Cứu loài tê giác bằng sừng tê giác sinh học tổng hợp

Khi được hỏi về loài động vật đang bị nguy cấp, có lẽ tên loài tê giác được nêu lên hàng đầu. Nạn săn bắn trái phép đang làm cho tê giác châu Phi và châu Á giảm số lượng đáng kể. Tất cả chỉ vì người ta muốn dùng phần sừng tê giác trong đông y mà chưa rõ hiệu quả đến đâu. Chính vì vậy, hãng Pembient đã vào cuộc để cứu loài tê giác.

Sừng tê giác tổng hợp

Pembient có trụ sở chính ở San Francisco (Mỹ) đang phát triển một công nghệ có thể tạo ra sừng tê giác sinh học tổng hợp, ít tốn kém và có thể cạnh tranh với sừng tê giác thật; nhờ vậy, giảm nguy cơ tuyệt chủng cho loài này.


Tê giác là một trong những loài đứng hàng đầu trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng – (Ảnh: Gizmag)

Matthew Markus, chủ tịch của hãng Pembient giải thích với tạp chí Gizmag rằng họ thu được sản phẩm nhờ những tiến bộ trong sinh học tổng hợp và kỹ thuật in ấn 3D. Đầu tiên là sử dụng nấm men để tạo ra chất giống như keratin trong sừng tê giác, các keratin này sẽ được hợp nhất với các thành phần tự nhiên khác của tê giác như các yếu tố vi lượng và ADN của tê giác. Kết quả cuối cùng là thu được một loại bột. Bột này có thể sử dụng như chất liệu cho quá trình in ấn 3D và sản phẩm thu được là sừng tê giác nhân tạo.

Qua khảo sát của hãng Pembient cùng con số thống kê của các tổ chức khác cho thấy hơn 45% người lùng mua sừng tê giác mà chẳng biết nó là thật hay giả. Vì vậy, sừng tê giác nhân tạo dù sao cũng tốt hơn so với sừng trâu giả dạng.

Trang Gizmag cho biết con số còn có thể cực đoan hơn vì có khả năng sừng tê giác giả lên đến 90%, điều này đồng nghĩa với người có tiền bị móc túi bởi kẻ kinh doanh bất hợp pháp.

 

Theo Thanh Niên