Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ

Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ

Lần đầu tiên trong lịch sử oai hùng của Roma, cuộc chiến tranh nô lệ lần thứ 3 do Spartacus lãnh đạo trở thành lần đe dọa duy nhất đến vùng đất trung tâm của người La Mã.

Spartacus – Nô lệ cả gan đứng lên thách thức Roma “thần thánh”

Trong những trang lịch sử oai hùng của đế chế La Mã hẳn nhiên không thể thiếu những cuộc chinh phạt của hàng loạt các hoàng đế, mãnh tướng kiệt xuất như: Julius Caesar, Augustus, Septimius Severus…

Tuy vậy, đế chế hùng mạnh và rộng lớn bậc nhất của phương Tây không vì thế mà không trải qua những thăng trầm trong quá trình gìn giữ sự hưng thịnh của mình.

Spartacus, chiến binh nô lệ dám đứng lên thách thức cả Roma “thần thánh” sau hơn 500 năm tồn tại, người lãnh đạo những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử cổ đại, đã từng khiến La Mã phải lao đao.

Nắm giữ đội quân hơn 12 vạn nô lệ (gồm cả trai, gái, già, trẻ), chiến binh quật cường Spartacus dám công khai thách thức nền Cộng hòa chuyên chính của đế chế La Mã với đội quân lên đến hơn 200 nghìn người .

Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ
Spartacus, chiến binh nô lệ dám đứng lên thách thức cả Roma thần thánh sau hơn 500 năm tồn tại. (Tạo hình điện ảnh trong bộ phim cùng tên).

Lịch sử có không nhiều thông tin về những năm tháng đầu đời của Spartacus. Nhiều sử gia viết rằng, Spartacus được sinh ra và lớn lên ở Thrace (vùng Đông Nam châu Âu ngày nay) vào năm 109 Trước Công nguyên (TCN).

Giống phần lớn những thanh niên thời kỳ này, Spartacus trải qua thời thanh niên đầy sóng gió. Chàng trai trẻ vì muốn bảo vệ quê hương đã đồng ý liên minh với quân La Mã để chống lại quân thổ phỉ.

Thế nhưng, lời hứa trở về quê nhà sinh sống yên bình cùng người vợ đã mãi mãi bị chôn vùi khi quân La Mã phản bội anh và đem bán làm nô lệ rồi bị huấn luyện để trở thành võ sĩ giác đấu tại Capua, phía bắc Napoli.

Sau những tháng ngày dài đằng đẵng nhẫn nhịn uất ức, chịu đựng sự sống chết mong manh trong những cuộc giáo đấu tại võ đài, Spartacus đã nung nấu thực hiện một cuộc chiến nhằm giải thoát xiềng xích nô lệ của mình.

Vào năm 73 TCN, Spartacus cùng hơn 70 nô lệ khác đã bàn nhau và trốn khỏi “lò” đào tạo võ sĩ giác đấu. Hơn 120.000 nô lệ được tập hợp tại vùng gần núi lửa Vesuvius và tổng lực lên kế hoạch nổi dậy mà lịch sử gọi với cái tên Cuộc chiến tranh nô lệ lần thứ 3 (năm 73 TCN – 71 TCN)*. (*) Các cuộc chiến tranh nô lệ lần 1 và 2 xảy ra lần lượt theo các năm (135 TCN – 132 TCN) tại Sicily do Eunus và Cleon lãnh đạo; Và (104 TCN – 100 TCN) cũng tại Sicily, do Athenion và Tryphon lãnh đạo.

Trong vòng 3 năm (từ năm 73 đến năm 71 TCN), đội quân nô lệ hàng trăm nghìn người do Spartacus lãnh đạo đã liên tiếp đánh bại nhiều cuộc tấn công, trấn áp của quân đội La Mã, thu hút được hàng chục nghìn nô lệ tại Roma khác bỏ trốn.

Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ
Spartacus đã phá bỏ xiềng xích để giải phóng chính mình. (Hình ảnh lấy trong phim cùng tên).

Lần đầu tiên trong lịch sử oai hùng của Roma, cuộc chiến tranh nô lệ lần thứ 3 trở thành lần đe dọa trực tiếp duy nhất đến vùng đất trung tâm của người La Mã. Làn sóng đấu tranh dũng mãnh của đội quân nô lệ đã khiến dân chúng La Mã sợ hãi tột cùng.

Thất bại tưởng chừng đã nằm trong tay đế chế hơn 500 năm tồn tại trong tự hào.

Trận đánh áp đảo tại Vesuvius: Đỉnh cao trong thuật dùng binh của Spartacus

Để có được sự đe dọa khủng khiếp đến Roma, người nô lệ tưởng chừng chỉ thuộc về thế giới đen tối của xã hội, đã sử dụng loạt chiến thuật đỉnh cao mà các nhà cách mạng hiện đại gọi là chiến tranh du kích.

Khi nhận thấy đội quân hùng mạnh và kỷ luật nhất thế giới cổ đại (quân La Mã) đứng trước nguy cơ rơi vào hố diệt vong, chính quyền Roma lúc này mới nhận ra mối nguy hiểm to lớn từ Spartacus cùng “một nhúm nô lệ bất trị” của kẻ thù.

Viện nguyên lão tức tốc gửi một pháp quan tên là Claudius đến dẹp loạn. Như chỉ chờ sẵn, Spartacus đã chứng tỏ tâm thế của người lãnh đạo, một chiến lược gia dùng “binh” đại tài.

Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ
Mặc dù không được huấn luyện những kỹ năng quân sự, nhưng đội quân nô lệ của Spartacus chiến đầu rất cừ khôi. (Hình minh họa).

Một trong những câu nói thể hiện sự tự tin, bản lĩnh và quyết đoán của Spartacus chính là lúc anh nói với đội quân của mình khi hay tin từ mật báo rằng quân La Mã đang chuẩn bị tấn công họ trong đêm tại vùng núi lửa Vesuvius, chính là:

“Quân La Mã tiến đánh từ phía sau, một vị trí hèn nhát. Chúng sẽ xây dựng đội hình chặt chẽ theo truyền thống với ý định áp đảo ta. Đó là cách của người Roma. Còn chúng ta, chúng ta sẽ dạy chúng cách riêng của mình”.

Với mục đích tấn công đội quân chủ chốt của Spartacus tại vùng núi lửa Vesuvius (nơi trong mắt của người La Mã là “xào huyệt” của Spartacus), sau khi nhận lệnh, Claudius hăm hở lên đường với lòng quyết tâm tiêu diệt tận rễ “nhúm nô lệ bất trị”.

Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ
Đội quân La Mã nổi tiếng với lối đánh chặt chẽ, kỷ cương. (Hình minh họa).

Ông ta nhanh chóng bao vây quân khởi nghĩa tại vùng núi lửa Vesuvius nhằm chặn mọi lối thoát của nghĩa quân ngay trong đêm tối.

Tuy nhiên, điều không ngờ đã tới. Do địa hình không mấy thông thạo, cộng với lối đánh du kích, tấn công bất ngờ rồi cũng rút lui bất ngờ của Spartacus khiến cho quân La Mã như sập vào bẫy đêm.

Quân La Mã áp đảo trên chiến trường rộng lớn là thế thì nay lại loay hoay trong địa hình nhiều cây rừng, hốc đá. Cung tên của quân Spartacus phát huy hết tốc lực, khiến cho kẻ thù né chạy không kịp.

Khi trở về “căn cứ” và đang tiến hành thu vũ khí bằng thép của quân La Mã, quân của Spartacus bất ngờ bị tấn công bằng nhiều quả cầu đá lửa khiến họ phải tìm đường chạy lên núi cao.

Lại một lần nữa, Spartacus nghĩ ra kế hoạch đánh lại quân của pháp quan Claudius. Người chiến binh anh hùng trước khi tiến trận đã nói:

“Quân La Mã có số lượng quá lớn so với chúng ta nhưng chúng lại một lần nữa để lộ khe hở chí tử. Chúng luôn tin vào lối đánh truyền thống. Và chúng ta lại tìm ra lối đánh khác để đánh bại chúng. Trên thế giới này, không gì là không thể”.

Cùng với đội quân, Spartacus đã bện những cây nho thành sợi dây thừng rắn chắc rồi leo xuống vách đá ở phía bên kia của núi lửa Vesuvius (điểm phía sau lưng của quân địch), chuẩn bị cho cuộc đột kích lần thứ 2 không ngờ tới.

Đoàn quân La Mã chẳng thể ngờ quân của Spartacus sẽ tấn công trong đêm. Tinh nhuệ chiến đấu bị giảm rất nhiều khi đội quân thiện chiến đang còn ngái ngủ.

Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ
Đội quân nô lệ đã áp dụng chiến thuật đánh tài tình của Spartacus, khiến đội quân La Mã do Claudius cầm quân nhận thất bại. (Hình minh họa).

Spartacus thừa thắng xông lên, quân của pháp quan La Mã chết như ngả rạ. Tướng đối tướng, quân đối quân. Cuối cùng, pháp quan Claudius bị nhát dao của Spartacus kết liễu. Spartacus chiến thắng trong sự tôn vinh, kính trọng của đội quân nô lệ.

Mặc dù, không được huấn luyện những kỹ năng quân sự và chỉ là đoàn quân nô lệ cầm những vũ khí thô sơ nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của Spartacus, đội quân nô lệ đã biết sử dụng khéo léo các vũ khí thô sơ và vận dụng linh hoạt các chiến thuật vô cùng khôn ngoan của người chỉ huy.

Sau chiến thắng trong trận ở núi lửa Vesuvius, đội quân của Spartacus lên đường, thực hiện cuộc chiến tranh tổng lực, lật đổ chế độ cộng hòa.

Trong khi một cánh quân tiến đến xứ Gaul, hạ trại tại Rhenium, chống lại các đợt tấn công của quân La Mã rồi sau đó tiến về phía nam và có ý định đánh Sicily.

Tuy nhiên, vấp phải sự đánh trả của đội quân do tướng Marcus Licinius Crussus và tướng Pompey, các dũng tướng của La Mã, Spartacus có thể đã đã tử trận trong cuộc chiến cùng hàng nghìn nô lệ khác.

Đỉnh cao nghệ thuật dùng binh của Spartacus khiến La Mã khiếp sợ
Spartacus có thể đã đã tử trận trong cuộc chiến cùng hàng nghìn nô lệ khác. (Hình ảnh minh họa).

Cuộc giao chiến tại phía nam La Mã đã khiến Spartacus cùng nghĩa quân phải dừng lại mãi mãi. Kế hoạch giải phóng đã bị Marcus Licinius Crussus “tắm” trong máu thiên thu. Hơn 6.000 nô lệ còn sống bị truy sát và đóng đinh lên thập giá.

Trận chiến cuối cùng đi vào lịch sử do Spartacus lãnh đạo năm 71 TCN bên bờ tây sông Sele chứng kiến sự thất bại hoàn toàn của đội quân nô lệ Spartacus.

Một số sử gia cho rằng Spartacus đã tử trận, nhưng cho đến nay số phận của chiến binh nô lệ vẫn còn nhiều bí ẩn. Mặc dù thất trận, nhưng người đời về sau còn nhắc rất nhiều đến cái tên Spartacus – Người nô lệ “cả gan” đứng lên thách thức Roma thần thánh.

Kết

Ngày nay, Spartacus cùng đội quân và những cuộc chiến đấu tàn khốc đầy máu và nước mắt của ông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các sử giả, nhà văn, các nhà cách mạng hiện đại trên thế giới.

Tham khảo: Naplesldm.com, History, Nghiencuuquocte.org, Wikipedia

 

Theo Trí Thức Trẻ