Di tích lịch sử văn hoá đền Phúc Khánh nằm trong quần thể di tích thành cổ Nghị Lang, một kiến trúc thời Lê – Mạc thờ các chúa Bầu (Vũ Văn Mật và các con cháu). Năm 2002, di tích thành cổ Nghị Lang được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Tương truyền rằng: Vào thời nhà Mạc thay nhà Lê, hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật quê ở xã Đông Ba, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc), tỉnh Hải Dương lánh nhà Mạc lên vùng Bảo Yên xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc bảo vệ biên cương và chống lại quân nhà Mạc. Vũ Văn Mật đã cùng các con cháu tích cực xây luỹ, đắp thành, chiêu mộ quân sỹ chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương và xây dựng Bảo Yên ngày nay thành một vùng trù phú. Sau này, để ghi nhớ công ơn các chúa Bầu, nhân dân đã lập đền thờ tại đồi Tấp. Trải qua thời gian với nhiều biến động của lịch sử, những bức tường thành đã sụt lở, mọi kiến trúc bên trong thành cũng như ngôi đền Phúc Khánh gần như bị phá huỷ hoàn toàn, vết tích của đền còn lại rất ít.
Năm 2006, di tích lịch sử văn hoá đền Phúc Khánh được trùng tu tôn tạo và được xây dựng trên nền đất cũ theo kiến trúc thời Lê – Mạc; các bộ vì mái được làm bằng gỗ dạng chồng rường giá chiêng, tam quan ngoại xây dựng dạng tứ trụ truyền thống, các đỉnh trụ đắp phượng và nghê chầu, tam quan có kiến trúc 1 gian 2 chái chồng diêm, thềm và bậc bằng đá có rồng cuốn, chân cột kê đá tảng có chạm khắc hoa văn đời nhà Mạc.
Đền Phúc Khánh được trùng tu tôn tạo và xây dựng theo kiến trúc thời Lê – Mạc
Di tích lịch sử văn hoá đền Phúc Khánh đang mở ra hướng phát triển du lịch cho huyện Bảo Yên, đón du khách mọi miền trong nước đến dâng hương, tham quan vãn cảnh và khám phá những nét đặc trưng văn hoá đặc sắc về vùng đất giàu truyền thống cách mạng.