Những ngày này, thời tiết luôn ở mức 38-40 độ C gây khó khăn trong sinh hoạt. Đó là chưa kể đến việc, thời tiết nắng nóng rất dễ dẫn đến chứng đột quỵ. Việc một số người chủ quan, không cung cấp đủ nước cho cơ thể hoặc không che chắn cẩn thận khi đi ngoài trời nắng rất dễ xảy ra tai biến, đột quỵ do nắng nóng thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng.
Cụ thể như ngày 1/7, một phụ huynh đưa con đi thi ở địa điểm thi THPT Quốc gia tại Thái Bình đã tử vong do đột quỵ vì nắng nóng. Mặc dù khi có dấu hiệu đột quỵ, mọi người đã đưa tới bệnh viện nhưng nạn nhân đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Còn chị Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) mấy ngày nay đứng ngồi không yên. Bởi vì gia đình chị sống cùng mẹ chồng, trong khi mẹ chồng bị cao huyết áp. Với thời tiết nắng nóng 40 độ C lại sống trong căn hộ tập thể cũ, không khí để thở rất ngột ngạt nên chị rất sợ sẽ xảy ra tình trạng đột quỵ với mẹ chồng. Thêm vào đó, ban ngày, con cái cùng vợ chồng chị Giang đều đi học, đi làm chỉ có mỗi bà cụ ở nhà.
“Cao huyết áp thì không ai còn lạ gì nữa, chứng bệnh này có thể diễn tiến bất ngờ. Đặc biệt khi lạnh quá hoặc nắng quá đều rất sợ. Mấy hôm nay tôi phải dành thời gian đưa mẹ chồng đến viện khám để bác sĩ kê đơn hoặc hướng dẫn cách phòng tránh đột quỵ. Thêm vào đó, tăng cường uống các loại nước mát, giữ tinh thần thoải mái để tránh tai biến”, chị Giang nói.
Với tính chất công việc ship hàng cho các shop online, anh Nam (Nam Trung Yên, Hà Nội) cũng được phen hú vía khi cơ thể mệt lả sau khi giao hàng trở về. Anh Nam cho hay, khoảng 13h30′ trưa, thời điểm nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 45-46 độ C, anh đi ship hàng cách nhà 20km. Mặc dù đã che chắn cẩn thận nhưng do quãng đường đi quá xa, không mang nước uống kèm theo người nên anh xuất hiện triệu chứng đau đầu, khó thở, mệt mỏi.
“Khi thấy như vậy, may tôi đã cho xe vào bóng râm nghỉ ngơi một lúc. Nếu mà gắng đi nữa, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”, anh Nam nói.
Theo thống kê, cứ mỗi 45 giây trôi qua, trên thế giới lại có ít nhất một người bị đột quỵ và cứ 3 phút thì có một người tử vong do bệnh này. Ở nước ta, trong số 200.000 ca đột quỵ mắc mới mỗi năm, có đến 50% tử vong. Bên cạnh đó, có đến 90% bệnh nhân sau đột quỵ mắc các di chứng về vận động, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ…
Tình trạng đột quỵ do nắng nóng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể lên dến 40 độ C. Điều này thường xuất phát từ việc cơ thể tiếp xúc lâu với nắng nóng, làm việc dưới trời nắng hoặc nơi có nhiệt độ cao trong lò luyện kim, lò nung…khi độ ẩm cao, môi trường xung quanh kém thông thoáng. Tình trạng này có thể gặp với người có tiền sử huyết áp cao, có bệnh tim, phổi…hoặc những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em.
Triệu chứng đột quỵ do nắng nóng như vã mồ hôi, đau đầu, mặt đỏ tía, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt, chóng mặt, sốt hơn 400 độ C, mạch nhanh…Có người còn bị tụ máu, nặng hơn sẽ bị mê sảng, co giật, hôn mê. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Phòng đột quỵ do nắng nóng
Vào những ngày thời tiết với nhiệt độ cao cần chú ý đề phòng chứng đột quỵ. Cần tránh làm việc, ra ngoài nắng nếu không cần thiết vào khung giờ nắng nóng nhất lúc 10h sáng đến 3h chiều. Nếu phải ra ngoài hoặc làm việc cần có áo chống nắng, khẩu trang, khăn che mặt, đội mũ nón cẩn thận. Thường xuyên bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Làm việc những ngày nắng nóng không nên gắng sức. Khi thấy mồ hôi ra nhiều cần dùng khăn lau, vào chỗ râm nghỉ ngơi. Khu vực làm việc nên đảm bảo thoáng khí, sạch sẽ. Ăn uống đầy đủ, đặc biệt không được nhịn ăn nhất là bữa sáng.
Khi ngồi ở phòng điều hòa có nhiệt độ thấp, không nên xộc thẳng ra bên ngoài mà cần đi từ từ. Hoặc tắt điều hòa trước đó một lúc sau đó mới ra ngoài. Đặt nhiệt độ của điều hòa ở mức không quá chênh lệch với môi trường bên ngoài.
Đông Ngân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.