì vợ đã vào phòng sinh.

Thực tế, cứ mỗi buổi chiều sau giờ tan học, không khó bắt gặp cảnh những đứa trẻ còn mặc đồng phục học sinh ngồi cùng cha trong quán nhậu. Nhiều ông bố được giao nhiệm vụ đón con, lại gặp lúc có chiến hữu í ới, đã không ngần ngại chọn phương án tha luôn con đến quán. Tôi từng chung bàn với một anh bạn chở theo con (đang học mẫu giáo) đến quán.

Chỉ sau vài chai, bất chấp đứa trẻ bên cạnh, anh vẫn cao hứng chửi tục và lôi chuyện tiếu lâm “mặn” ra góp vui. Tệ hơn, thêm vài chai nữa, anh bắt đầu “thả dê” với những phụ nữ chung bàn. Sau một ngày mệt mỏi ở trường, các “chồi non” đó lại phải “gồng mình” ngồi quán theo cha, có khi đến 9, 10 giờ tối mới được về nhà, hậu quả về sức khỏe và cả tâm lý đối với trẻ thế nào, đâu phải người lớn không biết.

Nguồn: Theo Phụ Nữ Online

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.