Để tránh điều tiếng thị phi nơi công sở

0
113
5 chủ đề không nên nói với đồng nghiệp

Hãy thử làm theo những cách dưới đây, bạn có thể tránh được những sự việc không đáng có ở công sở của mình đấy!

1.Chân thành, trung thực, không sống “hai mặt”

Đừng giả lả, dối lòng với đồng nghiệp. Chân thành quan tâm đến họ một cách vừa phải, không quá thân thiết, cũng không nên quá xa cách, giả tạo. Cố gắng giữ hòa khí, không thân với người này quá, hay xa cách với người kia quá vì dễ gây nên sự đố kị, ganh ghét. Hãy chan hòa, giữ mọi người ở một khoảng cách nhất định để quan tâm, học hỏi kinh nghiệm trong công việc.

2.Tránh xa những mối quan hệ tình cảm “ngoài luồng”

Yêu và tiến tới hôn nhân với một người bạn đồng nghiệp là điều đáng mừng, bởi những người làm cùng nhau có thể hiểu nhau hơn, chia sẻ được những khó khăn của cuộc sống dễ dàng hơn. Tuy vậy, điều đáng nói ở đây là hiện nay ở các công sở, những mối quan hệ tình cảm “ngoài luồng” giữa những người đã có gia đình đang nở rộ. Hãy tránh xa những mối quan hệ như vậy nếu bạn không muốn một ngày nào đó trở thành nhân vật chính trong những câu chuyện tình được thêu dệt bởi các “chị Tám”, “bà Tám” trong công ty! Trên tất cả, bạn không muốn đánh đổi gia đình thân yêu và công việc của mình để đổi lấy những cuộc tình vụng trộm và chớp nhoáng đó chứ?

3.Giữ bình tĩnh

Làm việc ở công sở khiến bạn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề hàng ngày, riêng việc nghĩ cách giải quyết công việc sao cho hiệu quả và vừa ý sếp cũng đã rất đau đầu. Tình trạng dán mặt vào màn hình vài tiếng đồng hồ liền cũng khiến bạn thấy mệt mỏi và stress. Vào những lúc ấy, bạn rất dễ nổi cáu, mất bình tĩnh với đồng nghiệp nếu một trong hai bên chẳng may có những lời nói hay hành động không hay. Bí quyết vào những lúc mất bình tĩnh là hãy xin phép đi vệ sinh và rời khỏi nơi đó nhanh nhất có thể trước khi một cuộc xung đột lớn xảy ra. Hít thở sâu và tỉnh táo nghĩ đến “hậu quả” nếu xung đột nổ ra, chẳng hạn như: hỏng việc, mất đồng nghiệp, mất việc nếu dự án không hoàn thành, v.v… Tìm cách giải quyết sao cho hai bên không quá căng thẳng với nhau là phương án tốt nhất!

4.Hạ bớt cái “Tôi”, hãy nói xin lỗi nếu chính mình là người sai

Đừng chỉ nghĩ rằng mình mới là người đúng, còn kẻ kia thì sai hoàn toàn. Đôi khi chúng ta cần phải hạ bớt cái “Tôi” của mình xuống để thấy ai là người sai trong toàn bộ câu chuyện. Nếu chẳng may chính mình là người gây ra lỗi, hãy thành thật xin lỗi. Dù việc ấy có thể khó khăn nhưng hãy nghĩ đến việc nếu mình  không xin lỗi sẽ gây hậu quả thế nào. Bạn không muốn mình trở thành người đã sai còn bảo thủ trong mắt mọi người chứ? Và chẳng ai còn muốn làm việc với một người cứng đầu, không biết đúng sai như bạn cả?

5.Tránh xa “mạng vỉa hè”

Trong môi trường làm việc căng thẳng, đôi khi bạn muốn dành thời gian để tâm sự, nói chuyện với mọi người cho vơi bớt mệt mỏi. Nhưng hãy giữ cho mình một giới hạn nhất định, chuyện riêng tư nên tránh đề cập đến, và nên lên giới hạn cho mình. Chẳng hạn như lên dây cót cho một cuộc nói chuyện dài khoảng 2- 3 phút, đủ để hỏi han tình hình chung về công việc, cuộc sống. Tránh “nói dai, nói dài thành ra nói…dại”, thành ra những chuyện riêng tư lôi ra nói tuốt tuột để rồi ngày hôm sau, chúng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên “mạng vỉa hè” của công ty. Tránh đem chuyện vừa được nghe nói hay kể lại cho những đồng nghiệp khác. Thói “ngồi lê đôi mách” chính là một trong những thói xấu nhất, dễ gây hậu quả xấu nhất trong môi trường công sở. Giải pháp ở đây là hãy: “nói ít, nghe nhiều, làm tốt việc của mình”, không “buôn dưa lê, bán dưa chuột”.

 Quỳnh Mai

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.