Cái chết đau thương đó như một gáo nước lạnh dội vào tôi vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ về chính bản thân mình. Chẳng phải vì tôi không có ý thức giúp đỡ người khác, cũng chẳng phải vì tôi không dạy con mình biết chia sẻ khó khăn với họ, mà bởi vì, tôi đã làm điều đó một cách hời hợt, lấy lệ. Và thật tệ là tôi đã khiến cậu con trai của mình bị ảnh hưởng bởi chính những điều đó…
Tôi muốn giáo dục nhân cách cho con nhưng chính mình lại sống quá vô tâm, ích kỉ. (Ảnh: Pinterest)
Giờ, nhớ lại những lúc “cao giọng” dạy con rằng: “Phải biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, phải biết chia sẻ với mọi người,…” tôi thấy xấu hổ và dằn vặt vô cùng. Bởi cách “giúp đỡ người khác” mà tôi làm gương cho con, chỉ là mỗi năm vài lần quyên góp tiền ủng hộ cho vài tổ chức từ thiện nào đó, mà hình thức chỉ là “quăng” một món tiền kha khá để người ta “muốn làm gì thì làm với nó”. Tôi không quan tâm số tiền đó đi đến đâu, giúp được ai, và cũng chẳng có động thái hay hoạt động gì khác giúp đỡ những người gặp khó khăn thực sự. Khái niệm từ thiện với tôi chỉ gói gọn như vậy. Và đôi khi tôi cười hài lòng, mãn nguyện khi thấy “thằng bé” nhà tôi cũng làm được như thế, khi nó hớn hở khoe với mẹ rằng, hôm nay nó đã góp số tiền khá nhiều (so với các bạn khác) và quỹ từ thiện của lớp. Tôi ôm ấp, khen ngợi con vì bé đã làm được việc tốt. Nhưng tôi chỉ vô tình khiến con mình trở nên huênh hoang với “việc tốt” của nó, mà chưa bao giờ để bé hiểu được ý nghĩa, mục đích thực sự của hai chữ “từ thiện”. Trong khi những việc lẽ ra nên làm, tôi đã làm… ngược lại!
Phải, giá như tôi đừng mua quá nhiều đồ ăn thức uống về rồi đổ bỏ không thương tiếc – ngay trước mặt con mình – và giải thích với bé rằng, bây giờ vẫn còn quá nhiều người không có cơm để ăn. Giá như tôi không vung tay mua sắm cho con vô số đồ chơi, quần áo,… rồi để thằng bé tha hồ nghịch phá, vứt bỏ không thương tiếc. Trong đầu con, chẳng có 1 ý niệm nào về sự “tiết kiệm” và “giúp đỡ” cả. Nó giúp đỡ người khác chỉ như quán tính thôi mà không hiểu ý nghĩa của điều đó. Thật tồi tệ làm sao, khi món tiền bỏ ra để mua những đồ ăn, đồ chơi, quần áo… một cách lãng phí đó, lẽ ra đã giúp được không ít những em bé nghèo khổ quanh tôi. Và càng tệ hơn khi tôi để con mình lớn lên với sự vô tâm mỗi ngày một lớn.
Vậy đấy, nhớ những lần đón con đi học về, thằng bé đòi mua hết món này đến món khác trên đường vì kêu đói bụng, nhưng chỉ uống 1 ngụm sữa, cắn 1 – 2 miếng bánh đắt tiền là nó lại lắc đầu kêu ngán, và tôi không ngần ngại cầm phần thức ăn dở đó quăng vào thùng rác, nhẹ bẫng! Tôi cũng chẳng mảy may động lòng trước ánh mắt thèm thuồng, nhìn “hau háu” của một thằng bé đen đúa, rách rưới bên đường. Lúc đó, với tôi, những thứ đồ ăn đó quá nhỏ nhoi và “không đáng gì”, tôi chẳng tượng tưởng nổi trên đời còn có những người đến miếng ăn cũng không thể mua nổi. (Cũng phải thôi, dù mỗi năm tham gia quyên góp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhưng chỉ dừng lại ở đó, tôi chưa bao giờ tham gia một cách thực sự để thấy, để thấu hiểu được sự khốn khó của người khác thế nào. Những hình ảnh về sự nghèo đói tôi xem trên TV, đó đơn giản chỉ là… phim ảnh. Nhưng hóa ra thực tế còn xót xa hơn…). Cả tôi, và con, đã sống quá ích kỉ rồi… Chúng ta không bao giờ có thể giúp đỡ một ai đó khi không thực sự thấu hiểu hoàn cảnh của họ.
Điều tôi ăn năn nhất có lẽ là từ chính sự hoang phí của mình. Ném thức ăn đi trong khi người khác chết đói, nó giống như một tội ác vậy. Tôi còn ân hận vì đã khiến cả con mình có cái nhìn lệch lạc về từ thiện, về ý thức tiết kiệm,…
Và có lẽ chính tôi phải thay đổi cách suy nghĩ, nhìn nhận mọi việc trước để mong con có cái nhìn đúng đắn hơn. Phải, chúng ta, bất kể giàu hay nghèo thì cũng có thể giúp đỡ được người khác. Tất nhiên, làm điều đó bằng tấm lòng, bằng sự chân thành và những gì thiết thực nhất chứ không nhất thiết (và không nên) chỉ sử dụng đồng tiền với trái tim vô cảm. Mong sao cuộc sống không bao giờ còn những chuyện thương tâm như vậy.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.