Ngày nhỏ, tôi đã hơn một lần tôi nghe thấy những người quanh mình, gồm cả bố mẹ, ông bà,… khuyên nhủ đám trẻ con rằng “học đi, để sau này cố kiếm một công việc nhàn thân, và cho cuộc đời đỡ long đong, vất vả!”. Nhưng cho đến giờ, tôi chưa từng nhìn thấy một công việc nào mà không làm người ta vất vả hay mệt mỏi. Tất cả những gì tôi thấy là con người – hoặc sẽ mệt rã rời về thể xác, hoặc sẽ “bải hoải” về trí óc cho công việc đang nuôi sống họ. Bất kể là họ già hay trẻ, giàu hay nghèo, là người có chức vụ hay chỉ là một nhân viên dưới quyền. Không ai có thể trốn khỏi những nỗi bất an, những điều bất toại, không ai khống chế và làm chủ tuyệt đối được những gì mình muốn và không muốn, bất kể người ta có nhiều tri thức đến đâu, bằng cấp và trình độ dạn dày mức nào. Thế thì vì sao lại phải dạy con trẻ trốn tránh nỗi vất vả, né tránh việc bỏ ra công sức từ lúc bé?
Người ta nói với tôi rằng trình độ chinh phục tự nhiên, làm chủ thế giới của con người ở thời đại ngày nay đã lên cao hơn trước rất nhiều. Nhưng tôi lại thấy càng ngày con người càng giỏi trong việc ỷ lại và né tránh. Người ta sợ vất vả khó khăn, sợ phải bỏ nhiều công sức ra đến độ dạy con cháu mình trốn tránh, vùi đầu vào mớ lý thuyết dông dài. Thay vì biến việc cố gắng, chấp nhận, coi vất vả như một thói quen để bản thân nó không phải là vất vả thì đua nhau “mách nước” về quan niệm thực dụng và ảo tưởng. Tại sao người ta luôn nghĩ rằng phải nói với bọn trẻ về nỗi sung sướng, an nhàn mới khiến cho chúng có lòng đam mê, cố gắng trong học tập? Đó là di chứng lối tư duy bao cấp, hay là sản phẩm của ham muốn đo mọi thứ bằng tiền và quyền lực trên đời?
Vốn dĩ, chất liệu của đời sống là những điều thử thách. Và chinh phục nó cần rất nhiều những công sức, mồ hôi. Tôi thấy sợ hãi và lên án cái cách người ta chưa kịp để cho đứa trẻ trải qua đã dạy nó né tránh và tính toán. Tôi cũng không thích luôn cả cái cách mà người ta nói với bọn trẻ rằng, cần tính toán kỹ lưỡng để công sức bỏ ra đạt hiệu quả cao nhất thay vì “công dã tràng”. Bởi lẽ nếu không dũng cảm “dọn dẹp” cho xong đám công việc vô nghĩa và tẹp nhẹp, thì cũng vĩnh viễn không thể thu xếp đời mình cho gọn ghẽ mà chạm tay vào ước mơ của mình. Đời sống đã có quá nhiều những người chỉ biết ngồi một chỗ kêu ca về chướng ngại mà không chịu đứng lên hành động, không chịu quyết tâm thu xếp những chướng ngại ấy cho gọn lại để rộng đường tiến lên.
Con gái tôi đang bắt đầu tập viết. Một chị bạn đến nhà, nói oang oang lên rằng việc bắt ép trẻ con gò lưng viết chữ đẹp ở bậc tiểu học thật là chẳng đúng đắn gì. Chị cho rằng nền giáo dục của ta nặng nề u ám quá rồi, cần phải bỏ ngay những thứ chỉ làm cho bọn trẻ mất công mà sau này không có hiệu quả gì. Tôi ra hiệu cho chị đừng nói nữa, kéo chị ra ngoài và giải thích rằng con tôi mới bắt đầu tập viết. Tôi nghĩ cháu không đáng phải nghe những lời nói ấy. Bởi vì con trẻ vốn trong trẻo, giản đơn. Chúng không bận tâm đến cái gọi là vất vả, khó khăn. Chúng đang yên ả để chấp nhận cái điều vốn có thì bỗng dưng một người lớn đến và làm cho chúng trở nên xáo trộn. Chị bạn tôi cố giải thích rằng tôi cần phải xây dựng cá tính cho con bé bằng tư duy phản biện. Chị bảo tôi hãy để cho con bé được nhìn vấn đề từ một chiều hướng khác. Tôi buộc phải nói rằng tôi không thể đưa con ra nước ngoài hay theo đuổi một trường tư thục hay quốc tế.
Thay vì nói với con rằng con đang làm việc mất công là gò lưng luyện chữ thì tại sao không nói với con rằng cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng gì, dù ở bất cứ giai đoạn nào đi nữa. Rằng luôn có những điều bất toại, bất thành quây kín lấy ta. Và cách tốt nhất mà ta cần đối phó, không phải là ngồi đó thở than, chê bai và cố công chứng minh rằng mình đáng được hưởng điều tốt hơn. Mà hãy lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ. Có thể không hoàn hảo nhưng đủ để biết là mình đã giữ cho mình yên lặng, cân bằng và đủ bình tĩnh để đi qua những điều lớn lao hơn của cuộc đời bất định luôn ào đến…
Chẳng có cuộc sống nào đơn giản, dễ dàng. Chẳng có lựa chọn nào không gánh gồng theo những giọt mồ hôi, công sức. Thay vì cố công nhồi vào tâm hồn những đứa trẻ thơ rằng nó đang phải đi qua những điều chán ngắt và quan niệm sự thở than, kêu ca ấy là “cá tính”, hãy để cho những đứa trẻ được lặng yên mà đi qua. Dù hôm nay, ngày mai hay khi nào cũng vậy.
Có dũng cảm để đối diện và giải quyết vấn đề mới không bị lạc vào những mớ bi quan, chán nản, mới bình tâm mà đón nhận mọi điều. Thay vì cố sức kêu ca về những điều chưa thể thay đổi được thì cha mẹ hãy nắm tay con trẻ, cho chúng sự bình yên, để chúng được mỉm cười thanh thản ngay cả sau những cố gắng mà nét chữ vẫn không đẹp được như yêu cầu. Chắc chắn là như thế tốt hơn việc phải nói với chúng về lòng bất mãn, để rồi chúng mang thói quen ngồi một chỗ cáu kỉnh và phán xét, mà không biết đến bao giờ chúng mới có thể vượt qua những vướng mắc, khó chịu trong lòng để bắt tay vào những dự định của mình nghiêm túc, chỉn chu.
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.