Dâu thứ được lòng nhà chồng vì ‘mồm miệng đỡ chân tay’

Nhà chồng tôi có ba chị em dâu, tôi và em dâu út đều là người ngoại thành Hà Nội, nhà chồng cùng địa phương; cô em dâu thứ ở tỉnh khác, cách Hà Nội hơn 70km. Tôi và em dâu út cách nhau gần chục tuổi, tính cách khác nhau, cũng không hợp khi nói chuyện nhưng có một điểm chung là đối với công việc chung trong đại gia đình đều rất săn sóc nhiệt tình; thấy cơm thì ăn, thấy việc thì làm, sức đến đâu giúp đến đấy, đứa nào thấy thiếu gì tự đi mua không bao giờ ỷ lại nhau hay ỷ lại mẹ chồng. Tôi nghĩ, sống trong đại gia đình cần nhất là hai yếu tố, tôn trọng quan điểm sống riêng của nhau và có ý thức trong công việc chung.
 
Cứ thế, hai năm sinh hoạt chung, tôi với em dâu út và mẹ chồng rất vui vẻ. Dâu thứ mới về chưa được một năm đã bộc lộ rất nhiều vấn đề, vừa lười, vừa vô ý vô tứ nhưng được cái khéo mồm, nói là khéo mồm nhưng không hề khéo sống. Cô ấy bằng tuổi tôi, là con út trong gia đình có sáu anh chị em, gia đình nghèo nhưng vẫn lo cho cô ấy ăn học và hiện có công việc ổn định, lương cao hơn cả tôi và em dâu út cộng lại. Xuất thân nông dân, sống trọ ở Hà Nội hơn 10 năm nhưng cô ấy luôn tỏ ra tiểu thư, sợ bẩn, sợ côn trùng, làm gì cũng nhẹ nhàng, chậm chạp, cái gì cũng nói không biết làm.
 
Tôi không có em gái nên coi em dâu như em gái. Ban đầu cô ấy hỏi gì tôi cũng nhiệt tình chỉ bảo nhưng kỳ thực đó chỉ là giả vờ để không phải làm, giả vờ không biết để khi thấy tôi nhiệt tình là cô ấy lại khéo bảo thôi chị làm hộ em, chị mua giúp em. Bố mẹ chồng cực kỳ hiền lành, coi con dâu như con gái, tuy nhiên tôi và dâu út vốn thẳng tính, không biết khen chê cho khéo, ngon thì bảo ngon, không ngon bảo không ngon nên nhiều khi làm ông bà phật ý; không được như dâu thứ, nói chuyện kiểu vuốt đuôi dễ làm hài lòng người nghe. Người ngoài chỉ dăm ba câu xã giao thì thấy thích cách nói chuyện ấy nhưng với vợ chồng tôi, vợ chồng chú út và một số người trong họ thì không thích lắm, cảm thấy cô ấy sống không thật lòng.
 
Cô ấy lương khá nhưng làm gì cũng toan tính từng đồng một, chỉ trực để người khác cho, ngay cả những vật dụng cho con cô ấy toàn dùng đồ của hai cháu nhà tôi; một phần do tôi tự bảo vì tính tôi thật, thấy cháu chưa có đồ mà con mình không dùng nữa. Tôi chỉ không thích ở điểm là có những thứ cô ấy tự ý lấy dùng, không có mặt tôi lúc đấy để hỏi mượn thì thôi nhưng khi gặp cô ấy cũng không bảo gì, nghiễm nhiên sử dụng hàng ngày như của mình. Tóm lại, cô ấy cứ dùng đồ của người khác được đến bao lâu thì dùng.
 
Từ ngày về làm dâu, chưa bao giờ dâu thứ dậy sớm làm cơm những ngày giỗ, ngày rằm, mùng một cùng chị dâu và em dâu. Lúc dọn dẹp thì cứ lỉnh lỉnh không biết là đi vệ sinh hay làm gì. Muốn giúp thì người ta phải săn sóc một tý nhưng cô ấy cứ dật dờ, chậm chạp, xúc miệng chắc bằng chúng tôi rửa mấy mâm cơm. Chậm chạp hay nhanh nhẹn là phong cách mỗi người, tôi không quan tâm, làm nhiều hay làm ít không quan trọng bằng ý thức.
 
Biết mình chậm nhưng cô ấy lại hay hóng hớt, ngay cả khi đã có con nhỏ. Ngồi ăn cơm hóng từ đầu bữa đến cuối bữa, không quan tâm chồng đang ôm con cho mình ăn cơm trước, đến nỗi mọi người đứng lên gần hết rồi, cô ấy vẫn ngồi ăn và hóng chuyện với một số người đang uống rượu nên ngồi lâu. 
 
Tính tôi thẳng, muốn chị em có gì bảo nhau, không muốn qua tai người khác nên từng góp ý hai chuyện nhỏ để cô ấy sửa nhưng không được. Bố mẹ chồng sống kiểu “dĩ hòa vi quý”, biết con dâu vô ý thức mười mươi nhưng không dám nói sợ mang tiếng, rồi cứ bảo chúng tôi là anh chị em phải bao dung với nhau. Từ đó tôi nghĩ ông bà là người trên mà còn không nói thì tôi không hơi đâu đi nói. Về chồng dâu thứ, tôi không có gì bình luận bởi chú ấy quá hiền lành, hiền đến mức nhiều khi tôi cảm thấy như cái bị bông, vợ bảo sao làm vậy. Tôi và dâu út cùng thống nhất không góp ý, không bình luận gì dâu thứ với mẹ chồng cho mẹ đỡ khó xử vì bà rất hiền.
 
Có thể mọi người cho rằng tôi là chị mà hẹp hòi, còn em dâu út thì sao, cô ấy cùng suy nghĩ như tôi về dâu thứ. Chúng tôi dù có làm tốt, làm nhiệt tình đến mấy nhưng không bằng dâu thứ “mồm miệng đỡ chân tay”, cô ấy cứ rủ rỉ với mẹ chồng, một câu mẹ, hai câu mẹ, nào là con tu mười kiếp mới làm con dâu mẹ… Thú thực, tôi có thể nấu những món dân gian mà bố mẹ chồng rất thích ăn, mua cho bố chồng những món quà vặt để ông ăn khi uống nước chè, mua tặng mẹ chồng chiếc áo dài đẹp, chiếc áo dạ sang trọng… nhưng cho tiền tôi cũng không thể nói những câu như dâu thứ nói.
 
Thế đấy, nên bố mẹ tôi thậm chí còn nói đỡ cho dâu thứ khi một số người thân trong họ nói về sự vô ý thức của cô ấy. Mọi thứ dồn nén đến một hôm tôi và em dâu thứ to tiếng về một chuyện nhỏ liên quan trực tiếp đến tôi. Tôi bị bất ngờ vì cô ấy là em mà dám to tiếng trước. Cô ấy lu loa như bà bán cá ngoài chợ khiến tôi không kịp nói gì, nói chưa dứt câu cô ấy đã chặn họng tôi để nói không thôi. Bố mẹ chồng chỉ bảo thôi chứ không được câu nào khác. Tôi cho qua không phải vì không thể đáp trả cô ấy mà vì không muốn bố mẹ chồng khó xử, không muốn mọi chuyện đi xa hơn, biết tính em dâu thế rồi tôi tránh xa.
 
Có phải vì cuộc sống khó khăn, vì phải bươn trải nên cô ấy trở nên gai góc, toan tính, sẵn sàng xù lông như con nhím khi cảm thấy có nguy hại đến bản thân? Hay do cô ấy đã được tiêm nhiễm cái quan điểm “khác máu tanh lòng” trước khi về nhà chồng nên lúc nào cũng phải sống vì mình, sống cho bản thân mình trước, tạo cho mình chiếc áo giáp sắt để không ai làm gì được? Với dâu út, dù chị em nói chuyện không hợp, dù cô ấy không khéo mồm, chưa bao giờ biết nịnh nhưng tôi vẫn cảm thấy sự ấm áp, thấy cô ấy sống có tâm cho đại gia đình này. Tôi thấy buồn nhiều hơn là tức giận vì sự vô tâm của dâu thứ.

Nguồn: Theo Vnexpress

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.