“Cứu” con khỏi nguy cơ chậm phát triển

Với vai trò quan trọng của một bậc cha mẹ, bạn cần biết khi nào nên chờ đợi và khi nào cần ra tay can thiệp vào sự phát triển đó.

Chủ động theo dõi sự phát triển của con

Rất nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện nay từng lớn lên trong kỷ nguyên “đợi và xem”. Theo quan niệm trong thời đại trước, cha mẹ không quá tập trung vào những mốc phát triển quan trọng của trẻ mà chỉ đợi cho đến khi bé yêu thực sự gặp trục trặc trong quá trình phát triển. Điều này đã và đang thay đổi trong thời gian gần đây.

Có một sự thật là trẻ sơ sinh và trẻ tập đi có tốc độ phát triển của riêng cá nhân mình. Hầu hết các bé vẫn trải qua các mốc phát triển giống nhau, chỉ một số ít phát triển chậm hơn hoặc nhanh hơn so với các bạn cùng tuổi. Điều đó nói lên rằng, có những cột mốc chuẩn cho sự phát triển ở từng độ tuổi. Đối chiếu giữa các mốc này và tuổi của bé, ta có thể đánh giá tương đối chính xác về sự phát triển của bé cũng như biết khi nào cần phải can thiệp.

Bác sĩ nhi khoa được đào tạo để biết thật rõ những bước phát triển nền tảng ở mỗi độ tuổi. Nếu bác sĩ nhi khoa của bạn đề nghị thực hiện đánh giá sự phát triển đối với bé con, điều đó không có nghĩa là con bạn phải cần đến sự can thiệp. Có thể kết luận của cuộc đánh giá sẽ là “đợi và xem”. Bằng sự tinh vi của những phương pháp đánh giá cùng với khả năng thành công cao của phương pháp can thiệp sớm, tốt hơn hết là chúng ta nên để cho các chuyên gia vào cuộc khi cần thiết.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia

Có hai điều đã thay đổi và giúp ích cho các bố mẹ hiện đại. Đầu tiên, đó là các nhà nghiên cứu đã mang đến sự am hiểu tinh vi hơn về lộ trình phát triển của trẻ và triệu chứng sớm của các vấn đề tiềm tàng bao gồm tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển hệ vận động. Thứ hai, việc can thiệp sớm đang trở nên ngày một hiệu quả hơn và có thể thực hiện với trẻ ở độ tuổi ngày càng nhỏ. Sự can thiệp giúp tạo ra những thay đổi rất lớn trong cuộc đời của một đứa trẻ.

Can thiệp sớm là gì?

Can thiệp sớm được biết đến như một hệ thống các biện pháp nhằm giúp các trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chậm phát triển hoặc bị khuyết tật. Can thiệp sớm giúp bé có đủ khả năng để học được các kỹ năng quan trọng trong 3 năm đầu đời như:

'Cứu' con khỏi nguy cơ chậm phát triển

–    Kỹ năng vận động (vươn, lăn, bò, đi)

–    Khả năng nhận thức (suy nghĩ, học hỏi, giải quyết vấn đề)

–    Giao tiếp (nói, nghe, hiểu)

–    Kỹ năng xã hội/ cảm xúc (chơi đùa, cảm giác an toàn và hạnh phúc)

–    Tự giúp đỡ bản thân (ăn uống, mặc quần áo…)

Khi bé đã được kiểm tra, đánh giá, các chuyên gia sẽ đưa ra các biện pháp để giúp đỡ cho bé trên các phương diện khác nhau như:

–    Cung cấp thiết bị hỗ trợ

–    Dạy trẻ học ngôn ngữ

–    Thuốc

–    Dinh dưỡng

–    Lao động trị liệu

–    Vật lý trị liệu

–    Tâm lý

Ngay khi không chắc chắn mình nên tiếp tục đợi hay hành động ngay để can thiệp vào sự phát triển của con, bạn đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ. Sự trao đổi sớm sẽ giúp mẹ giải tỏa được tâm lý bất an và tìm được sự hỗ trợ hợp lý và đúng lúc dành cho con mình.

(Theo MB)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.