Vợ chồng bạn sẽ ra sao hậu sinh em bé?

Vợ chồng bạn sẽ ra sao hậu sinh em bé?

Bước chuyển từ trạng thái vợ chồng son sang cha mẹ trẻ có thể rất thú vị nhưng cũng không kém phần cam go và nhiều thử thách. Trước khi quyết định sinh em bé, có lẽ điều bạn cần phải cân nhắc kỹ không chỉ là tình hình tài chính, hoàn cảnh sống, tuổi tác và sức khỏe mà còn cả tình trạng mối quan hệ của hai vợ chồng nữa. Dưới đây là những vấn đề lớn, phổ biến nhất có thể tác động đến với tình cảm vợ chồng hậu sinh em bé và cách giải quyết:  

1. Khối lượng công việc nhà

Điều đầu tiên mà bạn cần biết là: sau khi em bé ra đời, khối lượng công việc nhà sẽ tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba trước đây. Nếu không thể nhờ người thân nào trong gia đình hỗ trợ và cũng không thể thuê người giúp việc, tất cả gánh nặng này sẽ dồn hết lên vai hai vợ chồng bạn. Đây là lúc vấn đề xuất hiện. 

Vợ chồng bạn sẽ ra sao hậu sinh em bé?

Không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể giải quyết được vấn đề này một cách trót lọt. Trên thực tế, theo thời gian, nhiều cô vợ trẻ sẽ bắt đầu thấy hậm hực với chồng vì có cảm giác mình đang bị bỏ rơi.

Có thể bạn vẫn biết chồng mình vụng về và bận rộn từ xưa đến giờ, nhưng khi em bé đã ra đời, ấn tượng này sẽ càng trở nên sâu sắc hơn. Sự biến đổi tâm sinh lý hậu sinh con kết hợp với nỗi phiền muộn và bực dọc vì phải chăm lo quá nhiều công việc gia đình sẽ khiến bạn trở thành “cơn ác mộng” trong mắt ông xã. Một khi căng thẳng giữa hai người đã leo thang, chuyện cãi vã, xung đột là không thể tránh khỏi.

Cách giải quyết vấn đề:

Đàn ông thường vụng chuyện nhà cửa, bếp núc và cũng không giỏi đoán ý vợ. Vì vậy, nếu bạn không muốn ôm hết công việc nhà cùng một “cục tức” thì hãy sớm bàn chuyện phân chia công việc với chồng. Hãy liệt kê những công việc cần làm trong ngày lên một miếng giấy và dán cả trên cửa tủ lạnh lẫn cửa ra vào phòng ngủ. Ngoài ra, đừng quên thể hiện thái độ cảm kích với chồng mỗi khi anh làm việc gì đó giúp bạn. Chăm sóc một bà mẹ trẻ và một em bé chưa bao giờ là việc dễ dàng, kể cả với các chuyên gia, vậy nên hãy cho ông xã thấy là bạn ghi nhận sự cố gắng của anh. Mối quan hệ của hai bạn sẽ bớt đi nhiều phần căng thẳng.

2. Mâu thuẫn phương pháp nuôi dạy con

Mâu thuẫn phương pháp nuôi dạy con chắc chắn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rạn nứt tình cảm của một cặp đôi trẻ. Có thể trước khi sinh bé bạn đã bàn bạc rất kỹ với chồng để có sự thống nhất trong việc nuôi con, nhưng thực tế sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà bạn không thể ngờ tới được. Đó là lúc rất cần đến sự cảm thông và nhẫn nại.

Vợ chồng bạn sẽ ra sao hậu sinh em bé?

Có thể bạn ủng hộ triết lý giáo dục hướng trẻ sống độc lập nhưng ông xã lại không thể “dằn lòng” được khi nghe tiếng con khóc vào đêm. Có thể bạn muốn tập cho con sống kỷ luật ngay từ thuở mới lọt lòng nhưng ông xã lại muốn để con thoải mái đùa nghịch và không sinh hoạt theo giờ giấc cố định. Bên nào cũng có lý lẽ của mình và bên nào cũng cho là phương pháp của mình tốt hơn, dĩ nhiên là những cuộc cãi vã sẽ nổ ra và mỗi ngày của hai vợ chồng bạn đều sẽ là một cuộc chiến.

Cách giải quyết vấn đề:

Không gì hơn là tập đặt mình vào vị trí của người kia. Thay vì cố gắng tranh cãi và khăng khăng giữ lấy ý của mình, hãy làm việc đơn giản hơn là hành động để chứng minh cho nhau thấy.

Hai bạn hãy tráo đổi vị trí cho nhau trong vài ngày và thử áp dụng phương pháp giáo dục con của người kia để có cái nhìn rõ ràng hơn. Có thể bạn sẽ phải bất ngờ vì việc để con tự do chơi đùa lại giúp bạn rảnh rang hơn và ông xã sẽ phải đồng ý rằng không vội vã ôm con lên khi bé khóc sẽ giúp bé cứng cỏi hơn.

Với những vấn đề quan trọng hơn, có liên quan trực tiếp tới dinh dưỡng và sức khỏe của bé, hai bạn càng không nên mất thời gian cãi cọ mà hãy cùng nhau tới gặp bác sĩ chuyên khoa nhi. Sau khi nghe tư vấn từ bác sĩ, hai bạn có thể thảo luận lại một lần nữa để thống nhất với nhau cách chăm sóc bé.

3. Tình dục

Chắc chắn là việc có con nhỏ sẽ tác động lên đời sống tình dục của các cặp vợ chồng trẻ và không phải lúc nào hai người cũng có thể tìm thấy tiếng nói chung trong chuyện này.

Khối lượng công việc khổng lồ cộng với áp lực tâm lý sau khi có con sẽ dễ dàng lấn át đi cảm xúc tình dục trong bạn. Tất nhiên là bạn vẫn yêu chồng/vợ mình và vẫn sung mãn thể lực để làm “chuyện ấy”, vấn đề là bạn không còn tâm trạng nữa.

Cách giải quyết vấn đề:

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải sắp xếp được thời gian cho chuyện “yêu”. Chúng ta thường thấy việc lên lịch trước cho chuyện giường chiếu là rất hài hước, nhưng đó lại là biện pháp tốt nhất cho những cặp đôi bận rộn hoặc mới có con nhỏ.

Bước thứ hai là “khuấy động” bầu không khí bằng cách đổi mới một vài thứ. Đã kết hôn và sinh con không có nghĩa là bạn không được mua thêm một chiếc váy ngủ gợi cảm hơn, thì thầm những lời đầy “khiêu khích” với ông xã,… Một khi bạn đã lên lịch cho việc ái ân, đừng quên chuẩn bị thật tốt cho công đoạn “khuấy động” trước đó.

Bước thứ ba và cũng là bước quan trọng nhất: hãy đảm bảo rằng em bé của bạn đã ngủ say trước khi hai bạn làm bất cứ “hoạt động riêng” nào. Một tiếng khóc của con sẽ nhanh chóng kéo cảm hứng tình dục của hai bạn xuống 0.

4. Thời gian riêng cho vợ chồng

Sau khi sinh em bé, vì coi như việc tất yếu, nhiều cặp đôi sẽ mặc nhiên biến thời gian dành riêng cho nhau thành thời gian dành cho gia đình. Hai người vẫn luôn bên nhau nhưng không còn là ở một mình và điều đó có nghĩa là sự lãng mạn vốn gắn liền với riêng tư sẽ biến mất. Về lâu dài, hai bạn sẽ không còn những thói quen của thời vợ chồng son và sẽ mất dần khả năng thấu hiểu, đồng cảm với nhau.

Vợ chồng bạn sẽ ra sao hậu sinh em bé?

Cách giải quyết vấn đề:

Thứ nhất, rõ ràng là hai bạn phải tìm lại khoảng thời gian dành riêng cho nhau. Hãy “tái tổ chức” những cuộc hẹn hò như thể hai bạn vẫn còn là cặp tình nhân chưa cưới. Nói hẹn hò không có nghĩa là vợ chồng bạn phải hẹn nhau ra quán cà phê, quán bar hay đến rạp xem phim. Tất nhiên là giờ đây bạn không thể còn nhiều thời gian như vậy. Hẹn hò chỉ đơn giản là hãy sắp xếp 15 đến 30 phút ngồi xuống bên cạnh nhau ở một nơi bên ngoài ngôi nhà, cùng ngắm cảnh và trò chuyện. Trong những giây phút ấy, hai bạn có thể tạm ngưng nói về em bé. Hãy tâm sự với nhau chuyện công việc, chuyện bạn bè và những mong muốn của riêng mỗi người cho cuộc sống chung.

Thứ hai, bạn nên tạo ra những khoảng “lặng” cho riêng mình. Bạn đã vất vả và phải chịu nhiều áp lực, vì vậy, thỉnh thoảng bạn xứng đáng được “ích kỷ”. Đừng tự cảm thấy mình là bậc phụ huynh tồi tệ khi rời con ra trong một vài giờ đồng hồ. Khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nên được xem như một món quà cho cả thể xác lẫn tinh thần bạn. Hãy bàn bạc với chồng để mỗi người đều duy trì được những hoạt động riêng của mình sau khi em bé ra đời. Với tâm trạng thư thái và hạnh phúc, bạn mới là người mẹ tốt đích thực của con mình.

5. Ông bà nội của bé

Đây là “vấn đề” lớn của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ. Chắc chắn là ông bà nội sẽ muốn ở bên cạnh em bé không kém gì vợ chồng bạn và sẽ muốn góp ý về cách chăm sóc cháu. Điều đáng nói là không phải lúc nào tư tưởng, phương pháp của ông bà và của hai bạn cũng hòa hợp với nhau. Nếu vợ chồng bạn còn sống chung nhà với ông bà, “vấn đề” sẽ càng phức tạp hơn.

Cách giải quyết vấn đề:

Giải pháp duy nhất ở đây là vạch ra giới hạn. Tất nhiên là bạn phải hiếu thuận và kính trọng cha mẹ, nhưng đồng thời bạn cũng có quyền nói “không”. Nếu ông bà có những “can thiệp” mà bạn cảm thấy không cần thiết và thậm chí còn phản khoa học lên em bé, hãy thẳng thắn từ chối ngay từ đầu. Đừng cố nhẫn nhịn và nhắm mắt làm ngơ vì để càng lâu thì bạn sẽ càng khó mở lời hơn. Hãy tỏ ra lễ độ nhưng cứng rắn.

Nếu bạn không thể thẳng thắn trao đổi với ông bà, hãy đề nghị chồng làm việc đó. Tất nhiên là ông bà sẽ thấy khó chịu với hai bạn lúc ban đầu, nhưng nếu bạn chứng minh được phương pháp nuôi con của mình là đúng qua thời gian thì ông bà chắc chắn sẽ bỏ qua. Dù sao thì cuộc “xung đột” giữa vợ chồng bạn với ông bà cũng là vì một mục đích chung: mang lại điều tốt đẹp nhất cho em bé.

Nếu cả hai vợ chồng bạn đã cố hết sức mà vẫn không thuyết phục được ông bà, hãy để một chuyên gia làm việc đó. Lần tới mang con đến gặp bác sĩ nhi, bạn có thể khéo léo đề nghị mẹ chồng đi cùng và để bác sĩ thay bạn nói cho bà nghe những điều bạn muốn nhưng không thể.

6. Tài chính

Chi phí chăm sóc, nuôi dạy con là một trong những khoản chi khổng lồ và “mạo hiểm” nhất của cuộc đời một cặp vợ chồng. Bạn không thể biết chắc sẽ có những vấn đề gì xảy ra với gia đình và em bé của mình. Nếu không có nền tảng kinh tế vững chắc ngay từ đầu, hai bạn sẽ dễ dàng bị áp lực tài chính xoay vần và nổ ra xung đột với nhau.

Cách giải quyết vấn đề:

Không phải cha mẹ trẻ nào cũng may mắn có được sự trợ giúp kinh tế vững chắc từ hai bên nội ngoại. Nếu hai bạn cũng nằm trong trường hợp phải hoàn toàn “tự lực cánh sinh”, tiết kiệm là việc tất yếu phải làm. Hãy mở một tài khoản dành riêng cho việc chăm sóc, nuôi dạy con và đều đặn đóng tiền vào đó mỗi tháng. Ngoài ra, trước khi có con khoảng nửa năm, vợ chồng bạn nên thử tập sống tiết chế đến tối đa mọi nhu cầu không thiết yếu. Đây là việc hai bạn phải thống nhất và thường xuyên nhắc nhở lẫn nhau để không vi phạm. Bạn muốn đổi xe mới? Việc đó có thực sự khẩn cấp không? Nếu không thì hãy tạm hoãn lại. Nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng với những việc như mua/xây/sửa nhà, sắm sửa quần áo, đi du lịch nước ngoài,…  

Hãy bắt đầu từ khi em bé thậm chí còn chưa xuất hiện trong bụng mẹ. Sinh con không phải một trò đùa ngẫu hứng mà là một quyết định hệ trọng sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống bạn cho đến mãi về sau, vì vậy, hãy lên kế hoạch thật kỹ trước đó ít nhất một năm. Đừng vội có con khi hai bạn chưa đủ tiềm lực tài chính để đáp ứng mọi chi phí từ khi mang thai cho đến khi em bé được một tuổi.  

Nguồn: Theo Parents.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.