Hội An có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh làm say lòng người, đi vào trong thơ ca, nhạc họa. Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Đến Hội An mà chưa ghé thăm chùa Cầu thì coi như chưa đến.
-
1
Lịch sử xây dựng chùa Cầu
Chùa Cầu là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17 nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là cầu Nhật Bản.
Theo truyền thuyết, ngôi chùa được xem như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía bắc, nhô ra giữa cầu nên từ đó người dân địa phương gọi là chùa Cầu. Đây là công trình kiến trúc duy nhất được coi là có gốc tích Nhật Bản còn lại.
-
2
Kiến trúc, điêu khắc
Nằm ở đoạn tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, chùa Cầu có kiểu kiến trúc thật đặc biệt mang đậm nét Việt, mái ngói âm dương phủ kín cây cầu bằng gỗ dài khoảng 18m. Trên cửa chính của ngôi chùa cổ kính này có một tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Đó là do vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu khi thăm Hội An thấy chùa Cầu đặc biệt nên đặt tên chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa “bạn phương xa đến”. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp.
Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Chùa và cầu đều làm bằng gỗ, sơn son và chạm trổ nhiều họa tiết rất công phu, hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái, thờ tự từ xa xưa (cũng có thể xuất phát từ ý nghĩ cây cầu xây từ năm thân đến năm tuất mới hoàn thành).
-
3
Chùa Cầu -di sản văn hóa dân tộc
Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Cùng với chức năng điều tiết giao thông, thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong khu phố cổ, chùa Cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng có liên quan đến truyền thuyết về việc trấn yểm thủy quái, thủy tai. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất sáu lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Hình ảnh chùa Cầu có trên tờ tiền 20.000 đồng bằng polymer của Việt Nam.