Cà rốt: Cà rốt Trung Quốc có vẻ ngoài bóng loáng, không hằn vằn, củ nào củ nấy cũng to đều như nhau. Thông thường không có cuống hoặc đầu bị thâm đen.
Cà rốt Việt Nam củ nhỏ, màu cam đậm, hằn vân rõ ràng, phần cuống còn xanh và nguyên.
Hành tây: Hành tây Đà Lạt có củ to, vỏ lụa ngoài màu trắng, dễ bị trầy xước. Trong khi hành tây Trung Quốc có vỏ ngoài màu vàng, tím, hoặc trắng bóng. Có hình dạng tròn đều hoặc hình bầu dục.
Bí đỏ: Bí đỏ Trung Quốc có trọng lượng lớn gấp 2-3 lần bí đỏ Việt Nam, thường dạng dài, vỏ bóng và trơn đẹp. Bí đỏ Việt Nam có nhiều loại, đủ mọi hình dạng như tròn đều, bầu dục, hồ lô. Thường có vỏ sần sùi và không trơn bóng.
Súp lơ: Súp lơ Trung Quốc thường có màu xanh đậm hơn súp lơ Đà Lạt, các múi to hơn. Hình chụp cho thấy súp lơ Trung Quốc đã để 26 ngày nhưng vẫn tươi xanh, trong khi súp lơ Đà Lạt mới chỉ 2 ngày đã có dấu hiệu chuyển sang màu vàng.
Bắp cải: Bắp cải Trung Quốc được bảo quản trong túi lưới, hình dạng tròn đều và nhỏ bằng khoảng bằng hai bàn tay, phần lá xoắn nhiều và màu xanh đậm hơn so với bắp cải thông thường. Bắp cải Việt Nam to và có màu trắng, các lá bắp cải xếp lớp khít vào nhau tạo thành khối lớn.
Cà chua: Cà chua Trung Quốc thường to hơn hẳn, không có cuống và bóng đều, màu dù có đậm hơn nhưng sờ vào vẫn thấy cứng. Cà chua Việt Nam đủ mọi hình dạng, trái to trái nhỏ không đều nhau. Trái đỏ thường hơi mềm và bao giờ cũng còn cuống.
Khoai tây: Khoai tây Trung Quốc kích cỡ đều, củ to và dài, mắt củ sâu, vỏ trơn bóng, ít bị trầy xước. Khoai tây Đà Lạt củ tròn, mắt củ cạn, vỏ mỏng, dễ bị trầy xước.
Gừng: Gừng Trung Quốc có vỏ trơn bóng, trông mọng nước và có màu hơi vàng. Khi cắt theo sớ ngang sẽ thật dễ dàng vì ít xơ, củ thường rất to. Gừng Việt Nam có màu sẫm, củ nhỏ, trông xấu xí không đẹp mã như gừng Trung Quốc. Tuy nhiên, gừng Việt Nam rất thơm, có thể ngửi thấy mùi mà không cần phải cắt.
Hành: Hành Trung Quốc củ tròn và to đều. Một củ thường chỉ có một tép tròn đều, khi cắt ra không có vị cay nồng, khi phi lên không có mùi thơm. Hành thường có màu tím mờ, không đậm màu bằng hành Việt Nam. Trong khi đó, hành Việt Nam củ dài. Một củ có hơn một tép, khi cắt cay nồng, khi phi mùi rất thơm, vỏ hành thường dày hơn hành Trung Quốc.
Tỏi: Tỏi Trung Quốc củ rất to, màu trắng hơi vàng, dễ bóc. Tỏi Việt Nam thường có củ nhỏ, vỏ ngoài màu trắng hoặc nâu tím, khó bóc.
Khi bóc ra thì tỏi Trung Quốc có ít tép và tép khá to. Còn tỏi Việt Nam thì nhiều tép và tép nhỏ. Tỏi Trung Quốc thường có vị hăng, the, ít thơm. Tỏi Việt Nam có vị the, có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng. Riêng tỏi Lý Sơn có mùi thơm dễ chịu, ít có vị cay nồng.
Dâu tây: Dâu tây Trung Quốc quả to, có độ đồng đều cao, mềm, quả cứng, nhẵn mịn. Chín đều, màu đỏ sậm cả quả. Không có mùi thơm. Dâu tây Trung Quốc có màu sắc rất đỏ, thậm chí như hàng nhuộm. Phần lá phủ trên cuống quả rất mướt, phủ đến hơn 1/3 trái dâu và có màu xanh đậm, to, phủ lên thân quả khả nhiều.
Dâu tây Đà Lạt quả to, quả nhỏ không đồng đều, nhiều hình khối khác nhau, trong đó có loại quả còn hơi dài (giống từ Pháp về). Dâu tây Đà Lạt quả sáng, màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ nhưng không đều nhau giữa các quả, phần gần cuống màu hơi trắng. Phần lá phủ trên cuống trái dâu Đà Lạt mỏng, ngắn và có màu xanh nhạt. Quả dâu tây Đà Lạt ,mềm, dai, chua thanh và có mùi thơm rất đặc trưng.
Dâu tây Đà Lạt gốc thường không sử dụng loại thuốc bảo quản nào, do đó không thể để được lâu, chỉ dùng trong 2-3 ngày ở nhiệt độ 15 độ C. Còn nắng hanh thì một ngày dâu đã héo cuống và thâm. Trong khi đó dâu Trung Quốc để ở điều kiện bình thường (25 – 32 độ) thì 7 – 10 ngày vẫn còn tươi.
Nguồn: Theo Pháp Luật
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.