Trong những ngày qua, tình hình diễn biến của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở Trung Đông do vi rút Corona (gọi tắt là MERS-CoV) có diễn biến phức tạp. Trên thực tế, hội chứng này không phải mới xuất hiện. Mà từ nửa cuối năm 2014, căn bệnh này đã khiến nhiều người ở khu vực Trung Đông tử vong.
Tuy nhiên, trước đó hồi năm 2012, đã có bệnh nhân đầu tiên ở Ả Rập Xê Út. Hiện có nhiều quốc gia có bệnh nhân bị mắc hội chứng này, với số tử vong lên đến hàng trăm người. Mới đây, tại Hàn Quốc ghi nhận một ca nhiễm hội chứng MERS-CoV. Công dân này trở về từ Bahrain. Khi trở về Hàn, bị nghi ngờ nhiễm bệnh đã được đưa đến bệnh viện. Sau đó, 1 số bệnh nhân, y tá chăm sóc cũng đã bị nhiễm bệnh. Còn tại Trung Quốc, 1 trường hợp cũng được ghi nhận nhiễm hội chứng này.
Theo Cục Y tế Dự phòng, hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở Trung Đông có tên tiếng Anh là Middle East Respiratory Syndrome, MERS. Nguyên nhân của bệnh là do virus coronavirus. Loại siêu virus này thuộc nhóm gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Loại virus coronavirus mới này có tên là Middle East Respiratory Syndrome Coronavirus” (MERS-CoV).
Triệu chứng nhận biết hội chứng này như cảm cúm với sốt cao hơn 38 độ C, thở khó, ho, viêm phổi hoặc suy hô hấp, thậm chí kèm suy thận cấp. Ban đầu, người ta cho rằng, hội chứng này di truyền từ dơi nhưng sau đó lại được cho xuất phát từ phân của lạc đà. Đáng lo ngại là đến nay chưa có vắc xin phòng hội chứng này và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Những đối tượng dễ bị mắc MERS – CoV là những người mắc chứng bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận, viêm phổi mãn tính. Cần đi khám hoặc thông báo cho cơ sở y tế gần nhất nếu là người trở về từ vùng Trung Đông, thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, với triệu chứng sốt hơn 38 độ C, ho, khó thở, từng tiếp xúc với những người có triệu chứng trên.
Về đường lây truyền của MERS-CoV, bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc qua những giọt nước bọt nhỏ.
Sáng 2/6, Bộ Y tế cũng đã tổ chức họp với Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Bộ Công an, Tổng cục Du lịch, Bộ NN&PTNT triển khai biện pháp phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, virus MERS-CoV là dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Dịch bệnh đang lưu hành tại các quốc gia vùng Trung Đông và sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế; chưa ghi nhận sự lây lan trong cộng đồng.
Phòng MERS-CoV như thế nào?
Trước những diễn biến của bệnh ở một số nước, Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cửa khẩu quốc tế tăng cường phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện phòng chống MERS-CoV. Mặt khác, ngành y tế địa phương cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phát hiện trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh…
Để phòng MERS-CoV cần chú ý luôn giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh viêm hô hấp, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh. Việc rửa tay phải thực hiện đúng quy trình. Hạn chế tiếp xúc động vật, vật nuôi trong đó có lạc đà. Nếu đã tiếp xúc cần phải rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ.
Khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng, mũi bằng tay hoặc khăn tay. Điều này giúp tránh bắn ra các giọt nước bọt, dịch tiết, mũi ra xung quanh.
Nếu đi tới những khu vực có dịch cần phải tìm hiểu thông tin về dịch bệnh để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng tránh bị nhiễm bệnh. Hạn chế du lịch hoặc đi tới những quốc gia có dịch tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết.
Giữ vệ sinh nhà cửa, tăng cường khử khuẩn dụng cụ đồ dùng trong nhà, đồ chơi, sàn nhà, vật dụng cá nhân để diệt vi khuẩn.
Linh Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.