Đàn bà: Hãy để cho chính mình được yên!

 Đàn bà: Hãy để cho chính mình được yên!

Tôi được nghe nhiều về những ồn ào. Đâu đó, có cô đào nóng bỏng, đang làm người thứ 3. Không phải trên sân khấu, mà là trong đời thực. Chuyện ngoại tình vốn đã là chủ đề rất nóng, râm ran, bây giờ trở thành sôi ùng ục. Người khen kẻ chê, người thở dài cho cái thời “mạt pháp”. Người so sánh, đắn đo, kẻ ào ào “không chấp”. Nhưng vì sao đàn bà cứ phải kích mũi dùi vào nhau?

1.Nhà vua cưới vợ qua một chiếc hài:

Hồi nhỏ, có những bạn bè trẻ dại của tôi mơ ước làm cô Tấm. Nghĩa là được ông Bụt thật thương, được òa khóc đã đời khi có người bắt nạt, rồi được giúp đỡ cho muôn nghìn công việc và mặc đẹp, vội vã đánh rơi giày, để có người giàu có, sang trọng đến tìm và hồ hởi đón về.

 Đàn bà: Hãy để cho chính mình được yên!

Ai đó nói rằng bởi cô Tấm đã chịu quá nhiều đau khổ trên đời. Thật ra, đó chẳng qua là ông Bụt đang thiên vị! Cũng là vì tác giả đã giấu đi nỗi vất vả áo cơm của người dì ghẻ. Tấm đi bắt tép mò cua, đi chăn trâu cắt cỏ, những việc bình thường mà đứa trẻ làng quê nào không phải làm? Dì ghẻ làm vợ lẽ, lại còn phải lo cho cả gia đình! Sự giấu đi nỗi vất vả của dì, giấu đi nỗi thua thiệt tủi thân sinh ra làm con vợ lẽ, lại trong hình hài xấu xí của cô bé Cám đã là một góc nhìn rất thiếu công bằng. Cám dù sao cũng chỉ là đứa trẻ, nó đang đi theo mẹ, theo chị để học những bài học về đời. Và trong những ngày học hỏi, nó nhận cả cái tốt và cái xấu tác động vào trí óc, không tránh khỏi những khi có sự ăn vạ tầm thường, không tránh khỏi có lúc “lưu manh” muốn ăn gian công sức. Giá như ông Bụt đừng can thiệp vào, ít nhất, sẽ không đẩy Cám vào sự lưu manh khi vào hùa với mẹ chặt cau cho Tấm chết tươi, không có sự làm thịt con cá Bống, không có chuyện bóp chết Vàng Anh… Bà dì ghẻ, trong nỗi vất vả đớn đau, ác mãi rồi sẽ chết, Tấm và Cám đều có thể bình yên bên một anh trai làng và quên chuyện cũ.

 Câu chuyện chỉ kể hay về Tấm, như một sự bóp méo đi nỗi vất vả của tất cả mọi người đàn bà trong nỗi chúng sinh. Thật ra, đàn bà bình đẳng và hoàn toàn như nhau, vừa nhẩn nha vụn vặt vừa nhân hậu, vừa cay nghiệt chua ngoa, vừa tha thiết yên bình… Y hệt như nhau!  Nên tôi mới thấy, ông Bụt quả là người thiên vị! Để rồi có ngày Tấm làm thịt em mình… Chỉ vì một ông vua!

 Mà ông vua ấy, oái oăm ở chỗ, bỗng dưng lấy vợ vì một chiếc hài! Bi kịch từ một chiếc hài mà ra, hay bi kịch từ lòng tham của Tấm? Và sự bênh vực của những người chỉ thấy Tấm xứng đáng được xỏ chân vào hài? Có ích kỷ không?

2.Chỉ có đàn bà khiến đàn bà đau:

Giữa hai lựa chọn: Một là xông vào chỉ trích nhiệt tình, ném đá thậm tệ, tẩy chay gay gắt như muốn ăn tươi nuốt sống những người đã bị gắn mác chia rẽ vợ chồng người khác; Hai là cứ thản nhiên, thờ ơ như kiểu không có gì để mất, như gián tiếp ngấm ngầm cổ vũ cho lối chồng chung, thì đàn bà có lựa chọn nào không?

Nếu cố tình đẩy mình đến nỗi cực đoan thì đúng là chỉ có 2 góc nhìn ấy thôi. Phải đủ bình tâm thì mới thấy, còn một cách khác hơn, chính là “Để cho chính mình được yên!”.

Thôi đừng cố công kể tội người thứ 3, nào là không có quyền, nào là âm mưu chia rẽ, nào là ác nhân thất đức này kia. Nếu anh chồng ráo hoảnh muốn ra tòa ly dị, thì trong gang tấc, người có quyền lên tiếng bỗng trở thành kẻ bị hất đổ cái ngôi hoàng hậu. Ta bám víu vào cái vương miện vốn có thể bị tước đi bất cứ khi nào để lên án người thứ 3, ta nghĩ, có bền vững không? Được mất, thật giả gang tấc thế, mới thấy là phù du. Bám vào một thứ phù du, thì mọi lý lẽ đều phù du hết. Đừng nói với tôi rằng vì mẹ con nhà Cám chặt cau cho Tấm chết thì mới đến lượt Cám vào thay chỗ. Tôi lại thấy, nếu lòng vua thực sự dành Tấm, thì Cám hay ai cũng đều không có cơ hội nào…

 Đàn bà: Hãy để cho chính mình được yên!

Đừng có khẳng định rằng lên án người thứ 3 là để bảo vệ luân thường đạo lý cho xã hội. Cách nói ấy hoàn toàn đúng thôi, nhưng mà viển vông! Bởi nhiều khi, trong cơn cuồng phong của những giá trị đạo đức đang xuống dốc, cái cần là mỗi một chúng ta hãy để mình bình an, để đừng góp thêm vào cơn gió ấy những lời chửi bới. Để con cái chúng ta có chỗ trở về, có nơi nương tựa tinh thần, để cảm thấy bình an sau đổ vỡ của cha và mẹ, chứ không phải để trở thành một kẻ chửi chồng, chửi đời, chửi tất cả những gì lấy đi cái đang yên ổn ở trong tay mình.

Ai đó cảm thấy đau đớn vì tiếc công gây dựng gia đình, tiếc những tháng ngày hi sinh cho chồng, cho con. Về điều này thì nên xem lại quan niệm cho và nhận. Ta cho đi điều gì, nếu phải cân nhắc đến mức có nhận về được không thì có thật là đạo đức không? Ta đang lên án đạo đức xã hội đấy, vậy mà ta chăm chăm đòi lại những gì ta đã cho đi? Hơn nữa, nhìn ở góc độ khác, thì những gì ta đã cho đi, chẳng mất đi chút nào. Tất cả đều ở lại, trong ký ức, trong sự bình yên và trân trọng về nhau. Vấn đề chỉ là ta có định giữ sự bình yên ấy lại cho chính mình hay không? Món quà đẹp cho đi, người khác không nhận, nó vẫn là món quà ở lại với mình!

Tôi chưa bao giờ thấy câu chuyện đổ vỡ của những gia đình là hay, là tốt. Chưa bao giờ nhìn những người thứ 3 như một biểu tượng của cái giỏi, cái vui. Nhưng tôi thấy đau xót cho những người đàn bà cứ gồng lên chống lại cái sự thật chẳng mấy vui rằng, điều lớn nhất thuộc về ông vua. Ông vua đã cài vào tóc ta vương miện, chỉ vì yêu ta qua 1 chiếc hài. Ta đã không hiểu, hoặc ta hiểu mà vì vương miện, ta cố tình bỏ qua, những tín hiệu cho sự nông cạn và thói tầm thường, ở người mà ta quyết định dành cả cuộc đời này để yêu thương!

Nguyên Ân
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.