Dạy con, đừng rạch ròi đúng-sai, phải-trái

0
100

Một buổi trưa ngồi lướt web trong lúc nghỉ giải lao, chị bạn làm cùng văn phòng bỗng nhiên ủ rũ quay sang hỏi tôi: “Có phải chị lười nhác quá không em?”. Tôi còn đang mắt tròn mắt dẹt, chưa hiểu ý chị là sao thì chị bảo: “Chị thấy trên facebook bạn bè, nhiều người nuôi con giỏi quá! Có người đầu tư cho con đi học ngoại ngữ ở trung tâm lớn từ khi 4 tuổi. Có em bé con một chị khác, mới 5 tuổi đã đọc thông viết thạo rồi. Có bé thì vừa được mẹ post ảnh, lên nhận giải thưởng vẽ của thành phố. Con chị thì ngoan, xinh xắn, khỏe mạnh, cũng biết vẽ và múa hát, đọc thơ nhưng chỉ dừng ở mức “văn nghệ xóm”. Đặc biệt, cháu chưa hề biết đọc biết viết….”. Rồi chị than thở, nghe nói dạy con biết đọc sớm, mẹ phải vất vả kỳ công lắm. Có phải chị lười quá, kém cỏi quá không?

Thấy chúng tôi nói chuyện, một chị khác ở bàn bên cạnh xen vào, hùng hồn phát biểu ý kiến của mình. Chị bĩu môi chê những người đầu tư cho con đi học tiếng Anh ngay từ khi còn nhỏ là “lắm chuyện, tiếng Việt còn ngọng trẹo cả mồm nữa là đua đòi”. Rồi  chị “phán” những người cho con đi thi thố tài năng, hoặc dạy con biết đọc, biết viết sớm là “háo danh”, là “ảo tưởng”, là “sĩ”, là “hâm”… Trong cơn hăng hái quá đà, chị còn kết tội họ đã đánh cắp tuổi thơ của con, đã đem con ra áp đặt cái ước mơ thần đồng gì đó. Cuối cùng, chị cay cú “bồi” thêm, cái câu chuyện về em bé ở gần nhà chị, đọc giỏi, nhớ bài hát và làm tính cực nhanh từ khi 4 tuổi, ai cũng khen thần đồng, mà về sau mới biết đó là … tự kỷ, em bé ấy cuối cùng không thể đến trường vì cứ làm tính xong là lao vào đánh bạn. Chị nói rồi chị ngửa cổ cười sung sướng, hớn hở như vừa lập công trạng và vạch trần tội ác ghê gớm của ai đó…

Tôi nghe, dù không đồng ý cách nói chuyện, chê bai “bạt mạng” đó, nhưng cũng không muốn tranh luận ngay lúc nhiều người ở công ty đang nghỉ trưa nên đành im lặng. Về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi và đành viết những lời này để chia sẻ về quan điểm của mình.

Tôi cho rằng mỗi một đứa trẻ đều có một khả năng, một tính cách khác nhau. Chúng có thể thông minh theo những cách khác nhau, kiểu như con gái tôi có thế mạnh lớn về ngôn ngữ, cháu kể chuyện rất hay nhưng ngồi trong lớp lại rất hay nói chuyện. Khi vẽ, tô màu thì luôn chậm nhất lớp và màu sắc không được hài hòa. Ngược lại, có những đứa trẻ rất thông minh về hình khối, màu sắc nhưng khả năng ngôn ngữ “không lại” được với cái miệng tép nhảy của con tôi! Có lẽ chúng ta đã bị “nhiễm” quá nặng về một tư tưởng giáo dục cào bằng, kiểu như đào tạo ra mọi đứa trẻ đều phải “đều đều hạt đậu” như nhau, nên chúng ta gần như không muốn tin rằng, có rất nhiều đứa trẻ khác biệt và thật sự xuất sắc ở một khía cạnh nào đó. Chúng xuất sắc ở một khía cạnh riêng ngay cả khi chúng ốm yếu, ngốc nghếch trong muôn vàn điều khác.

Thêm nữa, thói quen bắt lỗi mà chúng ta chịu ảnh hưởng từ quan niệm giáo dục cũ khiến chúng ta luôn nhanh nhạy trong việc chỉ ra hạn chế của một đứa trẻ hơn là nói về ưu điểm và mong muốn nó phát huy nhiều hơn ưu điểm của mình. Các thầy cô giáo có thể không nhận ra ưu điểm nổi trội của một đứa trẻ trong đám trẻ “sàn sàn”, bởi vì cô giáo thường lên lớp theo giáo án và đánh giá các con theo tiêu chuẩn đã được kiểm duyệt. Trong những tiêu chuẩn ấy không có những tiêu chuẩn thuộc về cảm xúc, về tinh thần, hay những điều đột phá mà chủ yếu là kiến thức và kỹ năng. Vì vậy, tôi rất cảm phục những bậc cha mẹ hiểu đúng về tính cách và thiên hướng của con, để tạo cơ hội cho con phát triển tốt nhất trong khả năng của trẻ, đồng thời giảm tải đi những áp lực không cần thiết, như cởi bỏ hộ con những “lớp áo” nặng nề, “nóng bức” khi đem so sánh con và bọn trẻ đồng trang lứa.

Quả thật, tôi dị ứng vô cùng, với những người mang quan niệm, tinh thần “mặc kệ”. Kiểu như đi học đã có cô giáo dạy, về nhà cứ mở TV, cho con xem quảng cáo, xem ca nhạc ăn mặc sexy thoải mái, ngôn từ bừa bãi trên mấy chương trình ấy cũng không sao vì “nhà nào chả thế”. Rồi khi thấy người khác đầu tư cho con cái và đạt được thành tựu, lại quay sang chê bai, làm như con cái người khác bị hành hạ, tra tấn tinh thần, chỉ có con nhà mình là được yêu thương, hạnh phúc!

Tôi biết một chị bạn, chị là người có chuyên môn giỏi, đã đi du học và đủ điều kiện định cư ở một nước phương Tây hiện đại, nhưng chị lại quyết định trở về Việt Nam, sinh ra hai đứa trẻ sinh đôi ở đây vì chị bảo, con chị là người Việt Nam, cần phải được nghe tiếng Việt. Đặc biệt hơn, chị đã từ chối rất nhiều lời mời công việc hấp dẫn, chị ở nhà trực tiếp nuôi dạy con cho đến khi hai đứa trẻ sinh đôi tròn 4 tuổi. Trong những ngày ấy, chị đã học hỏi được phương pháp dạy con đọc sách, nhận mặt chữ mà không hề gây áp lực, không hề đày ải, hành hạ con. Chị là một người mẹ sống có kỷ luật với bản thân nhưng chưa từng có 1 lần dùng roi vọt hay nặng lời với con. Hai đứa trẻ lớn lên xinh xắn, giỏi giang, nhưng thú vị là trong 2 đứa trẻ sinh đôi, chỉ có 1 bé phù hợp với chương trình học chữ, còn bé kia thì không. Chị vui vẻ chấp nhận cá tính của con, tiếp tục dạy học cho bé phù hợp, còn bé kia thì dừng lại chương trình học chữ. Thay vào đó, nó được đá bóng, xếp hình và học cách trồng cây. Tôi không nghĩ như vậy là chị “háo danh” hay “sĩ diện” gì.

Trở lại câu chuyện về chị bạn cùng văn phòng với tôi. Tôi cũng không nghĩ chị có gì lười nhác hay ỳ trệ. Con chị – cũng giống con tôi, có thể thích nghe và vui vẻ được với chương trình học ở nhà mẫu giáo như rất nhiều em bé khác. Khi về nhà, tiếp xúc với con, tôi cũng cảm thấy con không có thiên hướng gì quá nổi trội để đầu tư thêm, vậy thì cũng nên vui vẻ mà chấp nhận con mình. Không có lý do gì chúng ta “ném đá” những người mẹ đầu tư thêm cho con, cũng không có lý do gì để tự ti hay nghĩ mình ỳ trệ, hay lạc hậu. Tôi cho rằng, niềm vui của con là quan trọng nhất. Nếu con vui với việc tiếp thu kiến thức nhiều hơn bạn bè cùng trang lứa, thì cũng là điều nên ủng hộ con. Ngược lại, cũng nên công nhận con với những gì vốn có thuộc về con!

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.