Đèn diệt khuẩn đa năng

Không chỉ khử khói, khử khuẩn, loại đèn do Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm Điện năng và Dung dịch Hóa, Điện hóa Hà Nội chế tạo còn có thể diệt khuẩn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm cho biết loại đèn này đang được Công ty cổ phần sản xuất điện tử Thành Long (Bắc Ninh) ký kết hợp tác sản xuất. Dự kiến cuối năm nay được tung ra thị trường.

Thách thức các loại vi khuẩn

Loại đèn diệt khuẩn này, thực chất là sự kết hợp đèn LED và chất nano ô-xit titan. Tiến sĩ Khải, tác giả nghiên cứu sản phẩm cho biết, ở cực âm đèn LED (đi – ốt phát sáng) ông gắn thêm chất nano ô-xit titan, chất này có chức năng cung cấp ô-xy. Theo kết quả nghiên cứu, với loại đèn công suất 3W, trong một giây có thể cung cấp 10 triệu phân tử ô-xy/cm3. Lượng o-xy này có thể làm đứt mạch hữu cơ của các loại vi khuẩn, virus và tiêu diệt chúng. 

Đèn diệt khuẩn đa năng đang được sản xuất.

Giải thích thêm về cơ chế diệt khuẩn từ loại đèn này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Sung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Hóa học (Viện KH – CN Việt Nam) cho rằng bản thân chất ô-xy không có khả năng diệt vi khuẩn, virus. Nhưng khi chất ô-xy gặp điện áp cao sẽ chuyển hóa ô-xy trong không khí thành chất ozon (O3). Chất ozon này có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu đều cho thấy chất ô-zôn cũng có tác dụng khử mùi, khử khói, làm sạch không khí.

Theo Tiến sĩ Khải, đây là loại đèn đầu tiên sản xuất tại Việt Nam có tác dụng làm sạch môi trường. Ngoài ra, loại đèn LED còn có hiệu suất phát quang cao. So với loại đèn có cùng công suất, đèn LED có độ tỏa sáng gấp khoảng hai lần, vì vậy, rất tiết kiệm điện năng. Với một bóng đèn LED có công suất 1,5W, thắp trong 600 giờ (tương đương 25 ngày) tiêu thụ hết một kWh điện. “Tính ra để thắp sáng bóng đèn cả tháng mới gần bằng giá trị một điếu thuốc vinataba. Tuổi thọ của chúng cũng có thể lên tới 50 -100 nghìn giờ”, Tiến Sĩ Khải nói.

“Bén duyên” với doanh nghiệp

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho biết ngoài tác dụng diệt khuẩn, đèn LED còn có thể có nhiều màu nhờ các chất huỳnh quang phát xạ ánh sáng. Vì vậy, có thể dùng vào mục đích trang trí, diệt mùi, diệt khuẩn.

Sản phẩm này được Tiến sĩ Khải áp dụng thử nghiệm tại nhiều địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận… Ngoài ra đèn LED diệt khuẩn còn được thắp sáng tại một số trang trại nuôi gia cầm ở Vĩnh Phúc nhằm tiết kiệm điện và diệt khuẩn lạ.

Tháng 6/2007, ông Hoàng Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất điện tử Thành Long (Cụm công nghiệp Hạp Lĩnh, Bắc Ninh) tìm đến hợp tác, sản xuất loại đèn trên. Sau gần hai năm triển khai, dây chuyền công nghệ sản xuất đèn được hoàn thành và đi vào hoạt động. Ông Hoàng Minh Đức cho biết dây chuyền công nghệ này có công suất 300 đèn một ngày. “Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra sản phẩm đầu tiên vào những ngày đầu mùa mưa bão năm nay”, ông Đức cho biết.

 

Theo Báo Đất Việt