Tôi quen anh khi còn đang học đại học ở Hà Nội. Tôi là gái tỉnh lẻ nhưng sống ở thành phố từ khi mới sinh ra. Mọi thứ với tôi đều mới lạ, tò mò. Anh quê ở Quảng Ngãi. Quen anh trong một lần giao lưu hai lớp học. Anh theo học trường Kỹ thuật Quân sự, còn tôi học Sư phạm. Hai trường khá gần nhau nhưng có sự khác biệt về giới rõ rệt. Lớp tôi toàn là gái còn lớp anh chủ yếu là nam.
Anh hơn tôi 4 tuổi nhưng lại chỉ học trên có 2 khóa. Mới đầu chỉ chuyện trò bạn bè vậy thôi, anh có ý tán tỉnh nhưng tôi vẫn cứ tỉnh bơ, cố ra vẻ “cành cao” dù đã có ý thích lắm rồi.
Ra trường, tôi xin được vào một trường cấp 2 trong thành phố, anh cũng được phân công tác ở Thủ đô luôn. Cơ hội đến, lâu lâu anh lại “alo” rủ đi chơi, chuyện trò và yêu lúc nào không hay.
Kỷ niệm những ngày bên anh có nhiều nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là lúc tôi về nhà anh làm dâu ngày đầu tiên.
Ngày đám cưới diễn ra, sau khi tiếp khách bia rượu, ăn uống linh đình, tối đó tôi định dọn dẹp lại nhà cửa để ra dáng “dâu đảm” lấy lòng bố mẹ chồng. Thế nhưng, sự việc bất ngờ diễn ra vào tối đó khiến tôi đến bây giờ vẫn còn run rẩy chân tay và xấu hổ vô cùng.
Lúc đó, vừa bước vào gian nhà kho ngay cạnh bếp, tôi chết đứng khi thấy hai cái quan tài đặt ngay giữa phòng. “Mặt cắt không ra máu”, tôi la hét ầm ĩ ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi phòng.
“Mặt cắt không ra máu”, tôi la hét ầm ĩ ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi phòng
Cả nhà chồng thấy vậy chạy ra sân. Chồng tôi đến bên đỡ lấy tôi trong khi tôi ngồi thụp xuống thở hổn hển, run sợ. Anh hỏi tôi có chuyện gì mà hét ầm lên như thế. Tôi ú ớ bảo “có… có hai cái quan tài trong kia anh ơi”.
Mẹ chồng, bố chồng, anh chị em chồng cứ thế cười ngặt nghẽo bảo tôi đi tắm rửa nghỉ ngơi rồi “mẹ giải thích”.
Tối đó, sau khi cả nhà ăn uống xong ra gian giữa (ở quê, gian giữa cũng giống như phòng khách) ngồi xem phim nói chuyện. Mẹ chồng tôi bảo con còn phải tìm hiểu tập tục ở đây nhiều. Nhà mình ông bà gốc là người dân tộc H’re. Người H’re có phong tục: con cái muốn tỏ lòng hiếu thảo với ba mẹ thì anh em trong gia đình sẽ cùng nhau làm hai cỗ quan tài để biếu khi họ bước sang tuổi 40.
Tập tục này mang hàm ý tỏ lòng biết ơn với ba mẹ đã nuôi mình khôn lớn, cầu mong cho ba mẹ sống lâu hơn. Khi con cái tự tay làm quan tài biếu ba mẹ thì một phần sức khỏe, sức lực của con cái được truyền sang cho bậc sinh thành, giúp họ khỏe mạnh lạ thường.
Và hai cái quan tài đó là bố mẹ chồng tôi làm để biếu ông bà nội chồng tôi. Đến lúc này tôi mới vỡ lẽ. Tối đó, tôi bảo chồng sao có tập tục thế mà không kể cho tôi nghe, để tôi được phen chết khiếp, xấu hổ giữa sân nhà thế.
Chồng tôi cười bảo, để thế mới thú vị, kể ra hết thì tôi làm gì còn hứng thú tìm hiểu phong tục quê chồng nữa. Đến giờ, sau 2 tuần 3 ngày làm dâu ở xứ Quảng, tôi vẫn còn tim đập chân run mỗi khi nhớ lại đêm tân hôn đặc biệt đó.
Nguồn: Theo PNN
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.