Thông thường, không có điều gì đặc biệt ở vẻ ngoài của trẻ bị tự kỷ khiến cho trẻ trở nên khác biệt. Chúng có thể giao tiếp, tương tác, ứng xử và học theo những điều mà người khác vẫn làm. Việc học tập, tư duy và khả năng giải quyết vấn đề ở trẻ tự kỷ có thể dao động từ năng khiếu vốn có tới mức “thách thức”. Một số trẻ tự kỷ cần nhiều sự giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày trong khi nhiều em khác lại không như vậy.
Vậy làm sao để nhận thấy các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ? Bố mẹ hãy lưu ý những biểu hiện dưới đây:
Những triệu chứng có thể là “báo động đỏ” khi trẻ:
• Không phản ứng khi được gọi tên dù đã 12 tháng tuổi
• Không chỉ vào đối tượng để thể hiện sự quan tâm của bản thân (ví dụ như chỉ một chiếc máy bay bay ngang qua) khi đã 14 tháng tuổi.
• Không chơi những trò chơi tưởng tượng (giả vờ cho búp bê ăn, giả vờ cho rô-bốt đánh nhau) khi 18 tháng tuổi trở lên.
• Tránh tiếp xúc bằng mắt và muốn ở một mình.
• Khó khăn trong việc nhận biết cảm xúc của người khác hoặc khi họ nói về cảm xúc của mình.
• Trì hoãn khả năng ngôn ngữ, diễn đạt kém.
• Lặp lại các từ hoặc cụm từ quá nhiều lần.
• Có các câu trả lời không liên quan đến câu hỏi.
• Buồn rầu chỉ vì một vài điều rất nhỏ.
• Ám ảnh vì một điều gì đó.
• Vỗ tay, lắc người, hoặc quay theo vòng tròn thường xuyên.
• Có phản ứng bất thường với mọi thứ âm thanh, mùi, vị…
Các vấn đề xã hội là một trong những triệu chứng phổ biến nhất trong tất cả các loại tự kỷ. Trẻ thường không chỉ có một vấn đề là “sự nhút nhát, e dè, ngượng ngùng” khi ra ngoài mà còn có các triệu chứng về kỹ năng xã hội khác:
• Không nhận biết được tên gọi của mình.
• Tránh mọi tiếp xúc mắt.
• Thích chơi một mình.
• Không chia sẻ sở thích với người khác.
• Chỉ tương tác để đạt được một mục tiêu mong muốn.
• Hay có biểu cảm không phù hợp.
• Không hiểu ranh giới không gian cá nhân.
• Tránh hoặc chống tiếp xúc vật lý.
• Không thoải mái khi được an ủi.
• Khó khăn trong việc cảm nhận cảm xúc người khác.
Lũ trẻ thường rất quan tâm đến thế giới và những người xung quanh chúng. Vào ngày sinh nhật đầu tiên, một đứa trẻ điển hình có thể tương tác với những người khác bằng cách quan sát mọi người, sao chép từ ngữ và hành động theo lời cha mẹ, cũng như sử dụng các cử chỉ đơn giản như vỗ tay và vẫy tay “bye bye”, hoặc trẻ có thể nhanh chóng làm quen với người lạ. Trẻ cũng thường thấy hứng thú những trò chơi như ú òa hay “vuốt ve” (em thân yêu, em ở với ai…). Nhưng một đứa trẻ có chứng tự kỷ có thể sẽ mất một thời gian dài để học cách tương tác với những người khác.
Cũng có những trẻ tự kỷ không quan tâm chút nào đến những người xung quanh. Những trẻ khác có thể muốn kết bạn với chúng, nhưng lại không hiểu làm thế nào để phát triển tình bạn. Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ với người khác. Điều này có thể làm cho những đứa trẻ khác không muốn chơi với chúng.
Mỗi trẻ tự kỷ lại có kỹ năng giao tiếp khác nhau. Một số trẻ có thể nói tốt còn một số lại hạn chế trong khả năng diễn đạt ý kiến của mình. Khoảng 40% trẻ tự kỷ còn chẳng muốn nói gì khi được hỏi đến. Các vấn đề về giao tiếp trẻ có thể biểu hiện:
• Trì hoãn khả năng giao tiếp, diễn đạt yếu.
• Lặp lại các từ hoặc cụm từ nhiều lần (nhại lời).
• Đảo ngược đại từ trong câu.
• Trả lời câu hỏi bằng những câu không liên quan.
• Không chỉ vào những thứ chúng quan tâm.
• Sử dụng ít hoặc không có những cử chỉ giao tiếp thông thường (ví dụ, không vẫy tay tạm biệt).
• Nói chuyện một mình trong góc.
• Không chơi những trò tưởng tượng.
• Không hiểu câu nói đùa, mỉa mai, hay cố tình trêu chọc.
Các hành vi khác thường chúng có thể có:
• Ghép, nối các đồ chơi/ đồ vật với nhau.
• Lặp đi lặp lại một cách chơi.
• Chỉ thích các bộ phận của đồ chơi (ví dụ: bánh xe).
• Quá ngăn nắp.
• Khó chịu vì những thay đổi nhỏ xíu.
• Ám ảnh vì điều gì đó.
• Phải làm theo thói quen nhất định.
Lặp đi lặp lại hành động nào đó liên tục có thể là triệu chứng của tự kỷ. Những hành động này có thể liên quan đến một phần của cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể hoặc thậm chí là một đối tượng hoặc đồ chơi. Ví dụ, trẻ tự kỷ có thể dành nhiều thời gian liên tục vỗ tay của mình hoặc nhảy nhót từ trên xuống dưới, trái sang phải. Chúng cũng có thể bật tắt đèn liên tục hoặc quay các bánh xe của một chiếc xe hơi đồ chơi không ngừng. Và quan trọng là chúng rất vui khi làm những điều đó.
Một số triệu chứng khác:
• Tăng động (quá tích cực).
• Bốc đồng (hành động mà không suy nghĩ).
• Khoảng thời gian tập trung ngắn.
• Thường xuyên gây hấn.
• Tự làm mình bị thương.
• Dễ nổi cáu.
• Thói quen ăn uống và ngủ nghỉ không bình thường.
• Tâm trạng hoặc cảm xúc phản ứng bất thường.
• Thiếu hoặc quá nhiều sự sợ hãi so với trẻ khác.
• Phản ứng bất thường với cách mọi thứ âm thanh, mùi, vị…
Các nhà nghiên cứu cho rằng 70% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ hoặc chúng chỉ nổi trội trong một lĩnh vực nào đó. Sự phát triển nhận thức của trẻ hết sức bất thường, so sánh nhận thức xét trên mặt bằng chung có thể thấp hơn trẻ cùng tuổi hoặc có những ứng xử thô lỗ hơn cũng như nhạy cảm hơn. Do trẻ tự kỷ cảm xúc thất thường, tiếp nhận thông tin cũng chậm hơn, do đó việc giáo dục cho trẻ tự kỷ là điều khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên trẻ hoàn toàn có thể được chỉ dạy một cách đặc biệt để ứng xử như mọi đứa trẻ khác, điều quan trọng là cha mẹ cần có biện pháp thích hợp và kiên nhẫn, để trẻ có thể phát huy một khả năng nào đó trẻ sẵn có đồng thời theo kịp bạn bè cùng trang lứa về tâm sinh lý, trí tuệ…
Tuyết Trang (Theo Pin, Cdc)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.