Các nhà khoa học đang vào cuộc đánh giá các nguyên nhân khiến máy bay 447 Air France gặp nạn. Họ đang cân nhắc các nguyên nhân: sét, sự nhiễu loạn không khí và lỗi hệ thống điện.
Sự nhiễu loạn không khí
Bão ở khu vực xích đạo là một trong những nguyên nhân có thể đã gây ra vụ biến mất kỳ bí của chuyến bay 447 thuộc hãng hàng không Air France. Đây là vùng gặp gỡ của hai luồng không khí lớn, tạo ra những đám mây bão khổng lồ ở độ cao trên 12km.
Tám năm trước, cựu cơ trưởng Roger Guiver của hãng hàng không British Airways phải đối mặt với một cơn bão lớn trong chuyến bay từ Cape Town tới sân bay London Heathrow. “Bão là một “đối thủ” đáng gờm của những chiếc máy bay dân sự và chắc chắn bạn không bao giờ muốn phải đương đầu trực diện với chúng”, ông nhận xét.
Khu vực máy bay AF 447 mất tích trên Đại Tây Dương. Ảnh: MSNBC
Ở trong cơn bão, máy bay có thể bị nâng lên hoặc hạ xuống dưới tác động của sự nhiễu loạn không khí, gây khó khăn cho chế độ lái tự động trong giới hạn. “Đó không phải là điều đáng sợ đối với chúng tôi nhưng nó lại gây hoang mang cho hành khách ở phía sau”, Roger cho biết.
Hiện các điều tra viên đang kiểm tra xem liệu chiếc Airbus của hãng Air France có chịu tác động nghiêm trọng của quá trình nhiễu loạn không khí khiến máy bay mất lái, động cơ quá tải và thậm chí là cánh bị vỡ hay không. Tuy nhiên, giả thiết này thuộc ít khả năng xảy ra vì phần cánh trên các máy bay hiện đại được thử nghiệm trên thực tế chịu được lực uốn mạnh khoảng 50% các lực va đập do cơn bão tạo ra.
Sét đánh
Một giả thiết khác lý giải cho nguyên nhân vụ tai nạn là sét. Sét có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, đó là những dòng điện xuất hiện trên bầu trời và có thể phá hoại các hệ thống điện từ. Tuy nhiên, trên cánh các máy bay cũng đã được trang bị một bộ phận được gọi là “bấc tĩnh điện” làm tiêu tan lượng điện đó một cách an toàn.
Hiện tượng St Elmo’s Fire là dấu hiệu cho thấy sắp có sét đánh. Ảnh: weather.gov.hk |
Roger Guiver cho biết một trong những cảnh báo có thể thấy rõ sắp có sét đánh là nhờ vào hiện tượng tích điện St Elmo’s Fire giúp nhìn thấy vệt sáng khác thường khi máy bay đi qua vùng bão. Hiện tượng tự nhiên này là khi plasma phát sáng xuất hiện như đốm lửa trên các vật thể khác, như gậy thò ra mũi thuyền hay cột chống sét, ở khu vực tích điện trong cơn bão. Hiện tượng này được đặt tên theo Thánh Elmo, thần hộ mệnh của thuỷ thủ.
Tuy nhiên, sét gần như không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn máy bay. Theo thống kê của, chỉ có 15 vụ tai nạn máy bay do sét trong hơn 50 năm qua trong lịch sử ngành hàng không quốc tế. Vụ việc nghiêm trọng nhất là sự mất tích của máy bay Boeing 747 thuộc hãng hàng không Ấn Độ năm 1976 gần Madrid. Sét đã “châm lửa” cho thùng chứa nhiên liệu của máy bay, gây ra vụ nổ lớn.
Lỗi về hệ thống điện
Không thể hạ gục máy bay, nhưng sét có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống điện. Theo đó, giả thiết về sự cố điện được đề cập đến trong đoạn tin nhắn tự động được gửi đi qua hệ thống vệ tinh ngay trước khi máy bay biến mất có sức thuyết phục hơn. Những sự cố về điện sẽ khiến cho phi hành đoàn mất kiểm soát trên toàn bộ hệ thống hoặc cũng có thể gây ra một vụ cháy.
Radar thời tiết là công cụ giúp máy bay đối phó với bão. Ảnh: BBC |
Tuy nhiên, các phi công được trang bị công cụ đối phó với tác động của thời tiết đến hoạt động bay. Đó là các radar thời tiết, bộ phận thu nhận đặt ở mũi máy bay có thể thu gom các dấu hiệu về mây bão ở phía trước, và hiển thị trên khoang lái của máy bay. Khi đó phi hành đoàn sẽ cho máy bay “đi dạo” một quãng 16 km quanh khu vực bão vì lý do an toàn và trấn an hành khách.
Các radar thời tiết có thể phát hiện ra hơi ẩm khác thường trước tiên và đôi lúc có thể nhận dạng được các tinh thể băng, một nhân tố thường xuất hiện trong các cơn bão tàn bạo nhất. Và khi bay vào ban đêm, dấu hiệu về một cơn bão hoàn toàn có thể được nhận thấy bằng mắt thường.
Giả thiết chỉ là giả thiết, quá trình điều tra chỉ có thể đi tới kết quả cuối cùng khi máy ghi âm (hộp đen) được tìm thấy. Đây sẽ là “chìa khóa” giải đáp mọi nghi vấn. Tuy nhiên, các bộ phận đó có thể đang ở độ sâu hàng nghìn mét dưới mặt biển. Theo các chuyên gia cứu hộ quân sự, không có một nơi nào dưới đáy đại dương mà các phương tiện hoạt động tầm xa không thể tới nhưng việc tìm kiếm các thiết bị này đòi hỏi phải hết sức khéo léo, và cần có thời gian.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ khẳng định, các thiết bị dò tìm của họ có thể hoạt động ở độ sâu 4.300m. Khi tìm thấy hộp đen cũng như các phần quan trọng khác của máy bay, số phận của chuyến bay AF 447 sẽ dần được hé lộ.
Theo Báo Đất Việt (BBC)