1. Con cũng có quyền sở hữu riêng:
Tôi đã học cách tôn trọng những món đồ chơi của con từ một người bạn quen. Chị ấy luôn hỏi con xem có thể cho mẹ một vài bộ quần áo cũ, vài món đồ chơi cũ,… của con để tặng các bạn nhỏ khó khăn không? Nếu con không đồng ý, chị sẽ chỉ thuyết phục chứ không bao giờ tự ý mang đi. Khi nhà có khách, chị cũng nói rõ với con về việc các bạn nhỏ đến chơi và món đồ nào con không muốn cho các bạn dùng chung, con phải biết tự mình cất vào ngăn tủ trước khi khách đến. Nếu không, khi các bạn dùng, con sẽ không có quyền khóc lóc hay ngăn cản, và mẹ thì sẽ không thể đứng ra bênh vực được con vì làm thế, mọi người sẽ không muốn đến nhà mình nữa.
Trong một ngôi nhà, có những món đồ vật dùng chung, nhưng cũng có những thứ thuộc quyền sở hữu của một thành viên nhất định. Cho dù đó chỉ là đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi. Đương nhiên, những món đồ riêng ấy cha mẹ mua cho con bằng tiền của cha mẹ, nhưng con cái đương nhiên vẫn có quyền được “sở hữu tư nhân”! Tôn trọng từ món đồ chơi cũ, thậm chí đến đôi tất của con, là bài học đầu tiên cha mẹ cần học để tự nhắc nhở mình cũng như giáo dục con về sự tôn trọng quyền riêng tư của người khác trong mọi việc, và trong suốt cuộc đời của con cái sau này.
2. Nói với con theo cách con hiểu, chứ không phải theo cách cha mẹ muốn:
Nhiều lần, các bậc cha mẹ than phiền rằng: “Nói với con mãi mà bé chẳng chịu nghe”. Thật ra, “nói nhiều lần” là cách tốt nhất để mọi thứ trở nên tồi tệ và việc giáo dục con cái sẽ mang lại tác dụng ngược, chưa kể đến vô số những tác dụng phụ không mong muốn đi kèm.
>>> Xem thêm: Nuôi con “kiểu mới” và cuộc chiến của những bà mẹ cực đoan
Giống như khi tôi luôn dặn con mình phải dọn đồ chơi thật gọn sau khi chơi, nhưng con bé luôn làm ngược lại, nó đá những quả bóng chui tọt vào gầm tủ và dồn đống các thứ còn lại thành 1 mớ, sau đó phủ cái thảm trải sàn lên. Tôi gần như phát điên, không thể chịu nổi và gọi con bé ra hỏi tại sao. Khi con tôi đứng nhìn mẹ đầy vẻ sợ sệt và mếu máo: “Con dọn rồi…”, thì tôi mới hiểu, à, thì ra đối với con tôi, nó nghĩ việc dồn tất cả vào một góc là “dọn dẹp”.
Vậy là tôi bình tĩnh lại, gọi con ra, hướng dẫn từng việc một. Từ việc cho bóng vào ngăn kéo đến việc cất búp bê vào tủ. Từ lần đó, tôi thấy con bé có nhiều tiến bộ trong việc dọn đồ chơi. Mấy hôm trước, thấy chị hàng xóm nhà tôi thường quát con gái mỗi khi chị dắt xe ra cổng. Câu cửa miệng của chị là “đứng gọn vào”, nhưng con chị thường đứng chắn đuôi xe khiến chị không thể lùi được, bị mẹ quát thì lại chạy lên đón đầu mũi xe, cực kỳ nguy hiểm. Tôi nhớ đến câu chuyện “dọn dẹp” của nhà mình và kể cho chị nghe. Hôm sau tôi thấy hai mẹ con nhà họ đỡ to tiếng hẳn, chị bảo con chạy ra chỗ gốc cây bàng đầu ngõ và đứng yên ở đó. Vậy là con bé ngoan ngoãn làm theo. Rõ ràng, cái khái niệm “đứng gọn vào”, “dọn sạch đi” thật mơ hồ với một đứa trẻ con chưa tròn 4 tuổi!
3. Không nói ngay lập tức khi cảm xúc bật lên:
Nhiều người trong số chúng ta luôn nghĩ, con mình thì đương nhiên không cần quá cân nhắc trong lời lẽ. Hoặc số khác cho rằng chỉ cần không văng tục, chửi bậy là đủ. Chúng ta luôn mất rất nhiều công sức để chọn lựa lời lẽ, để không làm mất lòng cấp trên hay đồng nghiệp nhưng với con cái, ta tự cho mình cái quyền thoải mái mà không nghĩ rằng một số lời lẽ nhận xét quá thản nhiên sẽ làm tổn thương con. Và tai hại hơn là tạo cho con thói quen chẳng bao giờ cân nhắc khi nhận xét những người xung quanh.
Tôi đồng ý rằng chúng ta có quyền bày tỏ ý kiến không đồng tình với con về một điều gì đó, nhưng chọn lời để nói với con, thật sự quan trọng hơn cả việc chọn lời để nói với người ngoài. Bởi lẽ, con cái là công trình lớn nhất và quan trọng nhất của người làm cha mẹ. Nói sao cho con biết mình sai mà vẫn mong được cố gắng nhiều hơn, là đặc quyền của cha mẹ. Và nói thế nào thì phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhạy cảm và tình yêu cha mẹ dành cho con. Trong cuộc đời con, đôi khi người ngoài có thể khiến con tổn thương nặng nề, nhưng nếu cha mẹ đã tạo cho con lòng tin vào bản thân từ khi còn rất nhỏ, con sẽ biết hóa giải những cảm xúc tiêu cực trong mình tốt hơn.
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.