Chưa năm nào tình hình xâm nhập mặn ở tỉnh Bến Tre lại khắc nghiệt như năm nay. Nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai, tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng cũng chỉ nhằm “chữa cháy”, chưa thể giải quyết một cách căn cơ…
Nơi nơi nhiễm mặn
Xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề của nạn hạn, mặn. Ông Nguyễn Văn Quí (ngụ ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy) cho biết gia đình ông và các hộ dân ven sông Hàm Luông đang rất lo lắng cho vườn cây ăn trái của mình đang rụng lá, chết trơ vì thiếu nước. “Từ trước Tết Nguyên đán, nước mặn đã bao vây với độ mặn khủng khiếp, không ai dám lấy nước tưới cây, bỏ mặc đất vườn nứt nẻ, cây cối teo tóp dần” – ông Tiến nói.
Hai ấp Khánh Hội Đông và Khánh Hội Tây của xã Tiên Thủy cũng bị hạn, mặn hoành hành. Dưới kênh, đàn vịt xiêm, vịt siêu thịt đang rút cổ nằm co, thở gấp. Trên bờ, những vườn ươm cam giống gồng mình chống chịu nước mặn. Chị Lê Thị Hoa (ngụ ấp Khánh Hội Tây, xã Tiên Thủy) buồn bã: “Thấy cây khô quá nên tôi đành nhắm mắt tưới cho cây chút đỉnh nước bị nhiễm mặn… Hậu quả, gần 20.000 cây cam ươm hột đang đến giai đoạn ghép bo giống bị nổ lá”.
Ngược sang nhánh sông Ba Lai, chúng tôi đến xã Thành Triệu, huyện Châu Thành. Dù nằm cạnh nhà máy nước của Công ty Cấp nước huyện Châu Thành nhưng người dân và ruộng vườn nơi đây khát nước từng ngày. “Bỏ tiền mua cây nước bạc triệu, chỉ mong được xài nước “ổn định”, nào ngờ trước Tết, nước mặn chát, không thể pha trà nói chi đến nấu ăn. Nguyên nhân nước mặn chát là do điểm cấp nước này lấy nguồn nước sông đổ từ nhánh sông Hàm Luông (phía Tiên Tây Vàm) cũng đang bị xâm nhập mặn” – một người dân ở xã Thành Triệu than thở.
Đứng nhìn cây chết
Đợt xâm nhập mặn đang diễn ra khiến 20 cây sầu riêng của gia đình ông Hai Vinh (ngụ xã Tiên Thủy) bị rũ lá chết. Số còn lại đang cháy lá và đổ lá đều khắp vườn. Để cứu vườn sầu riêng, ông Vinh thuê thợ khoan 2 giếng độ sâu 70 m nhưng cả 2 giếng đều bị nhiễm mặn và phèn cao. “Tôi tốn 5 triệu đồng nhưng chỉ biết đứng nhìn cây chết chứ không dám lấy nước tưới. Rất nhiều hộ dân thuê thợ khoan giếng để cứu cây như tôi cũng phải dở khóc dở mếu” – ông Vinh buồn rầu.
Một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn ở huyện Mỏ Cày Bắc cũng đang bị nước mặn xâm thực mạnh, gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Để có nước tưới cây, anh Nguyễn Trung Hiệp (ngụ xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc) chọn cách thuê ghe ngược lên thượng nguồn chở nước ngọt về, lót bạt nhựa chứa trong ao. Mỗi ghe (25 m3) giá 1,2 triệu đồng. Anh Hiệp ước tính để cứu vườn sầu riêng 100 cây và hơn 500 gốc cam, một tuần tưới một lần, mỗi tháng gia đình anh tốn khoảng 5 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, xác nhận toàn tỉnh có trên 10.050 ha lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn, trong đó gần 4.000 ha mất trắng. Riêng cây ăn trái và hoa kiểng chưa thể thống kê được. Để khắc phục, trước mắt tỉnh đã cho nạo vét kênh mương và đắp hàng loạt đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt.
Mất trắng mùa tôm
Trong khi đó, tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, người dân cũng đang gặp khó khăn vì độ mặn nước biển tăng cao nhưng thiếu nước ngọt để điều tiết. Kết quả khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết toàn tỉnh có đến 179 kênh cấp II, cấp III vượt cấp bị bồi lắng, khô kiệt nước. Kinh phí để nạo vét 179 tuyến kênh này cần đến 170 tỉ đồng.
Nhiều người nuôi tôm vùng ven biển thuộc các huyện Hòa Bình và Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu khốn đốn trước tình hình nắng hạn kéo dài làm cho các ao đầm nuôi tôm cạn kiện nước. Để giảm thiệt hại, nhiều hộ buộc phải dừng thả tôm. Dù vậy, không ít gia đình vẫn mạo hiểm lấy nước sông vào ao để cứu tôm bất chấp việc khuyến cáo không hiệu quả vì nguồn nước không bảo đảm độ mặn và ô nhiễm do nắng hạn kéo dài.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, mùa này người dân thả tôm nuôi không nhiều vì trái vụ. Ước tính toàn tỉnh khoảng 2.000 ha, phần lớn diện tích còn lại người dân tập trung cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho mùa chính vụ từ đầu tháng 5 tới.
Ông Trần Văn Giang – nông dân ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau – cho biết dù nhận thấy rủi ro cao nhưng hằng năm, ông vẫn thả nuôi trái vụ với hy vọng nếu trúng mùa thì được giá. “Mùa hạn năm nay quá khắc nghiệt nên thất trắng. Hàng trăm hộ dân trong xã cũng rơi vào tình cảnh như tôi” – ông Giang nói.
Đắp đập để ngăn mặn, giữ ngọt
Trước tình hình hạn, mặn gây thiệt hại nghiêm trọng ở ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ, đề xuất cần tính đến phương án tạm thời là khoan giếng nước ngầm để lấy nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt. Tuy nhiên, ông lưu ý phải kiểm soát chặt việc khoan giếng, tránh làm gia tăng sụt lún và nhiễm mặn tầng nước dưới đất. Trong khi đó, TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khuyến cáo đối với những vùng có khả năng nhiễm mặn thì địa phương nên khuyến cáo nông dân chọn những giống lúa chịu mặn cao, đồng thời bố trí mùa vụ phù hợp, tránh gieo sạ mùa vụ trong thời gian mặn xâm nhập nhiều. “Song song đó, cần triển khai gấp việc đắp đê ngăn mặn, nạo vét kênh mương để khi có nước ngọt đổ về thì trữ nước kịp thời phục vụ sinh hoạt và sản xuất” – ông Bảnh góp ý thêm.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.