Đại tang ở xã nghèo sau vụ ngạt khí lò vôi khiến 8 người tử vong

Sau khi khám nghiệm tử thi tại bệnh viện Đa khoa Tâm Đức, nửa đêm ngày 1/1 lần lượt từng dòng xe đưa thi thể của các nạn nhân xấu số về quê tiến hành thủ tục mai táng. Từ đầu làng những tiếng nấc nghẹn, từng dòng người đến tiễn đưa, chia buồn với gia đình các nạn nhân khiến cả một vùng quê nghèo nơi đây bao trùm trong không khí tang thương.

Tại gia đình nạn nhân Lê Văn Thong không khí tang thương, đau đớn hơn bao giờ hết. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé nằm nép phía chân núi là cả một nỗi đau vô bờ bến khi người thân, hàng xóm, bạn bè nghẹn ngào trước một mất mát lớn khi gia đình mất đi 3 người thân.

Phía trước cửa nhà là di ảnh 2 cha con ông Thong cùng 2 chiếc quan tài đặt cạnh nhau đợi đến giờ tiến hành đưa đi hỏa thiêu. Còn vợ ông là bà Lê Thị Nguyên thì hiện giờ đang nửa tỉnh nửa mê, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Gia đình nạn nhân tiến hành thủ tục mai táng đưa nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Những tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng gào khóc ngày càng thảm thiết hơn khi chiếc xe tang đưa ông Lê Đình Hòa (nạn nhân trong vụ ngạt khí) ra nghĩa địa gần nhà tiến hành thủ tục chôn cất. Từng dòng người nối đuôi nhau đến viếng thăm, chia buồn cùng gia đình ai nấy đều đau đớn xót xa, nhìn cảnh tượng ấy mà không thể cầm được những giọt nước mắt.

“Quê nghèo như chúng tôi từ trước tới nay sống chủ yếu vào mấy lò vôi, ruộng lúa mưu sinh qua ngày. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc như này, nghĩ mà đau lòng, xót thương cho gia đình quá. Mọi người ở đây ai nấy đều sống hài hòa, hiền lành chất phác… nay xảy ra sự việc khiến chúng tôi ai nấy cũng bàng hoàng, xót xa hơn bao giờ hết…”, một người dân tại thôn 1, Yên Thái nghẹn ngào tâm sự.

Mọi người tập trung tại nơi đưa tiễn các nạn nhân

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, từ nhỏ ông Thong đã biết làm vôi, tính đến nay cũng ngót gần 40 năm trong nghề. Tuy chẳng được là bao nhưng ở vùng đất này gia đình ông Thong vốn được người dân nơi đây biết và quý trọng ở sự cần cù.

Thông thường khi hết vụ mùa thu hoạch lúa thì nhiều người được ông Thong thuê về làm kiếm chút ít lương thêm thu nhập cho gia đình. Nay sự việc xảy ra khiến ai nấy cũng vô cùng xót thương, đau đớn. Cũng trong chiều 2/1, các gia đình còn lại tiến hành chôn cất các nạn nhân theo phong tục địa phương.

Được biết, các gia đình bị nạn đều có hoàn cảnh khá khó khăn. Trong đó có gia đình nạn nhân Phạm Văn Tuyên khó khăn nhất.

Lò vôi nơi xảy ra vụ việc đau lòng

Như tin đã đưa, ngày 1/1 tại lò vôi thuộc Gia đình ông Lê Văn Thong và bà Lê Thị Nguyên là chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công, có thuê ông Phạm Văn Tuyên, SN 1963, ở thôn 1 xã Hoàng Giang, Nông Cống làm công nhân kỹ thuật. Khoảng 14h30 khi đã xếp được 2/3 nguyên liệu (đá và than) vào lò thì ông Thong đốt lửa ở dưới lò, ông Tuyên tiếp tục xếp nguyên liệu ở trên lò cho đầy (đây là quy trình sản xuất vôi được nhân dân áp dụng nhiều năm nay).

Khi đang xếp nguyên liệu thì bất ngờ ông Tuyên ngất, ông Thong hô hoán để mọi người biết, đồng thời lao vào cứu ông Tuyên. Không thấy ông Tuyên và ông Thong ra, những người xung quanh (7 người gồm vợ, con ông Thong và người thân, hàng xóm) chạy vào cứu thì cũng không ra được. Lúc này nhân dân đã phá hông lò, lấy quạt thổi khí và đưa nạn nhân đi cấp cứu, đến 19h00 thì 8 nạn nhân đã tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã đến gia đình các nạn nhân lo cho công tác tang lễ của các nạn nhân. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho những người bị nạn. Đến thời điểm này, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng đã hỗ trợ 10 triệu cho các nạn nhân tử vong, 7 triệu cho người bị thương.

Nguồn: Theo Trithuctre

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.