Điện thoại thông minh hủy hoại hôn nhân?

0
125

Bài viết dưới đây là tâm sự của một ông chồng sống tại Hampton, Mỹ về quá trình thực hiện thử thách “nói không với điện thoại” cùng vợ mình:

“Căn bệnh” nghiện công nghệ đã phổ biến tới mức nào rồi? Theo một cuộc khảo sát năm 2012 của công ty bảo mật thiết bị di động Lookout, cứ 10 người trong độ tuổi từ 18 – 34 thì có tới 7 người không thể thiếu điện thoại lâu hơn một giờ đồng hồ. Ngay cả khi đang đi cùng người khác, họ vẫn không ngăn được mình móc điện thoại ra kiểm tra dù không có tin nhắn hay cuộc gọi đến nào.

Meghan và tôi, thật đáng tiếc, lại nằm trong số những “con nghiện” đó. Mỗi khi đến một quán ăn mới, việc đầu tiên tôi làm không phải ngồi xuống nói chuyện cùng vợ, mà là “check in” trên Foursquare, còn Meghan cũng bận rộn với tài khoản Facebook đang có 1000 người theo dõi của mình.

Chúng tôi đã sống như thế trong suốt một thời gian dài, cho đến ngày Meghan bị chấn thương đầu gối do vấp phải bậc thềm trong lúc đang mải nhắn tin. Tôi đã phải chống lại ham muốn mãnh liệt là cập nhật ngay tin này lên Tweet để đỡ vợ đứng dậy trước. Đó là khi chúng tôi nhận ra mình đang gặp rắc rối lớn.

Thế nên hai vợ chồng đã cùng bàn bạc và đi tới quyết định thử “cách ly” điện thoại trong một tháng. Hai bên phải cam kết sẽ không dùng điện thoại khi có mặt nhau và không nhắn tin cho nhau khi đang ở cùng một tòa nhà. Chúng tôi gọi đó là thử thách “nói không với điện thoại”.

Tôi liên lạc với Tiến sĩ Katherine Hertlein – người đang nghiên cứu mối liên hệ giữa tình dục và công nghệ tại đại học Neveda (Las Vegas). Hertlein cũng là đồng tác giả của cuốn sách The Couple and Family Technology Framework: Intimate Relationships in a Digital Age (Câu chuyện về những cặp đôi và gia đình công nghệ: Tình yêu giữa thời đại số). Cuốn sách này giới thiệu những phương pháp để các cặp vợ chồng cứu lấy hôn nhân từ mối đe dọa mang tên công nghệ.

Tiến sĩ chia sẻ với tôi: “Bị phụ thuộc vào điện thoại thông minh không phải điều hoang đường. Càng sử dụng điện thoại thông minh nhiều, bạn càng dễ bị nó ám ảnh. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi cục diện này bằng cách sử dụng điện thoại thông minh một cách thông minh thật sự!”.

Tôi nhận ra rằng có 5 sai lầm cơ bản mà những người dùng điện thoại thông minh rất dễ mắc phải. Hãy đối mặt với những vấn đề này để cứu lấy cuộc hôn nhân của bạn.

Sai lầm 1: Mang theo điện thoại mọi lúc, mọi nơi

Một nghiên cứu của đại học Anh đã phát hiện ra rằng có rất nhiều cặp vợ chồng thường xuyên mang điện thoại bên mình, dù biết chắc sẽ không có việc gì cần dùng đến nó. Nguyên do là bởi điện thoại giống như sợi dây liên kết giữa họ với nhiều người khác. Khi có điện thoại sát bên, họ sẽ không cảm thấy mình cô đơn. Những cặp vợ chồng này thừa nhận họ ít khi thấy đồng cảm với nhau và có nhiều trải nghiệm kém vui trong mối quan hệ của mình. Đồng thời, điện thoại còn làm giảm sự gần gũi và tin tưởng họ dành cho nhau.

Tôi và Meghan đã cố gắng khắc phục điều này bằng cách “giấu” điện thoại vào một chỗ trong nhà và chỉ trả lời các cuộc gọi đến. Sau một thời gian ngắn, cách này phát huy tác dụng thấy rõ: Chúng tôi ngắm nhìn nhau nhiều hơn, các cuộc trò chuyện giữa hai người cũng sâu sắc và ít bị phân tán hơn.

Sai lầm 2: Nhắn tin quá nhiều

Bạn hãy mở nhật ký cuộc gọi trong điện thoại và xem lần cuối bạn gọi cho vợ/ chồng mình là từ lúc nào? Sau đó đếm số tin nhắn bạn đã gửi cho người ấy từ thời điểm đó. Cuối cùng, nếu còn lưu tất cả tin nhắn, hãy đọc lại xem có bao nhiêu tin bạn đã nhập sai ký tự khiến người ấy hiểu lầm ý mình?

Tiến sĩ Hertleins nói với tôi: “Do thói quen viết tắt và thiếu cẩn trọng khi nhắn tin, các cặp vợ chồng thường hiểu sai nội dung thật sự tin nhắn mà người kia muốn truyền đạt”. Việc nhắn tin nhanh gọn chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bạn đang bận rộn hoặc không thể gọi trực tiếp. Với tất cả các trường hợp khác, những tin nhắn cụt ngủn, dễ gây hiểu lầm sẽ khiến tình cảm vợ chồng bạn sứt mẻ theo năm tháng.

Hãy thử giải pháp này: Khi hai bạn đang ở xa và cần thảo luận một vấn đề gì đó nhưng không thể gọi trực tiếp, hãy thay thế bằng một email. Tiến sĩ Hertleins giải thích: “Viết email đòi hỏi bạn phải cẩn thận và chậm rãi hơn. Nhờ đó mà hai bạn sẽ bớt hiểu lầm ý nhau”. Viết email cũng thể hiện thái độ nghiêm túc, tôn trọng lẫn nhau hơn.

 

Sai lầm 3: Vào mạng xã hội quá nhiều

Tôi là một trong những “người theo dõi” vợ mình trên Facebook và đôi khi, tôi phải giả vờ ngạc nhiên với những chuyện Meghan nói mà tôi đã thấy ở Facebook cô rồi. Chúng tôi đã từng cập nhật mỗi phút giây trong ngày lên Facebook, Twitter mà không nhận ra rằng hành động đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nghe câu chuyện ngoài đời thực.

“Lướt qua Facebook người ấy và để lại một vài lời yêu thương mỗi ngày là việc tốt, nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng việc đó có thể thay thể giao tiếp mặt đối mặt”, Tiến sĩ Hertlein nói. Sau đó, tôi đã thử ngừng “theo dõi” vợ mình trên Facebook và quả thật chất lượng cuộc nói chuyện ngoài đời của chúng tôi được cải thiện rõ rệt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jesse Fox tại đại học Ohio – người nghiên cứu những tác động của mạng xã lên mối quan hệ nhận định: “Sự phát triển của mạng xã hội khiến bạn thấy chỉ cần giữ những kết nối ảo với người yêu chứ không còn muốn giao tiếp thật với anh/ cô ấy nữa”.

Nhưng việc kiểm tra Facebook của Meghan không làm tôi thỏa mãn. Trên thực tế, những dòng trạng thái ngắn ngủi đó chỉ khiến tôi mất hứng trong cuộc trò chuyện ngoài đời với vợ mình. Nếu bạn cũng đồng ý với tôi, hãy thử dừng (ít nhất là hạn chế) dùng Facebook một thời gian để thấy được sự khác biệt.

Sai lầm 4: Dùng điện thoại như… thuốc an thần

Meghan thường tìm điện thoại để trấn an tinh thần trong lúc bị thất vọng hoặc lo lắng. Có một lần duy nhất trong thời gian thực hiện giao kèo cô đã định bỏ cuộc. Đó là sau khi chúng tôi trở về từ cuộc thi chạy Rockfest Marathon và không được giải nào. Meghan nói: “Em muốn nói cho mọi người biết em đã cố gắng như thế nào. Em thấy buồn lắm”. Nhưng rút cục Meghan chỉ mở điện thoại để đọc tin dự báo thời tiết vì ngoài trời đang mưa rất lớn và cô sợ chúng tôi sẽ đi vào một cơn lốc xoáy. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục chinh phục thử thách “nói không với điện thoại”.

Tiến sĩ Hertlein giải thích: “Người ta nghĩ rằng bằng cách dùng điện thoại, họ có thể kiểm soát được những hiểm nguy tiềm tàng trong cuộc sống. Hành động đó thực chất là một nỗ lực để tự xoa dịu tâm lý, tương tự như dùng thuốc an thần vậy”.

Suýt nữa chúng tôi đã bỏ mạng trên đường đến cuộc thi chạy vì có một chiếc ô tô khác lao lên đột ngột. Tôi không hề thấy chiếc ô tô đó nhưng Meghan thì có và cô đã hét toáng lên giúp tôi hãm tốc độ kịp thời. Khi nguy hiểm đã qua, vợ nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Nếu vừa nãy em đang cắm cúi kiểm tra điện thoại, chắc chúng ta đã chết rồi”.

Sai lầm 5: Bạn lãng phí quá nhiều thời gian

Khi còn “nghiện” điện thoại, Meghan thường bị mất giấc ngủ trưa cho những lần “lướt sơ qua” Facebook. Tôi tin bạn hiểu được tình huống này nếu bạn cũng có điện thoại thông minh và tài khoản Facebook.

“Bởi vì những hoạt động như lướt Facebook hay nhắn tin thường diễn ra rất nhanh, trong chỉ từ 30 giây – 1 phút nên não bộ của bạn không coi chúng là việc mất thời gian”, Tiến sĩ Hertlein phân tích. Thế nên bạn sẽ điềm nhiên sử dụng điện thoại thông minh để “lướt qua” hết cái này đến cái khác mà không hề nhận ra mình đã lãng phí nhiều thời gian như thế nào.

Meghan và tôi đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ: Chúng tôi đến dự đám cưới một người bạn và chia sẻ với mọi người về thử thách “nói không với điện thoại” của hai vợ chồng. Các vị khách đều rất chăm chú lắng nghe cho đến khi cô dâu tiết lộ rằng đám cưới có một hash-tag (một khái niệm mới nổi trên mạng xã hội, hash-tag có chức năng như một từ khóa và phía đầu được đánh dấu #). Ngay lập tức, mọi người lôi điện thoại của mình ra và chúi mũi vào đó để kiểm tra hash-tag đám cưới.

Vợ chồng tôi ngán ngẩm nhìn nhau rồi quyết định rời khỏi những “con nghiện” để đi gọi đồ uống, chụp ảnh kỷ niệm và sống đúng nghĩa. Khác với trước đây, thay vì cầm điện thoại lên, tôi nắm lấy tay Meghan và bước ra sàn nhảy cùng vợ một điệu thật đẹp.

Nguồn: Theo Menshealth.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.