Nếu Mặt Trăng đột ngột va chạm với một hành tinh mồ côi thì bầu trời sẽ trắng xóa, Trái Đất phải hứng chịu các đợt mưa thiên thạch từ mảnh vụn vụ nổ.
Hành tinh mồ côi là các hành tinh trôi nổi trong vũ trụ, không bị ràng buộc về mặt hấp dẫn với bất kỳ hệ sao nào, theo Daniel Freeman, cử nhân ngành Vật lý tại đại học UC Berkeley.
Chúng có thể vút qua và va chạm, tiêu diệt Mặt Trăng. Theo tính toán hiện nay, số lượng các hành tinh này rất nhiều, theo tỉ lệ cứ một ngôi sao có 100.000 hành tinh mồ côi, theo Business Insider.
Minh họa hành tinh mồ côi của NASA. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).
Khi Mặt Trăng bị phá hủy, nó sẽ bị vỡ thành các mảnh thiên thạch và kim loại lớn ở gần Trái Đất. Các mảnh lớn này lại có thể va chạm với nhau tạo ra các mảnh nhỏ hơn, như những gì được mô tả trong cuốn sách khoa học viễn tưởng Seveneves của tác giả Neal Stephenson, xuất bản vào năm 2015.
Cùng với các nhà khoa học trên khắp thế giới, theo nhà thiên văn học nổi tiếng Dubois Jerome Xavier Harris, một nhân vật trong cuốn sách, các mảnh vỡ của Mặt Trăng sẽ liên tục va chạm và tạo ra các mảnh ngày càng nhỏ và làm tăng khả năng va chạm.
Đây là một kịch bản được các nhà vật lý gọi là hiệu ứng Kessler. Đây cũng là nguyên nhân mà một số nhà khoa học lo ngại rằng sự tích tụ của rác không gian bao quanh Trái Đất có thể trở nên nghiêm trọng tới mức không thể phóng vệ tinh hay tên lửa lên quỹ đạo nữa, cô lập Trái Đất khỏi vũ trụ.
Dubois tính toán rằng khoảng hai năm sau khi Mặt Trăng bị phá hủy, bầu trời sẽ bị phủ đầy bởi vật chất của Mặt Trăng. Chúng sẽ tạo thành một lớp mây dày bao quanh Trái Đất. Dubois gọi hiện tượng này là “bầu trời trắng xóa”.
Nhà vật lý hành tinh Erik Asphaug, người nghiên cứu các va chạm khổng lồ giữa các mặt trăng và hành tinh cho rằng, tùy thuộc vào điều kiện khi Mặt Trăng bị phá hủy, rất có khả năng những mảnh vỡ của nó sẽ tạo thành một vòng xuyến (giống hình bánh vòng donut) bao quanh Trái Đất. Những mảnh lớn có thể sẽ bị hút vào Trái Đất bởi thủy triều và bị kéo bởi sự cộng hưởng hấp dẫn từ vật chất tạo nên vòng xuyến.
Các mảnh vỡ từ Mặt Trăng có thể gây ra những vụ nổ trên Trái Đất. (Ảnh: Shutterstock).
Freeman sử dụng máy tính để mô phỏng chính xác kịch bản mà Stephenson đã tưởng tượng ra. Ông cho rằng: “bầu trời trắng xóa” sẽ xảy ra sớm hơn dự đoán của Stephenson, nhưng cũng lưu ý rằng kịch bản này “về lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra”.
Sau đó, mọi thứ sẽ rơi xuống Trái Đất, tạo thành những cơn mưa đất đá.
“Đó sẽ là một cuộc oanh tạc bằng thiên thạch tới Trái Đất giống như những gì xảy ra vào thời điểm mới hình thành hệ Mặt Trời”, Dubois giải thích. Cuộc oanh tạc này sẽ kéo dài trong khoảng 5.000 đến 10.000 năm, tạo ra lượng nhiệt đủ để làm bốc hơi hết các đại dương. Kịch bản này hoàn toàn có thể thành sự thật.
Mô phỏng các mảnh vỡ Mặt Trăng va chạm với Trái Đất. (Video: Daniel Freeman).
Đây là mô phỏng của Freeman về hiện tượng này, với Trái Đất là chấm to màu xanh dương và các mảnh vụn Mặt Trăng là các chấm nhiều màu sắc nhỏ hơn. Theo ông, không cần phải toàn bộ Mặt Trăng mới gây ra cơn mưa hủy diệt Trái Đất.
“Quãng thời gian 10.000 năm của cơn mưa thiên thạch này hoàn toàn có thể xảy ra”, Freeman nói.
Asphaug cũng đồng tình với ý kiến này, dù không ước tính khoảng thời gian.
Trong cuốn tiểu thuyết của Stephenson, con người phải tránh thảm họa bằng cách di cư lên không gian trong hàng ngàn năm. Đây là ý tưởng được nhiều người cho là cần thiết, trong đó có cả nhà vật lý Stephen Hawking và Elon Musk, Giám đốc điều hành của SpaceX, công ty chuyên về các dự án vũ trụ.
Họ cho rằng con người cần có các phương án để đưa mình ra khỏi hành tinh này trong trường hợp không thể sống được trên đó nữa. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan nghiên cứu dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) đã có các chương trình nghiên cứu 100 năm, cố gắng tìm cách chế tạo một con tàu vũ trụ có thể làm nơi ở cho một nhóm người trong nhiều thế kỷ trong cuộc hành trình giữa các vì sao, tìm nơi ở mới.
Theo VnExpress