Hãy tìm hiểu thêm về lạc nội mạc tử cung để có hướng điều trị bệnh này hiệu quả nhé:
Càng ít vận động càng nhiều nguy cơ
Nội mạc tử cung là lớp màng (niêm mạc) phủ mặt trong tử cung. Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là trường hợp các tế bào niêm mạc tử cung đi lạc chỗ, vào sâu trong lớp cơ của thành tử cung (lạc nội mạc trong cơ) hoặc “lạc” cả ra ngoài tử cung như ở buồng trứng, màng bụng (phúc mạc), thành ruột; thậm chí có khi còn ở trong thận hay phổi…
Theo bác sĩ Hoàng Trong (Trưởng khoa Chuyên khoa I Sản phụ khoa, Bệnh viện An Sinh, Tp.HCM) những người bị viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng… thường có nguy cơ mắc bệnh do viêm nhiễm làm cho máu kinh chảy ngược trở lại và gây ra LNMTC. Đặc biệt, những người ít vận động, những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị LNMTC gấp hai lần so với những người thường xuyên vận động thể chất.
Cơ thể không vận động dẫn tới hấp thụ và tích trữ quá nhiều chất béo có thể dẫn đến sự gia tăng các bệnh sản phụ khoa, làm thay đổi lượng estrogen, gây mất cân bằng nội tiết. Điều này có thể làm tăng sự phát triển của lớp nội mạc tử cung, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của kinh nguyệt, làm cho kinh nguyệt dễ chảy ngược trở lại và tăng nguy cơ bị LNMTC.
Có thể gây vô sinh
Người bị lạc nội mạc tử cung có thể có rất nhiều triệu chứng khác nhau. Nếu lạc nội mạc tử cung ở thận thì có triệu chứng đái ra máu, ở phổi có thể ho ra máu. Tuy nhiên, lạc nội mạc chủ yếu xảy ra trong cơ tử cung và vùng bụng dưới nên triệu chứng chủ yếu vẫn là đau bụng khi hành kinh.
Đây là loại thống kinh thứ phát (vì trước đó có thể hành kinh không kèm theo đau bụng), đau muộn vào ngày thứ hai hoặc ba của kỳ kinh và bệnh càng lâu ngày thì đau càng nặng thêm. Đã có không ít trường hợp đau bụng nhiều đến mức chẩn đoán nhầm là viêm phúc mạc, phải mổ cấp cứu.
Bên cạnh đó người bị LNMTC có thể bị đau vùng chậu lắt nhắt, đau khi quan hệ tình dục, bón, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, ra nhiều kinh, có cục máu đông, chu kì kinh thất thường, đau lưng và cảm giác nặng chì chì ở lưng.
Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây LNMTC, nhưng nguyên nhân thường được nhắc tới nhiều nhất là máu trào ngược qua vòi trứng vào ổ bụng. Theo đó, nội mạc sẽ bám vào các cơ quan trong ổ bụng và tiếp tục phát triển, gây bệnh.
Bệnh có thể là nguyên nhân gây vô sinh. Những trường hợp khác thường lành tính, chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động, học tập.
Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán chính xác LNMTC, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và nội soi ổ bụng. Siêu âm có thể cho thấy các nang nhỏ rải rác, đôi khi có thể thấy một hay vài nang lớn; nếu chụp tử cung có thể thấy tử cung thay đổi tư thế, tắc vòi trứng. Nội soi ổ bụng được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán.
Bác sĩ Trong cho biết, để điều trị lạc nội mạc tử cung cho các trường hợp bệnh nhẹ và trung bình, người ta có thể dùng thuốc, trong đó chủ yếu điều trị bằng thuốc giảm đau: nếu đau vùng chậu nhẹ, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, hoặc điều trị lâu dài bằng nội tiết tránh thai.
Trường hợp nặng hơn, nếu dùng thuốc sau 3 tháng không giảm, nhất là với các phụ nữ bị vô sinh do có tổn thương LNMTC làm biến dạng các tổ chức vùng chậu gây dính, co kéo, ảnh hưởng đến chức năng vòi trứng, buồng trứng, tử cung… sẽ được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các nhân lạc nội mạc hoặc cắt bỏ toàn bộ tử cung cùng hai buồng trứng.
Đáng nói là nguy cơ tái phát LNMTC sau phẫu thuật là điều phổ biến. Việc dùng nội tiết hợp lý hỗ trợ sau phẫu thuật cũng được cân nhắc, nhằm làm chậm thời gian tái phát cũng như giảm số lần tái phát.
Thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung đều là các thuốc nội tiết có tác dụng làm thoái triển và làm teo các đám niêm mạc tử cung lạc chỗ. Khi điều trị như vậy thì bản thân các niêm mạc bình thường trong tử cung cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây nên những bất thường về kinh nguyệt, đặc biệt là vô kinh. Vì vậy, việc dùng thuốc phải do bác sĩ chỉ định, cân nhắc sau khi đánh giá cụ thể mức độ nặng, nhẹ.
Cần khám phụ khoa định kỳ
Để sớm phát hiện bệnh lạc nội mạc tử cung, phụ nữ từ tuổi 25 trở đi nên có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ sáu tháng một lần, theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, nếu thấy có hiện tượng đau bụng quá nhiều trong lúc hành kinh, khi gần gũi vợ chồng thường có cảm giác đau thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra sớm.
Vệ sinh, giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô ráo. Cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài âm đạo, không nên xối nước hay thụt rửa sâu bên trong âm đạo để tránh vi khuẩn có điều kiện ngược lên trên tử cung gây tái viêm loét, khó khăn trong việc điều trị viêm nhiễm. Không lạm dụng rửa bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ vì có thể gây mất cân bằng môi trường âm đạo, làm vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển.
(Theo SKGĐ)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.