Tôi có một cậu bạn làm giám đốc công ty tư nhân, cậu ấy mời tôi về làm kế toán bán thời gian, công việc hoàn toàn có thể mang về nhà nên cũng chẳng có mấy thời gian tôi ở công ty làm việc. Vậy là từ bạn, cậu ấy trở thành sếp của tôi. Một tuần vừa rồi, khi tôi thường xuyên có mặt ở công ty để làm báo cáo tài chính tổng kết cuối năm thì tôi đã nhận ra một yếu điểm lớn nhất trong cách quản lý của Sếp.
Từ lâu, trong nội bộ công ty mọi người vẫn hay thì thầm với nhau: “Sếp mình dễ tính không ai bằng”. Tuy nhiên, dù biết rõ mười mươi nhưng chẳng ai “dại” gì mà góp ý với Sếp cả. Sếp sửa đổi thì tốt cho công việc nhưng chẳng ai được lợi gì. Vậy tội gì mà nói ra để người khác ghét?
Sếp thì cho rằng để nhân viên cảm thấy tự do, thoải mái trong công việc, không bị gò bó hay thúc ép gì thì trong lòng họ sẽ không cảm thấy áp lực và có thể phát huy hết khả năng của mình. Vì thế, tôi làm bán thời gian thì không nói làm gì nhưng những nhân viên khác, sếp cũng để cho thoải mái bất ngờ. Là sếp nhưng cậu ấy chưa bao giờ để ý xem nhân viên có đi làm đủ hay không, vắng mặt vì lý do gì, hay làm gì trong giờ làm việc… Trong khi đó, thấy sếp dễ dàng quá thì mọi người lại bắt đầu bê trễ công việc và tranh thủ giờ làm việc để làm việc riêng.
Cả phòng kế toán đang làm báo cáo thì có chị nhân viên đứng lên bảo: “cả nhà làm đi nhé, tôi ra chợ một lát”. Tôi ngạc nhiên, mắt chữ A, mồm chữ O hỏi đang giờ làm việc sao lại đi. Chị ấy thanh minh rằng: “chuyện vặt ý mà, sếp C dễ lắm, chỉ cần kết quả không quan tâm làm bằng cách nào”. Rồi chị đi thẳng, tới hơn 1 tiếng sau mới trở lại. Rồi đầu buổi chiều, khi mới vào giờ làm việc tinh thần uể oải, cả tốp nhan viên Nam lại rủ nhau đi uống cà phê với giọng rất “hào sảng”: “anh em ơi, đi uống cà phê đi, buồn ngủ quá!”. Còn đám nhân viên nữ thì rục rịch kháo nhau “tao vừa mua được đôi giày, cái áo đẹp lắm! xem không?” hay “cái trò này chơi thế nào ý nhỉ? Nhìn thấy bà chơi mà tôi chẳng hiểu gì”…
Tôi vẫn chẳng hiểu cục diện của văn phòng đang xoay chuyển kiểu gì. Nhìn ai cũng uể oải, mỗi người một việc để giải trí. Chẳng nhẽ mình tôi ngồi hùng hục làm báo cáo. Nghĩ cũng “dơ”. Tôi bắt chuyện với các chị em hỏi ngày nào mọi chuyện cũng thế sao. Thì nhận được thông tin rằng “ chị ít đến công ty không biết chứ, hôm nào có việc thì làm, không có việc phải tự kiếm việc cho đỡ chán chứ chị”. Nhưng theo tôi nghĩ, cuối năm biết bao nhiêu báo cáo, công việc cần xử lý nhưng anh chị em vẫn cứ tự tìm việc để giết thời gian, khi sếp hỏi tiến độ báo cáo đến đâu thì vẫn bảo nhiều việc quá chưa làm xong. Sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất. Ai ai cũng đang làm việc riêng nhưng cứ hễ nhìn thấy thấy bóng Sếp từ xa là y như rằng, ai nấy mắt chăm chú nhìn lên màn hình máy vi tính, hai tay gõ bàn phím và làm ra vẻ như đang làm việc hăng say lắm.
Hôm nọ, sếp có công việc thông báo phải đi trong buổi sáng, đề nghị anh chị em hoàn thành công việc, chiều họp công ty để báo cáo. Cả văn phòng đồng thanh “vâng ạ” rất khí thế, hùng hồn. Nhưng vừa thấy Sếp lên xe là nhân viên bắt đầu tự do “hoạt động” người đi chợ, người tranh thủ chợp mắt, vài ba người rủ nhau đi uống cà phê. Vậy là trong công ty chỉ còn lại một nhân viên trực điện thoại đang ngủ gà gật; một cậu mới đang dán mắt vào báo cáo thuế tôi vừa đưa, và tôi trưởng phòng kế toán đang hùng hục với mớ giấy tờ. Đột nhiên, Sếp xuất hiện ở cửa… Hóa ra do quên tập tài liệu nên Sếp phải quay về lấy.
Khi sếp hỏi, mọi người đi đâu. May cậu nhân viên mới nhanh nhảu đáp: “Anh Đ sang sở thuế; Chị N đi phô tô ít giấy tờ vì máy phô tô của chúng ta đang gặp sự cố; Anh H và anh D đang sang công ty bạn thanh lý hợp đồng”… sếp quay sang tôi, tôi cũng hùa theo gật gật. Sếp cười hài lòng vì có những nhân viên mẫn cán, tự giác. Thật may hôm đó có cậu nhân viên mới chứ một mình tôi cũng không hiểu cứu vãn tình hình thế nào. Được phen hú vía, tôi bảo gọi hết nhân viên về phòng, rút kinh nghiệm. Mọi người cũng hứa với tôi sẽ chấn chỉnh lại nguyên tắc và nội quy văn phòng. Nhưng chẳng hiểu, với một trưởng phòng “bán thời gian” như tôi có quản nổi đám nhân viên “bất kham” ấy không. Tôi đang cân nhắc, có nên nói với sếp tình trạng thực ở văn phòng hàng ngày không, hay cứ im im để bảo vệ anh chị em. Nếu nói ra thì tôi là “kẻ chim lợn” đáng ghét, nhưng không nói ra tôi thấy mình có lỗi với sếp quá. Dù gì tình cảm chúng tôi cũng thân thiết từ lâu, cứ đà này công ty liệu có phát triển nổi hay không?
Hòa Mai
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.